Phía sau cái đẹp và sự kỳ vĩ của những công trình, điểm đến du lịch, có những câu chuyện mà chính người trong cuộc cũng khó nghĩ vì sao họ có thể vượt qua được.
Thi công cáp treo Fansipan.
Viết lên kỳ tích Việt Nam
Hai năm bốn tháng thi công cáp treo Fansipan, với anh Trần Công Mỹ, một trong 5 người đầu tiên của Sun Group có mặt trên đỉnh Fansipan, là những “thước phim” mà cả đời này không bao giờ quên được.
Nhiệt độ ngoài trời luôn từ -2 độ đến -7 độ, băng giá, sương mù, không khí loãng, thiếu oxy để thở, thiếu cả thức ăn, nước uống để tồn tại. Trong cái lạnh âm độ, anh em công nhân khi đó gói mình trong tầng tầng lớp lớp quần áo, cả lúc đi làm lẫn khi đi ngủ mà vẫn không thấy ấm.
Thiếu nước, họ phải dùng thứ “dung dịch” nước trộn bùn đất khi trời mưa, phải gõ đường ống để nước chảy về bồn chứa khi trời rét, phải đi bộ tới 2 km đường rừng để địu nước lên. Ở Fansipan khi đó, tắm là một khái niệm xa xỉ, bởi lấy nước đâu ra mà tắm, tắm sao nổi với thứ nước lạnh như đá kia. Tắm rồi, lấy nước đâu để giặt sạch những bộ quần áo quánh màu bùn đất. Vậy là “chúng tôi đành chỉ rửa và thay đồ mỗi tuần một lần. Một hai tháng chúng tôi mới xuống núi, tài xế phải hạ cửa xuống mới chịu đi vì không chịu nổi mùi nồng nặc toả ra” anh Trần Công Mỹ kể.
“Chưa có khi nào chúng tôi được ăn một bữa cơm chín đúng nghĩa. Áp suất thấp, nước không thể sôi, cơm không thể chín, thức ăn vừa đem ra đã nguội. Những hôm trời mưa, tuyết rơi, anh em chia nhau từng miếng trứng chiên, từng gói mỳ tôm suốt ba ngày liên tục, khi thức ăn không thể vận chuyển lên cao được”. Đổ máu cam, cảm sốt, viêm họng liên tục vì lạnh, công nhân uống kháng sinh nhiều hơn ăn cơm gạo.
Để có thể lát 639 bậc với 4425 viên đá bậc cấp nguyên khối từ khu nhà ga Fansipan lên nóc nhà Đông Dương, mồ hôi đã trộn lẫn với máu. Đã có lúc, ý chí con người bị quật ngã, cả trăm công nhân bỏ việc vì không thể chịu nổi vất vả.
Ông Sigrist Reto - trưởng nhóm kéo cáp chính của hãng Doppelmayr Garaventa, người từng tham gia rất nhiều công trình cáp treo trên thế giới đã phải thốt lên rằng: “Cáp treo Fansipan là một công trình khổng lồ, một kỳ tích của người Việt. Các đồng nghiệp của tôi sau khi tham gia kéo cáp đều phải thú nhận sẽ không bao giờ nhận thêm một công trình nào như vậy nữa bởi nó quá vất vả và khổ cực.”
Vậy mà Sun Group đã làm nên kỳ tích ấy, đã nối dài những ước mơ chinh phục, tới cả người già, con trẻ, và cả những người khuyết tật không dám nghĩ một ngày mình có thể lên đỉnh Fansipan.
Trả lại tên cho thành phố biển
“Thành phố biển không… bãi tắm”- nhiều người đã gọi Hạ Long như thế, khi suốt 2 thập kỷ, không ai dám xuống Bãi Cháy tắm biển, bởi cứ xuống nước là ngứa vì nước thải .
Năm 2014, Sun Group được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cải tạo Bãi Cháy thành bãi tắm cộng đồng. Nhìn Bãi Cháy ngập rác, chứng kiến hàng nghìn khối nước thải đổ thẳng ra bãi biển, những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đã tự hỏi: làm được không?
10/7/2014, dự án bắt đầu. Việc đầu tiên là thiết kế hệ thống thu gom toàn bộ nước thải bằng cách xây dựng các hố ga, các tuyến cống tự chảy, giếng tách lưu lượng, cải tạo các trạm bơm nước thải để đưa toàn bộ nước thải về Trạm xử lý nước thải Bãi Cháy.
Công trường ngổn ngang, mặt bằng chưa có, tuyến cống giao cắt tại nhiều vị trí với đường giao thông nội bộ. Chưa kể nền đất yếu, gần như toàn bộ hệ thống nước thải nằm trên túi bùn nên việc xử lý vô cùng phức tạp. Việc múc bùn đi cũng nan giải. Các túi bùn như nồi cơm Thạch Sanh, múc đi bao nhiêu lại đầy lên bấy nhiêu do bùn từ xung quanh tràn vào. Nước thải sinh hoạt vẫn xả ra suốt ngày đêm, không thể bắt dân cư Bãi Cháy và khách sạn trong khu vực dừng hoạt động được.
Vét, múc mãi rồi cũng hết bùn. Công đoạn tiếp theo là đổ đất lên, cho xe lu lèn chặt từng lớp từng lớp đất, rồi lại trải một lớp cát hạt thô lên, lại lu lèn chặt lần nữa, tạo thành một lớp nền dày tới 2 mét. Vừa làm, vừa tách, chặn, để nước thải không chảy vào vị trí thi công. Khó nhất vẫn là việc lắp cửa xả bởi khu vực này chỉ có thể thi công khi thuỷ triều xuống. Chưa kể nước biển len qua các lớp đá khiến việc hút nước vô cùng khó khăn, liên tục phải thay đổi biện pháp thi công. Khó khăn, mệt mỏi, cảm giác muốn dừng lại.
Sau cuộc chiến gom nước thải là thách thức biến bùn lầy thành cát trắng. Kế hoạch đưa ra là rải một lớp vải địa trên bề mặt bùn đáy rồi đổ cát tinh mang từ bãi tắm Minh Châu (Quan Lạn) lên. Nói thì đơn giản, nhưng thực tế không hề dễ dàng chút nào do lớp bùn dày, lớp trên loãng nên cứ xử lý xong bùn trồi chỗ này, chỗ khác lại trồi lên. Tìm tòi, thử nghiệm mãi cũng xong.
Cứ mỗi khối cát đổ xuống, sóng nước nuốt sạch. 1000 công nhân trên công trường Bãi Cháy lúc đó giống như 1000 con dã tràng, mất công xe cát, để rồi nhìn biển mênh mông nuốt chửng công sức mình. Đã có lúc họ tự hỏi mình đã đúng hay sai khi nhận dự án này?
Bãi tắm cộng đồng Hạ Long.
Rồi bãi tắm cũng lên hình hài, cát trắng, nước sạch trong, người dân thành phố biển lặn ngụp trong nước mát, Bãi Cháy hè 2017 đông như nêm. Trước một bãi tắm đẹp như ở Hawaii, chắc ít ai nhớ nổi những rác thải và nước đen chỉ mới 3 năm trước…
Bao nhiêu giọt mồ hôi đã đổ xuống. Bao nhiêu sức vóc và ý chí của con người không chịu khuất phục trước khó khăn để ngày hôm nay người dân có một bãi biển mát lành. Nhìn những dòng người đổ về bãi tắm, hỉ hả khi đặt chân lên Nóc nhà Đông Dương mà những kỹ sư Sun Group không thể giấu đi niềm hạnh phúc của mình.
Anh Phạm Đức Hùng- một trong những người đầu tiên tham gia đoàn quân kiến tạo nên cáp treo từng nói: “Thời khắc bước chân vào một trong những cabin đầu tiên đi vào hoạt động chính thức, tôi vô cùng xúc động và tự hào vì niềm tin của người Sun Group được đền đáp. Nghĩ lại thời điểm ban đầu khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất này, chúng tôi chỉ mang theo một thứ - đó là niềm tin và ý chí. Cứ đi qua mỗi trụ của cáp treo, tôi lại hồi tưởng lại hình ảnh các CBNV lặng lẽ làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ để đi đến một cái đích chung là ngày hôm nay. Mồ hôi, công sức đã đổ nhiều nhưng thật xứng đáng để cống hiến cho xã hội, cho Sun Group, cho sự kiêu hãnh của chính bản thân mình.”