Công cuộc xóa mù chữ ở vùng núi cao, vùng sâu vùng xa, những nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, tới nay tình trạng mù chữ tại vùng khó gần như đã được thanh toán. Tuy nhiên, cũng còn đó một số trường hợp người lớn tuổi tái mù chữ, trong đó có một bộ phận phụ nữ dân tộc thiểu số. Vì thế, công cuộc xóa mù chữ cho bộ phận này vẫn đang được các địa phương chú ý với nhiều cách làm hay, hiệu quả.
Tại tỉnh Điện biên, số phụ nữ mù chữ và tái mù chữ tập trung tại địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Ðiều đó không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống, tương lai người phụ nữ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của địa phương.
Không chấp nhận điều đó, tại bản Huổi Sâu (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) các lớp học xóa mù chữ, chống tái mù chữ đã được mở ra thu hút các chị em trong bản. Nói như chị em khi đến lớp học thì trên đời có nhiều cái khổ, nhưng không biết chữ là khổ nhất. Có khi chỉ vì không biết chữ nên không đọc được biển chỉ dẫn và lên nhầm xe khách, thế là bị lạc đường. Ngay cả việc lên xã làm giấy tờ thì không hiểu gì vì không biết chữ. Kể từ khi tham gia lớp xóa mù chữ, mọi chuyện thay đổi hẳn, chị em tự tin hơn và cuộc sống cũng không còn gặp những éo le do không biết chữ.
Để giúp chị em biết chữ, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp xóa mù chữ cho chị em tại các bản. Từ năm 2018 đến nay, hàng chục lớp xóa mù được mở ra với hàng trăm chị em từ 15 - 45 tuổi thoát nạn mù chữ. Hiên có 9 lớp đang mở tại các xã Pa Tần, Chà Tở, Phìn Hồ, Si Pa Phìn và Nà Bủng.
Tại bản Nậm Ngám B (xã Pu Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông) có mô hình phụ nữ “Tự học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân, cộng đồng”. Ðây là mô hình điểm được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm xóa mù chữ cho hội viên. Triển khai mô hình này, Hội Phụ nữ xã Pu Nhi phối hợp với các đoàn thể trong bản tích cực tuyên truyền, vận động người biết chữ dạy người chưa biết. Lớp học tập trung vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần bởi ban ngày chị em còn làm việc nhà, lên nương. Giáo viên là cán bộ xã, trưởng bản, bí thư chi bộ… Bên cạnh việc học tại lớp, chị em còn tranh thủ tự học ở nhà qua người thân trong gia đình. Sau 1 năm, chị em đã biết đọc, biết viết thành thạo, biết làm những phép tính cơ bản. Không dừng ở đó, sau khi lớp học kết thúc, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pu Nhi tiếp tục duy trì việc học tập của chị em thông qua mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Giờ học của lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học xã Nà Tòng (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).
Vì sao việc xóa nạn mù chữ cho chị em ở Điện Biên thu được nhiều kết quả? Câu trả lời là kể từ tháng 7/2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Hội thảo về “Giải pháp khắc phục tình trạng tái mù chữ trong hội viên, phụ nữ”, nhiều giải pháp xóa mù chữ cho hội viên được đưa ra. Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo, Tỉnh đoàn về tăng cường các giải pháp huy động trẻ ra lớp, thực hiện xóa mù chữ giai đoạn 2017-2020. Tiếp đó, Hội Phụ nữ các huyện phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở, các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư về công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở; triển khai khảo sát, điều tra, lập danh sách số lượng hội viên phụ nữ mù chữ, xây dựng kế hoạch lựa chọn hình thức tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp. Ðồng thời tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia các lớp học xóa mù chữ; xây dựng phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”...
Chính nhờ sự vào cuộc tích cực ấy nên phong trào “xã hội học tập” ở Điện Biên phát triển tốt.
Tương tự, tại tỉnh Sơn La, việc xóa mù chữ, tái mù chữ cho người lớn tuổi cũng được đẩy mạnh. Có thể nêu ví dụ: Tại huyện Quỳnh Nhai, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được chính quyền xác định là nhiệm vụ quan trọng. Huyện đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học; đồng thời củng cố hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức những lớp xóa mù chữ cho người dân trên địa bàn huyện đạt hiệu quả tốt hơn.
Đáng chú ý, học viên khi tham gia các lớp học xóa mù chữ đều được hỗ trợ về sách vở, dụng cụ học tập. Việc mở lớp và duy trì lớp học xóa mù chữ tuy gặp nhiều khó khăn như đối tượng học viên là người DTTS, độ tuổi không đồng đều, thời gian bị chi phối nhiều bởi công việc gia đình, đồng áng..., tuổi cao khó tiếp thu nhưng bù lại các học viên rất tích cực, tự giác, chăm chỉ học tập. Các thầy cô giáo được phân công đứng lớp vào các buổi chiều trong tuần luôn nhiệt tình, hăng hái để truyền đạt kiến thức cho các học viên.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Nhai, triển khai Đề án xóa mù chữ đến năm 2020, từ năm 2014 đến 2017, huyện Quỳnh Nhai đã mở 56 lớp với trên 1.800 học viên tham gia. Năm học 2017-2018, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục mở thêm 13 lớp với 400 học viên tham gia. Độ tuổi học viên theo học các lớp xóa mù chữ rất đa dạng, có người đã gần 60 tuổi. Trong số đó có những người chưa từng đến lớp và cả những người bị tái mù chữ. Xác định việc xóa mù chữ mang ý nghĩa nhân văn lớn, giúp cho người dân tự tin hơn trong cuộc sống, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, nhất là đối với đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa nên các cấp chính quyền, ngành Giáo dục... không quản vất vả khó khăn hết lòng hết sức vì công việc này.
* Trong những năm qua, thực hiện công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh là đơn vị thường trực tham mưu với UBND tỉnh đưa ra nhiều phương án, giải pháp thiết thực, cụ thể. Sở và các ngành chức năng rất nỗ lực trong việc thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, ban chỉ đạo công tác xóa mù chữ đã chủ động xây dựng kế hoạch từng năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động học sinh, học viên ra lớp xóa mù chữ nhằm phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng, tỷ lệ đạt xóa mù chữ.