Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh từng dự Liên hoan phim (LHP) Cannes nhiều lần. Với chị, đây là lần đầu tiên có phim Việt Nam tham dự chính thức và gây được sự chú ý. Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh (Đài Truyền hình Việt Nam) chia sẻ với Tinh hoa Việt, ngay sau đêm trao giải LHP Cannes 2023, từ Paris, Pháp:
- Với LHP Cannes lần này, quá đặc biệt. Đầu tiên là vì có phim của Phạm Thiên Ân xuất hiện trong hoạt động của La Quinzaine des Cinéatres - một hoạt động song hành của LHP Cannes do hiệp hội những nhà làm phim Pháp tổ chức. Các phim ngắn được chọn để trình chiếu trong hoạt động này sẽ không tranh giải như Cành cọ vàng của Cannes, nhưng các phim dài thì sẽ tranh giải cho hạng mục Camera vàng của LHP Cannes, vì thế để được vào trình chiếu ở đây là không dễ dàng.
Theo con số của ban tổ chức, năm nay họ đã xem 4.000 phim để chọn ra 19 phim dài và 10 phim ngắn đến từ nhiều quốc gia. Phim “Bên trong vỏ kén vàng” ngay từ buổi chiếu đầu tiên đã gây được sự chú ý, khán giả vỗ tay rất lâu, ra khỏi rạp còn đứng lại bàn tán, với tôi, được nhìn khung cảnh ấy thật là xúc động. Và một liên hoan phim mà có 2 đạo diễn gốc Việt được xướng tên thì tôi thực sự rất hạnh phúc (cười).
Chị có đánh giá nhận xét thế nào về 2 bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng và đạo diễn Phạm Thiên Ân?
- Phải nói là phim của cả hai đạo diễn đều khiến tôi vui mừng. Phim “La passion de Dodin bouffant” của Trần Anh Hùng tôi thấy có sự tiết chế về miêu tả cái đẹp, nó giản dị và sâu hơn. Ngoài ra nó khiến tôi xúc động. Còn phim của Phạm Thiên Ân, nói thật là nó khiến tôi quá bất ngờ. Khi xếp hàng vào xem phim, nhiều khán giả đã bàn nhau là nếu phim chán quá, không thể ngồi được 182 phút thì sẽ ra về, có khán giả còn hỏi tôi là ở Việt Nam có nhiều phim dài đến thế này không? (cười) thế rồi rạp rất ít người ra về. Những cú máy dài, nhịp phim rất lạ đã dẫn người xem đi hết 182 phút để rồi những tràng vỗ tay rất lâu, dài và hào hứng khi buổi chiếu hết thúc. Xem phim của Thiên Ân thấy có phong cách như phim ý niệm. Tuy thế, khi tôi hỏi Ân rằng Ân làm phim ý niệm phải không, thì bạn ấy bảo, em không có khái niệm gì về các loại phong cách điện ảnh đâu, em làm theo mong muốn và cảm xúc của em thôi.
Theo chị, văn hóa Việt, tính cách người Việt, đề tài Việt, có là nguồn khai thác phong phú, mang sự riêng biệt cho điện ảnh?
- Tôi nghĩ dân tộc nào, văn hóa nào, tính cách nào chẳng là nguồn khai thác phong phú cho người làm nghệ thuật. Nhìn vào các giải thưởng từ văn chương sang điện ảnh, từ Cannes sang Oscar, ngay cả giải Nobel cũng thấy rõ sự đa dạng về văn hóa và dân tộc thể hiện trong đó. Văn hóa, lịch sử Việt Nam là một nguồn chất liệu ngồn ngộn cho người sáng tác. Điều còn lại là với nguồn vốn đó thì người sáng tác sẽ khai thác ra sao.
Như với đạo diễn Trần Anh Hùng, anh đã dành rất nhiều thời gian cho việc đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh? Cũng như thế hệ trẻ hơn như đạo diễn Phan Đăng Di cũng đang đầy nhiệt thành trong việc trao truyền kinh nghiệm kiến thức cho thế hệ sau... Theo chị, việc làm này có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi nghĩ chúng ta nên trân trọng nguyện vọng chia sẻ hiểu biết này của các nhà làm phim. Họ không chỉ tạo ra một cộng đồng mong muốn làm phim mà còn tạo ra niềm hy vọng. Hy vọng rằng nếu không đi con đường này thì vẫn còn con đường khác để tiếp cận điện ảnh. Nói chung, tôi thấy là chúng ta may mắn có những người yêu điện ảnh.
Nhiều phim của Việt Nam đã thắng giải thưởng trong các LHP quốc tế nhiều năm qua, chị có thấy điện ảnh Việt rõ ràng đang có sự bứt phá và có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới?
- Theo tôi, khi nói về một nền điện ảnh nghĩa là nói về một lĩnh vực có sự định hướng, đầu tư của quốc gia. Hiện ở ta các hãng phim nhà nước gần như không còn, quỹ hỗ trợ sáng tạo không có, điện ảnh Việt Nam giai đoạn này đang nằm trong tay các nhà đầu tư tư nhân và các nhà làm phim độc lập, vì vậy rất khó để tạo nền tảngphát triển. Nói đến điều này thật tiếc, trong quá khứ, điện ảnh cách mạng Việt Nam có nhiều phim có giá trị, chúng ta đã từng làm phim trong khó khăn vất vả, được giải thưởng đó đây, vậy mà giờ kinh tế phát triển thì điện ảnh lại hoàn toàn là câu chuyện khác.
Tôi không lạc quan để nghĩ đến sự bứt phá, tôi nghĩ về những hạt mầm hy vọng được kích hoạt bởi các giải thưởng, nó sẽ khiến chúng ta nghĩ về chính sách đối với điện ảnh và các nhà làm phim trẻ Việt Nam tiếp tục trên con đường của mình. Còn với thế giới, tôi nghĩ chúng ta vẫn có một vài giải thưởng, nhưng để thành một nền điện ảnh vững mạnh, thì thế giới không làm được cho ta đâu, phải là chính nỗ lực của chúng ta thôi.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!