Quốc tế

Những hồ nước ngọt đang cạn dần

Bảo Thư 21/11/2023 10:54

Ngày 20/11, cơ quan quản lý nguồn nước Bolivia tiếp tục cảnh báo về nước trên hồ Titicaca, nơi lưu trữ nước ngọt lớn nhất Nam Mỹ, đang hứng chịu cảnh khô cạn nghiêm trọng.

anhbaiphu.png
Mực nước hồ Titicaca xuống thấp ở mức báo động. Nguồn: Reuters.

Truyền thông Bolivia dẫn lời ông Manuel Flores, nông dân sống bên hồ Titicaca cho biết, trước đây người dân trong vùng thường dùng thuyền để chăm lo việc trồng cây và chăn nuôi gia súc quanh khu vực hồ Titicaca. Nhưng giờ đây, chiếc thuyền không cần thiết nữa, vì họ có thể đi bộ trên đáy hồ đã khô cạn.

"Chưa bao giờ hồ lại cạn khô như bây giờ. Chúng tôi không còn thức ăn cho gia súc, mùa màng cũng không còn nữa. Lúc trước chúng tôi có thể di chuyển bằng thuyền, nhưng giờ không còn cách nào khác ngoài đi bộ" - ông Manuel Flores nói.

Trong khi đó, tiến sĩ Xavier Lazzaro - Viện Nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) cho rằng: "95% lượng nước mất đi từ hồ Titicaca là do bốc hơi, do nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó còn do nạn phá rừng, hỏa hoạn, hay hoạt động xây dựng của con người. Những điều đó càng làm nặng nề lên khi thời tiết cực đoan gần như đã trở thành bình thường.

Hồ Titicaca ở độ cao 3.812 mét so với mực nước biển. Tọa lạc trên đỉnh Altiplano trong dãy Andes trên biên giới của Peru và Bolivia, độ sâu trung bình của hồ Titicaca là 107 mét, độ sâu tối đa là 281 mét. Phần tây của hồ thuộc về vùng Puno của Peru, và phần đông thuộc về Bolivia. Có 25 con sông chảy vào hồ Titicaca, nhưng như thế cũng chưa đủ để giữ cho hồ no nước. Hạn hán kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp của khu vực ven hồ, khiến người dân mòn mỏi chờ đợi một phép màu giúp cho hồ nước hồi sinh.

Nhưng cũng không chỉ hồ Titicaca cạn nước, mà hơn một nửa các hồ nước lớn của thế giới cũng gặp cảnh tương tự. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science cho hay, giai đoạn từ năm 2003 đến 2023, trong vòng 20 năm, có tới 53% số hồ rơi vào tình trạng giảm lượng nước. Gần 2 tỷ người bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều khu vực phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước trong những năm gần đây.

Nguyên nhân được cho là do Trái đất nóng lên và mức tiêu thụ của con người tăng mạnh. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo cần phải ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C để tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Và thế giới hiện đang nóng lên với tốc độ khoảng 1,1 độ C so với khoảng 50 năm trước.

Đáng chú ý khi bà Samantha Burgess - Phó giám đốc Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, nhiệt độ toàn cầu ngày 17/11 vừa qua đã cao hơn 1,17 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những hồ nước ngọt đang cạn dần