Thanh tra Chính phủ vừa sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017. Lại những con số phát hiện hàng chục ngàn tiền tỷ, nhiều ngàn ha đất bị vi phạm. Những con số cho thấy sự cố gắng của ngành thanh tra, nhưng cũng cho thấy công tác quản lý nhiều nơi vẫn lơi lỏng, và sự vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, vấn đề thu hồi tiền bạc, tài sản vi phạm và xử lý, kỷ luật đối tượng vi phạm vẫn đặt ra những vấn đề cần bàn.
Theo Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 3.847 cuộc thanh tra hành chính và 136.096 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 29.510 tỷ đồng, 4.978 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 19.521 tỷ đồng. Đây là những con số phát hiện và xử lý khá lớn, nói lên nhiều điều trong công tác thanh tra, phát hiện, quản lý cũng như sự vi phạm của các tổ chức, cá nhân.
Xin hãy thử nhìn lại những con số: năm 2015, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.527 cuộc thanh tra hành chính và 243.661 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm 97.423 tỷ đồng, 16.457 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách 24.029 tỷ đồng và 6.714 ha đất. Năm 2016, toàn ngành đã triển khai 6.586 cuộc thanh tra hành chính và 252.592 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 59,4 nghìn tỷ đồng, 4 nghìn ha đất, kiến nghị thu hồi hơn 37,9 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, hàng năm thanh tra đều đã tổ chức đều đặn hơn 250.000 cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành. So với năm 2015, thì năm 2016, và 6 tháng đầu năm 2017, vi phạm, sai phạm về kinh tế cũng như đất đai có giảm nhiều. Tuy nhiên đây vẫn là những con số rất lớn.
Bên cạnh sự ghi nhận về cố gắng của ngành thanh tra về kết quả phát hiện, điều mà người dân và dư luận băn khoăn là những con số vi phạm quá lớn. Điều đó cho thấy sự lơi lỏng trong quản lý cũng như sự coi thường, bất chấp pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân. Lẽ nào các quy định của pháp luật chưa đủ sức răn đe, hay việc thanh tra, kiến nghị xử lý vẫn còn nương nhẹ?
Xung quanh những vi phạm của các tổ chức, cá nhân, điển hình như năm 2015, thanh tra đã đề nghị xem xét xử lý 73.394 tỷ đồng, 9.743 ha đất, kiến nghị xử lý 1.683 tập thể, xử phạt hành chính số tiền 11.460 tỷ, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 67 vụ, 74 đối tượng. Với 6 tháng đầu năm nay, Thanh tra cũng kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 19.521 tỷ đồng; kiến nghị xử kỷ luật hành chính đối với 724 tập thể, 22 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ, 113 đối tượng…
Tuy nhiên, nhìn ở con số vi phạm, làm thất thoát so với việc xử lý hãy còn nhiều điều cần bàn. Rằng, đa số vẫn dừng ở mức độ xử lý hành chính. Con số xử lý hình sự vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ…
Về nguyên tắc, kẻ vi phạm, làm trái không chỉ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại những thiệt hại mà còn phải chịu phạt, phạt nặng gắn với những hành vi vi phạm. Với những vi phạm của các tổ chức, cá nhân rất khó có thể tính hết hậu quả thiệt hại. Ví như việc thu hồi trái pháp luật nhiều ha đất nông nghiệp màu mỡ để phục vụ cho nhóm lợi ích nào đó, dù phát hiện sai phạm, nhưng khó có thể hoàn lại những cánh đồng, bờ xôi ruộng mật mà công sức của người nông dân bồi đắp hàng nhiều trăm năm mới có được. Đồng thời, những khu công nghiệp, nhà máy không hiệu quả, xả thải gây ô nhiễm môi trường khó có thể khắc phục được hệ luỵ. Chẳng nói đến những hậu quả sâu xa như vậy, đến ngay việc khắc phục, thu hồi phần thiệt hại cụ thể, trước mắt cũng rất khó khăn.
Năm 2015, với việc đôn đốc thực hiện 3.365 kết luận, thanh tra đã thu hồi được 2.825, 5 tỷ đồng (đạt 58,3%), 7.141 ha đất (đạt 71%). Tỉ lệ năm 2016 cũng tương tự. Trong số hơn 19.521 tỷ kiến nghị thu hồi của 6 tháng đầu năm 2017 thì cũng mới thu hồi được 5.536 tỷ đồng. Những con số cho thấy, tiền bạc, đất đai bị vi phạm, thất thoát, khó thu hồi, khôi phục là rất lớn.
Trong khi đó, việc xử lý chưa nghiêm, có nơi, có lúc xử lý kiểu tập thể- “hoà cả làng”, hay hành chính- hạ chỗ này lại leo lên chỗ khác cao hơn, tạo nên bức xúc của người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp; 6 tháng đầu năm này, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng cả số vụ việc, đoàn đông người và tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số địa phương.
Vấn đề, như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thẳng thắn chỉ ra: Công tác quản lý nhà nước thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế; công tác thanh tra, tiến độ, chất lượng còn chậm, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít; việc nắm bắt tình hình để tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng thiếu kịp thời…Chỉ đạo của Phó Thủ tướng rất rõ ràng là cần công khai, công bằng đúng pháp luật, công tâm trong việc xử lý, phát hiện ra những vấn đề chưa hoàn thiện về cơ chế chính sách pháp luật của nhà nước, sơ hở trong quản lý kinh tế…để sớm khắc phục.
Vi phạm, sai phạm cần phải làm rõ, xử lý nghiêm, nhất là với người đứng đầu. Bởi vi phạm, sai phạm là thế, nhưng như chính từ kết quả thanh tra 6 tháng, chỉ có 1 người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng thì quả là quá ít.