Mặt trận

Những người 'thắp lửa' bên dãy Trường Sơn: Bài 1. 'Hạt giống đỏ' của người Chứt ở Hà Tĩnh

Hạnh Nguyên - Cẩm Kỳ 11/07/2024 08:00

Dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi tập trung sinh sống của đại đa số người đồng bào dân tộc thiểu số với đời sống còn nhiều khó khăn, lạc hậu. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, cùng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên, bộ mặt nông thôn miền núi ngày một cải thiện.

Để có được những thành quả trên, ngoài sự vào cuộc của quyết liệt cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự nỗ lực vươn lên của người dân đồng bào dân tộc thiểu số, có một phần đóng góp không nhỏ của những cán bộ Mặt trận các cấp trong công tác giảm nghèo của địa phương. Họ chính là những người "thắp lửa" để làm sáng những bản làng nằm bên dãy Trường Sơn.

sua-bai-1.jpg
tit1-1.jpg

Bản Rào Tre, xã Hương Liên nằm sâu dưới chân núi Ka Đay. Con đường độc đạo từ thị trấn Hương Khê vào bản Rào Tre chỉ dài khoảng gần 20 km nhưng quanh co, uốn lượn, dốc dựng cheo leo lại thường xuyên bị chia cắt, sạt lở sau mưa lũ.

Ở nơi rừng sâu nước thẳm, cuộc sống của dân bản còn nhiều khó khăn, trở ngại. Thế nhưng, những năm qua, được lực lượng Biên phòng cắm bản “đỡ đầu” cùng nỗ lực “cầm tay chỉ việc” của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh, bản Rào Tre từng bước đổi thay. Nơi đây xuất hiện ngày càng nhiều những “hạt giống đỏ”. Trong đó phải kể đến anh Hồ Xuân Nam.

Bản Rào Tre, xã Hương Liên nằm sâu dưới chân núi Ka Đay. Ảnh: Cẩm Kỳ
Bản Rào Tre, xã Hương Liên nằm sâu dưới chân núi Ka Đay. Ảnh: Cẩm Kỳ

Sinh ra và lớn lên ở Rào Tre, là con trai đầu của gia đình có 4 anh chị em nhưng mãi đến năm 14 tuổi, Hồ Xuân Nam mới được đưa ra Trường dân tộc nội trú huyện Hương Khê học chữ. Dẫu vậy, anh đã vượt qua những mặc cảm về tuổi tác, sự tự ti của đồng bào dân tộc Chứt để tìm kiếm cái chữ, mở mang đầu óc. Kiên trì học đến lớp 8, anh Nam xin nghỉ, nhường việc học cho các em và quay lại bản làm kinh tế.

Sau khi có con chữ, Hồ Xuân Nam thay đổi tư duy. Cũng như những bà con dân tộc Chứt ở Rào Tre, Nam được lực lượng Biên phòng ở Tổ công tác bản Rào Tre (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cầm tay chỉ việc, từ trồng lúa nước cho đến chăn nuôi, phát triển vườn hộ.

Anh Hồ Xuân Nam được lực lượng Biên phòng hướng dẫn chăn nuôi, phát triển vườn hộ. Ảnh: Cẩm Kỳ
Anh Hồ Xuân Nam được lực lượng Biên phòng hướng dẫn chăn nuôi, phát triển vườn hộ. Ảnh: Cẩm Kỳ

Trong khi dân bản vẫn trông chờ, ỷ lại thì Nam chú tâm học hỏi, kiên trì làm theo, dần dần, anh tự chủ động mọi việc, từ chăn nuôi, trồng trọt đến làm vườn, đi rừng. Trong vườn anh thả gà, trên rừng anh thả trâu, bò. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá.

Anh Hồ Xuân Nam cũng là một trong những thanh niên đầu tiên ở Bản Rào Tre “vượt rào” lấy vợ ngoài bản, góp phần xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết. Nam băng rừng, vượt suối qua Quảng Bình lấy vợ cũng người Chứt.

