Nhiều phụ nữ sau sinh rơi vào trầm cảm nhưng không được phát hiện, không được điều trị đúng cách. Họ âm thầm chịu đựng cho đến khi phát sinh hành vi tự sát hoặc gây hại cho con. Những bi kịch ấy không phải cá biệt mà là hệ quả của sự thờ ơ đối với một căn bệnh nghiêm trọng.
Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương ghi nhận một trường hợp người phụ nữ tử vong nghi do tự tử. Đó là chị N.T.H.T. (34 tuổi, ngụ xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).
Theo thông tin ban đầu, chị T. cùng người thân đưa con mới sinh đến một bệnh viện ở Đắk Lắk để kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, sau 3 ngày, chị rời bệnh viện mà không thông báo với gia đình, để lại con nhỏ trong sự lo lắng của người thân.
Sau khi không thể liên lạc được, gia đình đã đăng tải thông tin tìm kiếm chị T. trên mạng xã hội. Hôm sau, người dân phát hiện chị T. tử vong ở tỉnh Bình Dương, nghi do tự tử.
Còn tại xã Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định), người dân phát hiện một người phụ nữ trẻ dìm hai cháu nhỏ xuống sông Ninh Cơ. Cả hai bé không qua khỏi. Người mẹ – giáo viên tiểu học – từng có biểu hiện trầm cảm sau sinh nhưng không điều trị đến nơi đến chốn. Trước đó vài tháng, chị xin nghỉ việc vì không muốn tiếp xúc với ai.
Tại Bình Thuận, một vụ việc tương tự xảy ra - bé trai hai tháng tuổi tử vong với vết thương ở cổ. Mẹ bé được phát hiện với vết cắt ở cổ tay. Người nhà xác nhận chị có dấu hiệu bất ổn tinh thần sau sinh.
Chị L.T.L. (Hà Nội), bệnh nhân tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Tôi từng cầm dao cứa tay, từng ném con xuống giường rồi lại bật khóc. Không phải tôi ghét con, mà tôi ghét chính mình, ghét cảm giác mệt mỏi không lối thoát”.
Cũng tại cơ sở y tế này, bệnh nhân T.T.B.T. (21 tuổi, Quảng Bình) sinh con khi đang là sinh viên năm ba. Sau sinh, chị mất ngủ triền miên, chán ăn, buồn rầu, không thiết chăm con. Một lần, chị dùng dao tự rạch bụng để tự tử. Sau nhiều lần điều trị, chị được chẩn đoán trầm cảm sau sinh có hành vi tự sát.
Trầm cảm sau sinh là một dạng rối loạn cảm xúc, khởi phát trong vòng 1 năm đầu sau sinh, thường gặp trong 4–6 tuần đầu. Biểu hiện ban đầu dễ bị bỏ qua như mất ngủ, cáu gắt, ăn uống kém, suy nghĩ tiêu cực. Ở giai đoạn nặng, người mẹ có thể không chăm con, xa lánh người thân, có ý nghĩ tự sát hoặc hành vi gây hại
BS Vũ Thy Cầm - Trưởng Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: “Tất cả phụ nữ đều có thể mắc trầm cảm sau sinh, không phân biệt hoàn cảnh, nghề nghiệp hay mức sống. Đặc biệt, những người từng bị trầm cảm, sống cô lập hoặc thiếu hỗ trợ từ gia đình có nguy cơ cao hơn”.
Chuyên gia phân tích, sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ thường có những sự thay đổi đột ngột về nội tiết nên dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Ngoài ra, thể tích máu, hệ miễn dịch, huyết áp và chuyển hóa lúc này cũng biến đổi nên dẫn đến những bất ổn về cảm xúc. Các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh thường không được gia đình chú ý, chỉ đến khi xảy ra nhiều hậu quả đau lòng thì người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của căn bệnh này.
Bệnh lý trầm cảm sau sinh con sẽ càng trở nên trầm trọng nếu thời điểm sau sinh, người mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé mà gia đình lại có mâu thuẫn không thể gỡ bỏ hoặc khó khăn về tài chính... Đặc biệt, nếu trong gia đình có người từng bị trầm cảm thì người phụ nữ sau khi sinh cũng có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn.
