Những người làm công tác Mặt trận luôn là những gần dân nhất, họ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để có những sáng kiến, cách làm hay trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như làm tốt công tác hòa giải, nâng cao chất lượng Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng…Ở đâu khó ở đó có cán bộ Mặt trận.
Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo xã Côn Lôn, huyện Na Hang, Tuyên Quang. (Ảnh: mattran.org.vn)
1. Điển hình trong các cách làm sáng tạo phải kể đến MTTQ tỉnh Hà Tĩnh. Quá trình thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tỉnh đã có những cách làm rất sáng tạo, phù hợp đặc điểm, điều kiện địa phương mình. MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể đảm nhận và phối hợp triển khai thực hiện xây dựng 22 khu dân cư kiểu mẫu; MTTQ và các đoàn thể các huyện, thành phố thị xã và các xã đảm nhận, triển khai thực hiện 88 khu dân cư kiểu mẫu và 215 vườn mẫu… Đến nay, cơ bản các vườn mẫu, khu dân cư mẫu được MTTQ và các tổ chức đoàn thể đảm nhận đã hoàn thành các tiêu chí, góp phần nâng tổng số khu dân cư kiểu mẫu đạt chuẩn trong toàn tỉnh là 490 khu dân cư và 1.973 vườn mẫu đạt chuẩn.
Hay như với phong trào “3 không” (không ma túy, không cờ bài ăn tiền, không vi phạm an toàn giao thông) được triển khai sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân. MTTQ tỉnh đã gắn các nội dung của phong trào này với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Đề án về “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong phối hợp với lực lượng công an, tổ bảo vệ dân phố, cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị cho các lực lượng chức năng, góp phần ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, cộng đồng dân cư.
Bắc Kạn vốn là một tỉnh miền núi nghèo, vì thế số xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng như số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị còn rất khiêm tốn. Đây chính là rào cản mà người làm công tác Mặt trận phải vượt qua trong quá trình vận động bà con thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Thế nhưng quá trình triển khai, MTTQ các cấp đã có những cách tuyên truyền vận động rất sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn dân cư của mình. Tại Mặt trận cơ sở, mỗi người cán bộ được phân công phụ trách một mảng công việc nhưng vẫn tương trợ, giúp đỡ lân nhau. Người chăm lo phát triển đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Người khác lại đảm bảo thúc đẩy các phong trào, các cuộc vận động đi lên… Đầu tiên là việc vận động nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng quy mô trong sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp và dịch vụ. Bởi hơn ai hết, những người làm Mặt trận hiểu rằng, chỉ khi đời sống của bà con bớt nghèo thì họ mới có điều kiện tham gia các phong trào, cuộc vận động tốt được.
Qua vận động, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư về lao động, tiền vốn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa như các mô hình: nuôi lợn siêu nạc, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi ong lấy mật, nuôi vịt thương phẩm, nuôi rắn, trồng cây ăn quả, cây rau màu,... giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.
Bên cạnh việc vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, để hoàn thành tiêu chí môi trường, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã có nhiều cách làm hay để vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Nhờ đó, trong các khu dân cư, bà con tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xử lý chất thải trong sản xuất và sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; xây dựng các mô hình cổng nhà sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp.
Còn với những người làm công tác Mặt trận ở Bắc Giang thì chỉ có đến với dân, họ mới biết người dân mong muốn “Ngày hội đoàn kết” nên giảm bớt phần lễ tiết, thủ tục rườm rà, tập trung nhiều vào phần hội, giao lưu, các hoạt động thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Bà con rất muốn có “Bữa cơm đoàn kết” trong Ngày hội để mọi người được dịp tâm tình, trò chuyện, chia sẻ. Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, chỉ một thời gian ngắn những cách làm hay đã bắt đầu xuất hiện, làm cho dân ngày càng mến, càng tin yêu cán bộ Mặt trận.
Hay có những sáng kiến vừa được áp dụng nhưng đã có tính khả thi cao như việc thành lập nhóm, hộ trong liên kết chăn nuôi gà ở thôn Sỏi, xã Đồng Tâm (huyện Yên Thế); cách lấy ý kiến hộ dân về thu hồi đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phương thức vận động hiệu quả các chức sắc, tôn giáo, người uy tín trong cộng đồng dân cư; phát huy vai trò của dòng tộc, người cao tuổi vào công tác Mặt trận ở thôn, bản…
2. Quá trình đi công tác cơ sở hay được tiếp xúc với những người làm công tác Mặt trận, tôi thực sự rất ngưỡng mộ họ - những người làm việc theo đúng nghĩa “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mặc dù điều kiện công tác, chế độ chính sách còn rất eo hẹp, song ở họ vẫn đầy nhiệt huyết và sáng tạo. Những người cán bộ ấy không quản ngại khó khăn đến từng nhà, lựa từng người để tuyên truyền vận động, giúp đỡ người nghèo, hóa giải mâu thuẫn, gây dựng phong trào tự quản trong cộng đồng.
Với họ, thường xuyên xuống cơ sở, đến với nhân dân, nắm bắt tình hình, hỏi chuyện, lắng nghe nhân dân để tìm ra những cách làm hay, kinh nghiệm quý. Và cũng chính từ những tinh thần nhiệt huyết đó đã giúp họ có những sáng kiến, cách làm phong phú, đa dạng và hiệu quả.
Người dân vẫn quen với hình ảnh những người cán bộ Mặt trận kiên trì, nhẫn nại. Trong mọi phong trào, cuộc vận động họ gương mẫu vận động gia đình, người thân làm gương để bà con noi theo. Và trong triển khai thực hiện, luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch. Những người cán bộ Mặt trận luôn tâm niệm một điều rằng, làm công tác Mặt trận là làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Mà muốn tuyên truyền, vận động hiệu quả, thuyết phục được nhân dân tin tưởng, hưởng ứng việc gì thì bản thân cán bộ Mặt trận, kể cả gia đình phải gương mẫu thực hiện trước và thực hiện tốt.
Càng ở những địa phương khó khăn lại càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, những việc làm cao cả, những hành động đẹp, những sáng kiến đóng góp cho cộng đồng. Mỗi người cán bộ Mặt trận ở cơ sở mặc dù có cách thể hiện khác nhau về phương thức, cách làm, nhưng họ đều thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về công tác Mặt trận, để từ đó đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào của Mặt trận đi vào lòng dân và mang lại những hiệu quả thiết thực nhất.
Cống hiến thầm lặng của những người làm công tác Mặt trận ở cơ sở đã góp phần khẳng định vai trò của MTTQ và các đoàn thể trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn sự đoàn kết, ổn định ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh.