Những chiêu lừa lấy tiền trong tài khoản

H.Hương 01/12/2020 08:00

Nhận được tin nhắn chuyển tiền và yêu cầu xác thực thông tin từ các dịch vụ tài chính tin cậy, nhiều khách hàng không cẩn trọng, vội vàng thực hiện theo hướng dẫn. Thế là trong chớp mắt đã bị lừa lấy mất thông tin. Hình thức lừa đảo bằng tin nhắn như này ngày càng phổ biến.

Để không bị lừa đảo, các chủ tài khoản thực hiện các nguyên tắc bảo mật, đặc biệt bảo mật mã pin, mật khẩu truy cập, OTP

Nhận diện các chiêu lừa

Anh Nguyễn Thành Nam, ở TPHCM kể lại, ngày 27/11, điện thoại của anh nhận được tin nhắn từ số +84898174384 với nội dung: “Dịch vụ MoneyGram thông báo: 27/11/2020 STK...(Vietcombank of VietNam) + 10,000,000. Vui lòng xác nhận thông tin theo đường link”.

Biết được đây là tin nhắn lừa đảo nên anh bỏ qua. Tuy nhiên khi đưa chuyện này ra để trao đổi, khuyến cáo với người thân, anh Nam cho biết, 3 người nhà của anh cũng nhận được tin nhắn tương tự như trên.

Trên các diễn đàn trên mạng xã hội, hình thức lừa đảo trên được nhiều người gửi cho nhau để cùng cảnh giác. Có người cẩn trọng không dính bẫy, những cũng không ít người thực hiện theo lời yêu cầu bị mất thông tin, tài khoản ngân hàng cũng mất luôn tiền.

Hiện nay hình thức lừa đảo qua tin nhắn diễn ra khá phổ biến. Những kẻ lừa đảo gửi tin nhắn văn bản/tin nhắn đa phương tiện có chứa đường link liên kết đến trang website giả mạo có tên địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán... và yêu cầu người nhận thực hiện cung cấp thông tin trên website giả mạo, từ đó tội phạm đánh cắp thông tin này để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản.

Vào thời điểm tháng 8/2019, một khách hàng của Vietcombank cho biết,có người tự xưng là nhân viên Vietcombank gọi đến, thông báo có một khoản tiền gửi đến tài khoản của chị bị treo và yêu cầu cung cấp một số thông tin để hoàn tất thủ tục nhận tiền, bao gồm cả mã OTP. Ngay sau khi cung cấp thông tin, tài khoản bị trừ toàn bộ tiền.

Tuy nhiên, không chỉ gửi tin nhắn, điện thoại lừa đảo hiện nay còn rộ lên tình trạng các đối tượng lừa đảo dùng hình thức quảng cáo trên các trang website bằng cách tự nhận mình là nhân viên ngân hàng và đang tìm khách hàng có nhu cầu vay vốn. Đáng lưu ý, thủ tục vay đơn giản chỉ cần chụp CMND, bằng lái xe… và giải ngân trong vòng 24h không cần gặp mặt, thậm chí có nợ xấu vẫn có thể vay được tiền.

Sau khi hoàn tất thủ tục trên, các đối tượng thường yêu cầu nạn nhân chuyển khoản một khoản tiền được gọi là phí làm hồ sơ, phí bảo hiểm rủi ro hoặc phí thanh toán đợt 1… Sau khi nạn nhân chuyển tiền những đối tượng này sẽ chặn facebook, chặn điện thoại và “lặn mất tăm”.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã phát hiện một số đối tượng xấu, mạo danh nhân viên ngân hàng để gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo thu phí mở thẻ tín dụng giả nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Các đối tượng mập mờ trong việc sử dụng tên đơn vị tài chính như: Ngân hàng Đại chúng, Tập đoàn Cổ phần ECredit Đại chúng…, gây hiểu lầm, khiến khách hàng nghĩ đó là PVcomBank.

Đừng giao chìa khoá cho kẻ trộm

Một thông tin được ông Nguyễn Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05)– Bộ Công an chia sẻ riêng trong năm 2020, A05 đã tiếp nhận, xử lý hơn 4.000 vụ việc an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao như lừa đảo, làm giả website ngân hàng, hack facebook lấy danh bạ, đặc biệt là các vụ tấn công có chủ đích.

Trong đó có 1 vụ các đối tượng tội phạm đã xâm nhập thành công vào hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng và đánh cắp được 44 tỷ đồng. Hiện đối tượng này đã bị lực lượng công an bắt giữ và xử lý.

Không gian mạng hiện là môi trường rất thuận lợi cho các đối tượng tội phạm lợi dụng, trong đó có tội phạm ngân hàng.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Giang, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, quá trình chuyển đổi số của ngân hàng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.

Trên thực tế, các chiêu lừa trên rất “kinh điển”, đã xuất hiện nhiều năm nay. Chưa kể, hầu hết các ngân hàng đều đã có thông báo, gửi thư hoặc tin nhắn cảnh báo tới khách hàng. Tuy vậy, vẫn có khách hàng mắc lừa do đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các ngân hàng cũng luôn phải đấu tranh với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi lợi dụng thông tin, đáng chú ý là tình trạng giả danh cán bộ ngân hàng, yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Giới chuyên gia khuyến cáo, ngân hàng số phát triển, các hình thức lừa đảo trên mạng cũng ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, giới tiểu thương, những người bán hàng online là đối tượng bị giới lừa đảo nhắm tới.

Để tự bảo vệ mình, người dân phải nâng cao kiến thức tài chính, thực hiện các nguyên tắc bảo mật, đặc biệt bảo mật mã pin, mật khẩu truy cập, OTP, mật khẩu email… Nếu cung cấp các thông tin này cho bên thứ ba thì không khác gì giao chìa khóa cho kẻ trộm.

Trong năm 2020, A05 đã tiếp nhận, xử lý hơn 4.000 vụ việc an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao như lừa đảo, làm giả website ngân hàng, hack facebook lấy danh bạ, đặc biệt là các vụ tấn công có chủ đích. Trong đó có 1 vụ các đối tượng tội phạm đã xâm nhập thành công vào hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng và đánh cắp được 44 tỷ đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những chiêu lừa lấy tiền trong tài khoản