Nhận diện sớm, điều trị đúng - chìa khóa thoát khỏi bi kịch
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật tâm thần, và là yếu tố liên quan đến 70% các vụ tự tử trên toàn cầu. Việt Nam ghi nhận khoảng 36.000–40.000 ca tự tử mỗi năm, trong đó trầm cảm là nguyên nhân chính
Dù vậy, nhận thức về trầm cảm sau sinh trong cộng đồng vẫn còn thấp. Dù là một bệnh lý phổ biến, trầm cảm sau sinh vẫn đang bị hiểu sai. Nhiều người bệnh không dám nói ra vì sợ bị coi là “yếu đuối”, “bị điên”. Không ít gia đình vẫn xem nhẹ hoặc phủ nhận, khiến người mẹ sống trong cô lập, dẫn tới các hệ lụy không thể cứu vãn.
Không những thế, BS. Vũ Sơn Tùng - Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em & vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thẳng thắn chia sẻ: “Có lẽ hằn sâu trong tâm lý người Việt Nam chúng ta mỗi khi nhắc đến các vấn đề về tâm thần là sự điên loạn. Một ví dụ thường gặp cho định kiến này, đó là những lời xúc phạm người khác như “đồ điên”, “thằng điên” mà có lẽ ai cũng đã từng dùng một lần trong đời. Mặc dù hiện nay phần nào người dân cũng đã có những suy nghĩ cởi mở hơn, nhưng thường chỉ ở những thành phố lớn. Bởi thế, có rất nhiều trường hợp, chồng đi khám không dám nói với vợ, con đi khám không dám nói với bố mẹ hay ngược lại bởi sợ bị kỳ thị từ chính những người thân trong gia đình”.
Thống kê từ Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày có 250–300 bệnh nhân đến khám, trong đó khoảng 30% liên quan đến trầm cảm, bao gồm trầm cảm sau sinh. Nhưng theo thống kê nội bộ, chỉ khoảng 50% bệnh nhân trầm cảm sau sinh được chẩn đoán đúng và kịp thời.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho hay: “Trầm cảm sau sinh có thể khởi phát rất sớm, nhưng nhiều người giấu bệnh hoặc đi khám sai chuyên khoa vì biểu hiện như tức ngực, đau đầu, mệt mỏi. Có người không nói ra, có người đến khi phát hiện thì đã có hành vi nguy hiểm”.
Hiện nay, các phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh gồm: liệu pháp tâm lý, hóa dược, nội tiết tố và trong trường hợp nặng có thể dùng sốc điện. “Điều quan trọng là bệnh phải được phát hiện sớm. Nếu để muộn, thời gian điều trị sẽ kéo dài và khó hồi phục” – BS Cầm khuyến cáo
Các chuyên gia cho rằng, ngoài hệ thống y tế, truyền thông cộng đồng cần đóng vai trò tích cực để nâng cao nhận thức, giúp bà mẹ sau sinh nhận biết sớm triệu chứng bệnh, từ đó chủ động tìm đến bác sĩ. Cần đẩy mạnh sàng lọc trầm cảm tại các cơ sở y tế sản khoa và xây dựng đội ngũ tư vấn tâm lý hậu sản ở tuyến cơ sở.
Để ngăn chặn những bi kịch tiếp diễn, không thể chỉ trông chờ vào ngành y tế. Cần có sự thay đổi toàn diện về nhận thức, hệ thống hỗ trợ và sự đồng hành từ phía gia đình.
“Người mẹ không cần những lời phán xét, họ cần được lắng nghe, được nghỉ ngơi và được yên tâm về tâm lý” – BS Cầm nói thêm.
Thực tế, không ai có thể thay thế vai trò của người mẹ trong việc chăm sóc con cái, nhưng người mẹ ấy cũng cần được chăm sóc – về cả thể chất và tinh thần. Trầm cảm sau sinh, nếu không được quan tâm đúng mức, có thể cướp đi không chỉ một cuộc đời.