Hàng loạt công trình vi phạm trên vịnh Hạ Long được phát hiện từ năm 2019 và được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm nhưng đến nay vẫn hiện hữu.
Nhếch nhác vùng đệm di sản
Đầu tháng 8, chúng tôi thuê xuồng “lượn” khắp vịnh Hạ Long, tới tận khu vực giáp ranh với vịnh Lan Hạ (TP Hải Phòng). Xuồng xuất phát từ khu vực Bến Đoan (phường Hòn Gai, TP Hạ Long), vừa đi cách bờ chưa đầy 100 m, xuất hiện trên dãy đảo đá vùng đệm vịnh Hạ Long là nhiều công trình được xây dựng kiên cố.
Có những công trình nhà ở, đền thờ của ngư dân được xây dựng từ lâu, nay đã vỡ nát. Nhiều “nhà” khác được dựng lên tạm bợ, có cả chuồng gà, chuồng chó bên vách núi, nhìn đã không muốn lại gần.
Nằm đối diện cầu Bài Thơ, hướng ra biển hơn 100m, một dãy công trình gồm nhà cấp 4, ở giữa là căn nhà 2 tầng, kè đá kiên cố… được xây men vách núi đá.
Phía trước dãy nhà này là hàng chục ụ bê tông nổi, được xây dựng trên bãi triều dùng để cho tàu thuyền lên và sửa chữa.
Tìm hiểu từ phía ngư dân ở đây, được biết khu vực này thường được gọi là vụng Chương Me, loạt công trình này đã được xây dựng từ lâu.
Theo điều tra của PV, chủ công trình tên H., là người có nhà ở trên bờ, nhưng đã di cư tới đây xây dựng, sau đó sinh sống và kinh doanh một số mặt hàng như xăng, dầu máy, sơn tàu thủy…
Điều vô cùng kỳ lạ là việc xây dựng và kinh doanh này nằm trên vùng đệm vịnh Hạ Long, ngay sát đất liền, nhưng mặc nhiên hoạt động trái phép nhiều năm nay.
Đối diện khu vực xây dựng và kinh doanh trái phép trên vụng Chương Me là dãy công trình kiên cố với bờ kè đá chắc chắn, bên trong kè được đổ đất lấp biển, xây dựng các căn nhà cấp bốn, nhà chòi và một số công trình phụ trợ khác. Hàng dừa được trồng bao quanh khu vực, nhìn từ xa như một khu nghỉ dưỡng.
Tìm hiểu được biết, khu vực này đã được xây dựng cách đây hàng chục năm, qua nhiều đời chủ. Trước khi phải đóng cửa vì dịch Covid-19, khu vực này đã được sử dụng làm nhà hàng, thu hút rất đông khách tới đây ăn uống.
Những “vết thương” trên vùng lõi
Rời vùng đệm, chúng tôi phóng xuồng ra ngoài khu vực vùng lõi vịnh Hạ Long. Hàng loạt công trình đã bị các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra, sau đó đã bị tỉnh Quảng Ninh “tuýt còi”, đến nay nhiều công trình đã kịp hoàn thiện.
Cụ thể, tại hang Tiên Ông và động Mê Cung, 4 nhà công vụ và 2 bến cập tàu đã được xây dựng hoàn thiện ngay trước lối vào tham quan.
Thời điểm năm 2019 khi tiến hành xây dựng, công trình nâng cấp bến tàu tham quan hang Tiên Ông và động Mê Cung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, nhưng vẫn còn thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngày 22/5/2019, UBND tỉnh ra quyết định dừng thi công dự án để hoàn thiện việc đánh giá tác động môi trường.
Đối với các công trình bến cập tàu, bãi tắm tại hòn Soi Cỏ và hòn Cây Chanh do Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương triển khai xây dựng từ năm 2016 tới nay, Ban Quản lý vịnh Hạ Long thời điểm năm 2019 đã thừa nhận, đây là những công trình xây dựng trái phép tại vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Các công trình vi phạm này đã bị Ban Quản lý vịnh Hạ Long phát hiện, lập biên bản chuyển cho TP Hạ Long xử lý từ năm 2016. Tuy nhiên, sau đó, bến cập tàu tại đảo Soi Cỏ vẫn được hoàn thành và đưa vào khai thác, còn bến cập tàu tại đảo Cây Chanh cũng xây dựng gần hoàn thành mới chịu dừng lại...
Theo tìm hiểu của PV Đại Đoàn Kết, sau khi thành lập các đoàn thanh, kiểm tra, UBND tỉnh đã ra quyết định yêu cầu “hoàn nguyên môi trường” đối với 2 công trình vi phạm này. Nhưng cho đến nay, các công trình bờ kè đá dài hàng trăm mét vẫn nổi lên giữa vùng lõi di sản vịnh Hạ Long, “trơ gan cùng tuế nguyệt”!
PV Báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ làm việc với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Theo Điều 20 Nghị định số 109/2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh được nêu rõ: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và quản lý di sản thế giới; ngăn chặn và xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại di sản thế giới trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội ở khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới.