Những loài rắn độc

Nguyễn Thanh Đức 03/09/2017 14:50

Rắn là loài bò sát hung hãn, sẵn sàng tấn công con người khi gặp nguy hiểm. Giới khoa học đã “lên danh sách” những loài rắn độc kèm sự cảnh báo tránh nguy hiểm vì nọc độc của chúng có thể giết chết một người trưởng thành trong thời gian rất ngắn.


Hổ mang chúa.

1.Giới khoa học ghi nhận thế giới ghi nhận nhiều loài rắn cực độc. “Khi gặp chúng, tốt nhất bạn hãy tránh xa, nếu không muốn chết”- John M’Cathy, một nhà nghiên cứu chuyên về bò sát đến từ Đại học Minnesota nói. Theo nhà nghiên cứu này thì Hổ mang chúa là loài cực hung hãn. Chúng có nhiều ở Đông và Đông Nam Á, với chiều dài trung bình 3m khi trưởng thành. “Đây là loài rắn độc lớn nhất trái đất. Khi trưởng thành chúng có thể dài tới 4,5m, nặng hơn 20 kg. Nó có thể tiêm một lượng nọc độc lớn vào con mồi, đủ để giết chết một người trong vòng 30 phút”- John M’Cathy nói.

Xếp sau hổ mang chúa, một loài rắn được coi là siêu độc là rắn Taipan, sống nhiều ở những vùng hoang vu châu Úc. Khi lớn chúng dài đến 1,8m, trong cả cuộc đời nọc độc của chúng giết chết tới 200.000 con chuột. Taipan được người dân bản địa gọi là “ác xà”. Còn rắn Mũi thương có ở Mexico, Trung Mỹ, Bắc Colombia và Ecuador. Sở dĩ gọi là “mũi thương” là do mỗi cú lao của nó không khác gì cú đâm của một ngọn dáo, nọc độc đi thẳng vào máu, tạo ra các cục máu đông, làm nghẽn mạch, chết người rất nhanh. Đáng chú ý, một con Mũi thương trong cuộc đời có thể đẻ tới 100 con rắn.

Còn tại châu Phi, rắn Boom Slang lại có khả năng ngụy trang đến khó tin- trông như một cành cây. Trong suốt 8 năm sống, do cách ngụy trang “trời phú” nên một con Boom Slang có thể tiêu diệt khoảng 1.000 con rắn khác loài. Tại Tây Nam Á, rắn Lục vảy răng cưa khi trưởng thành tuy chỉ dài chừng 0,5m nhưng cũng vô cùng độc ác. Chúng là nguyên nhân gây chết người trong nhiều vụ tấn công: chừng 10% số người chết khi bị một con rắn Lục vảy răng cưa tấn công. Ở Đông Nam Á, rắn Cạp nong tuy không phải là loài chủ động tấn công nhưng nọc của chúng cũng rất độc. Cạp nong thích ẩn mình ở những nơi ẩm ướt, đồng cỏ và những vùng trồng trọt. Nọc của chúng làm tê liệt hệ thống thần kinh trung ương của con người.

Còn rắn biển Belcher được cho là loài rắn độc nhất dưới nước, là nỗi khiếp hãi của ngư dân. Cuối cùng, trong “bảng xếp hạng” các loài rắn độc nhất không thể không nói tới rắn Đuôi chuông Rattlesnake: tim nạn nhân ngừng đập chỉ sau vài phút khi bị chúng cắn.


Rắn Cạp nong.

2.Việt Nam cũng là nơi sinh sống của nhiều loài rắn, trong đó có không ít rắn độc, trong đó phải kể đến Hổ mang chúa, Cạp nong, rắn Lục đuôi đỏ... Chúng sở hữu nọc độc có thể giết người trong tích tắc.

Các nhà sinh vật học cho rằng, trong gần 200 loài rắn có mặt ở Việt Nam thì có tới 53 loài rắn độc, chủ yếu thuộc hai họ rắn Lục và rắn Hổ. Đầu tiên phải kể đến rắn Lục sừng. Loài rắn này sở hữu chiếc đầu hình tam giác với những chiếc vảy nhỏ, nhìn rất ghê rợn nên người dân còn gọi chúng là “rắn quỷ”. Rắn Lục sừng chỉ dài chừng 0,5m nhưng nọc độc của chúng lại được xếp vào tốp những loài rắn độc nhất.

