Thời gian qua, các bệnh viện tại TP HCM tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai biến sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các thẩm mỹ viện không phép. Đáng lưu ý là đã có trường hợp tử vong vì sử dụng dịch vụ thẩm mỹ “chui”.
Tử vong vì làm đẹp
Ngày 27/6, Sở Y tế TP HCM nhận được báo cáo nhanh từ Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (quận 10) về một trường hợp tử vong liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ trái phép. Bệnh nhân là một phụ nữ, sinh năm 1996, trú tại Cà Mau. Sau khi tiêm dung dịch nâng ngực, người bệnh rơi vào tình trạng tím tái, sùi bọt mép, mạch, huyết áp bằng 0 và tử vong sau đó. Nạn nhân thực hiện thẩm mỹ nâng ngực tại khách sạn DONA (783 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10).
Trước đó, ngày 15/5, Tòa án quận Bình Tân (TP HCM) đã tuyên phạt bị cáo Phan Đức Hồng (61 tuổi, ngụ quận Bình Tân) 3 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định khám chữa bệnh. Cụ thể, do có hẹn trước nên chị N.T.L.T đến nhà ông Phan Đức Hồng để được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ vùng ngực. Trong quá trình phẫu thuật chị T. tử vong. Tại cơ quan điều tra, ông Phan Đức Hồng khai, có giấy chứng nhận khám, phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không có giấy phép hoạt động tại nhà riêng.
Từng là nạn nhân của thẩm mỹ “chui”, bà T.T.P. (39 tuổi, trú quận Bình Tân, TP HCM) cho biết, năm 2022 bà biết đến một cơ sở thẩm mỹ qua mạng xã hội. Sau đó, bà đã đến để tiêm filler nhưng không ngờ việc làm đẹp này đã suýt cướp đi sinh mạng. Sau khi tiêm 3 lọ filler (chất làm đầy) Alisa (50ml/lọ) vào vùng ngực và mặt, ngày hôm sau bà P. cảm thấy mệt và khó thở hơn nên đã đến Bệnh viện Bình Tân để theo dõi. Tại đây, bà P. bị tụt huyết áp và đã được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Sau cuộc hội chẩn khẩn cấp, bệnh viện đã lập ê-kíp để can thiệp bằng kỹ thuật ECMO ngay trong đêm cho bà P. vì tim bệnh nhân đã gần như không co bóp. Rất may bà đã thoát chết.
Theo bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện JW, gần đây rất nhiều cơ sở thẩm mỹ không được phép phẫu thuật thẩm mỹ nhưng lại quảng cáo rất rầm rộ các dịch vụ như nâng ngực, hút mỡ, nâng mũi… và đã gây ra tai biến rất nặng. Các cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép làm ảnh hưởng đến tất cả hoạt động của ngành thẩm mỹ.
Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng cho biết nhiều người không có chứng chỉ hành nghề đã lén lút thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở như khách sạn, nhà trọ và gây ra tai biến, thậm chí gây tử vong trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Siết chặt quản lý và xử phạt
Theo thống kê của Sở Y tế TP HCM, hiện thành phố có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15% trong tổng số cơ sở), còn lại hơn 85% cơ sở là do quận/huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2023, Sở Y tế TP HCM đã phát hiện 19 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ do UBND quận/huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Spa, chăm sóc da, thẩm mỹ viện, cắt tóc, gội đầu, phun xăm….) nhưng các cơ sở này cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho rằng, dịch vụ thẩm mỹ chui không phải là vấn đề mới nhưng là thách thức với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Thách thức lớn nhất trong việc quản lý các hoạt động cung ứng dịch vụ này là các cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui” ngày càng tinh vi; quảng cáo trái phép trên nhiều phương tiện truyền thông, gây hiểu nhầm cho người dân.
PGS.TS Đỗ Quang Hùng - nguyên Trưởng khoa Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, quản lý các cơ sở thẩm mỹ không phép không chỉ một mình ngành y tế, cần có sự chung tay của người dân, nhất là chính quyền địa phương. Việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm của các cơ sở thẩm mỹ vẫn còn rất nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.
“Đến lúc cần phải có thêm những giải pháp quyết liệt hơn với sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các dịch vụ thẩm mỹ, đặc biệt là thẩm mỹ không phép” - Giám đốc Sở Y tế TP HCM nhấn mạnh.
Thanh tra Sở Y tế TP HCM và phòng y tế các quận/huyện đang tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ. Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cũng kiến nghị Công an thành phố cần có thêm những giải pháp giúp tăng cường quản lý và kịp thời ngăn chặn những hoạt động thẩm mỹ không phép tại các khách sạn, nhà trọ, khu dân cư nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng liên quan đến hoạt động thẩm mỹ không phép. Đề xuất sớm đưa vào hoạt động (sau giai đoạn thí điểm) phần mềm khai báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú (phần mềm ASM) tại các khách sạn, căn hộ cho thuê.