Kế đến là rắn Lục đuôi đỏ, chúng là loài cực độc trong số các loại rắn Lục. Cả người chúng có màu xanh, riêng đuôi có màu nâu đỏ. Lục đuôi đỏ có nhiều ở vùng núi cao và trong các khu rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn, Tây Bắc. Đáng chú ý, cách đây không lâu người dân còn thấy chúng ở Quảng Ngãi, ở Nam Đàn (Nghệ An), Đà Nẵng. Điều đó cho thấy phạm vi hoạt động của chúng đã mở rộng đến cả những nơi vốn được cho là không phù hợp với điều kiện sống tự nhiên.

Tại nhiều vùng Đông Nam bộ, rắn Chàm quạp (còn gọi là rắn Khô mộc) cũng là nỗi ám ảnh đối với người dân. Điểm đáng chú ý và cũng là mối nguy hiểm từ loài rắn này là màu da của chúng lẫn vào với lá khô, cây khô nên rất khó phát hiện. Trong những cánh rừng cao su, người lao động thường phải tránh xa mỗi khi phát hiện ra chúng. Còn trong trường hợp bị chúng ẩn mình tấn công, thì lập tức phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Cũng trong bộ rắn Lục, Lục đầu bạc sống trên các vùng núi (khoảng 1.000m). Nhiều khu rừng ở Lạng Sơn, Cao Bằng có rắn Lục đầu bạc, tuy rằng số lượng không nhiều. Tới nay, người ta vẫn không rõ nguyên nhân vì sao số lượng rắn Lục đầu bạc trong tự nhiên lại giảm sút nhanh chóng. Gần đây, giới khoa học phát hiện thêm một loài rắn Lục, gọi là rắn Lục Trùng Khánh, trong khu bảo tồn thiên nhiên Trùng Khánh, Cao Bằng. Khi trưởng thành, chúng dài khoảng 70cm, sống ở độ cao từ 500m đến 700m, nơi những cánh rừng mưa và núi đá vôi nhiệt đới.


Rắn Lục.

Còn với những loài rắn Hổ, trước tiên phải kể đến loài Hổ mang xiêm, hay còn gọi là Hổ mang bành. Thực sự thì chúng không chủ động tấn công như nhiều người nhầm tưởng, mà chúng chỉ tự vệ khi bị tấn công hay đe dọa. Nọc của chúng được cho là cực độc: một người bị Hổ mang xiêm cắn có thể tử vong trong vòng 30 phút do bị suy hô hấp, ngạt thở, cơ hoành bị tê liệt. Loài rắn này có ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Một loài rắn màu vàng trước đó chưa từng được ghi nhận đã xuất hiện ở bờ biển Golfo Dulce, Costa Rica. Loài rắn toàn thân màu vàng này chỉ săn mồi vào ban đêm và có những đặc điểm gần giống loài rắn biển bụng vàng. Khi bắt mồi, chúng bơi trên dòng nước và há to miệng. Loài rắn này thích sống ở môi trường khắc nghiệt với sóng biển dữ dội và hàm lượng oxy cực thấp.


Còn với rắn Hổ mang chúa, chúng cũng được coi là loài nguy hiểm và đáng sợ. Điểm đáng chú ý là không chỉ có khả năng phóng nọc độc, loài rắn này còn có khả năng khống chế lượng chất độc khi cắn con mồi. Nọc của chúng làm tê liệt hệ thần kinh, khiến người bị cắn rơi vào hôn mê và thiệt mạng nếu không được cứu chữa kịp thời.

Hổ mang chúa được coi là một vị thuốc khi ngâm rượu. Người ta phải ngâm chúng trong rượu độ cao, ít nhất trong vòng 2 năm mới có thể uống được. Nhưng do bất cẩn, khi uống quá liều thì hoàn toàn có thể tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những loài rắn độc