Anh Hồ Xuân Nam lấy vợ ngoài bản, góp phần xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết. Ảnh: Cẩm Kỳ
Anh Hồ Xuân Nam lấy vợ ngoài bản, góp phần xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết. Ảnh: Cẩm Kỳ

Hai vợ chồng Nam chăm chỉ làm ruộng, tăng gia sản xuất, đi rừng hái lá nón, cây mây, lấy mật ong… để bán kiếm thêm thu nhập. Nhờ sự chăm chỉ, tằn tiện, hai vợ chồng tích góp mua sắm nhiều vật dụng tiện nghi như tivi, tủ lạnh, xe máy…

Năm 2015, bản Rào Tre được chính quyền địa phương đầu tư cho một máy cày để thay thế sức trâu bò. Ngày đầu tiên máy cày xuống ruộng, từ người già cho đến trẻ nhỏ trong bản ai cũng tò mò ra đứng nhìn mà không biết đó là cái gì.

3.jpg

Thế nhưng, sau khi được cán bộ Mặt trận xã hướng dẫn một lần, anh Nam đã tự tin leo lên máy, điều khiển bắt nó làm việc theo ý của mình. Sau đó, anh thường xuyên được xã giao máy cày hộ cho bà con trong bản. Có máy cày thay thế sức trâu, việc đồng áng dễ dàng, nhanh chóng hơn, sản xuất lúa của bà con dân bản từ 1 vụ nay đã tăng lên 2 vụ, cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hương Liên Đinh Văn Sánh cho biết: Bản Rào Tre có 46 hộ với 157 nhân khẩu, trong đó có 26 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo. Gia đình anh Hồ Xuân Nam là 1 trong 20 hộ đầu tiên của bản thoát nghèo, vươn lên cận nghèo. Gia đình anh có 4 đứa con (2 trai, 2 gái) được nuôi dạy, ăn học học đầy đủ. Anh Nam là tấm gương sáng điển hình và nổi bật nhất về ý thức làm kinh tế cũng như các hoạt động văn hóa - xã hội ở bản Rào Tre.

tit1-2.jpg

Năm 2019, Hồ Xuân Nam được Ủy ban MTTQ xã Hương Liên tín nhiệm, giao trọng trách làm Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Rào Tre khi vừa tròn tròn 32 tuổi. Anh cũng là Trưởng ban Công tác Mặt trận đầu tiên của người Chứt ở Rào Tre.

“Trước đây, người đứng đầu bản thường là những người lớn tuổi, vì thế nhiều người bất ngờ và hoài nghi về năng lực của tôi. Nhưng qua một thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động và nhờ lợi thế biết tiếng dân tộc nên bà con dân bản dần tin tưởng, làm theo”, anh Nam chia sẻ.

cam01104.jpg

Để kêu gọi bà con dân bản tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua, các chương trình hành động của Mặt trận, anh Nam phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. “Mỗi khi có chủ trương, tôi đến tận nhà nói cho bà con rõ, chỉ cho bà con làm” - anh Nam nói.

Chị Hồ Thị Mai, người dân bản Rào Tre chia sẻ: “Anh Nam là Trưởng ban Công tác Mặt trận tận tâm, tận tụy với công việc. Anh không ngại vất vả, sớm tối đến từng nhà hỏi han, lắng nghe, chia sẻ với bà con trong bản. Vì vậy, chúng tôi luôn tin tưởng và thực hiện tốt mọi phần việc, phong trào của bản khi được phổ biến, tuyên truyền”.

Anh Hồ Xuân Nam thường xuyên được xã giao máy cày hộ cho bà con trong bản. Ảnh: Cẩm Kỳ
Anh Hồ Xuân Nam thường xuyên được xã giao máy cày hộ cho bà con trong bản. Ảnh: Cẩm Kỳ

Để góp phần xóa bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre, ngoài việc bản thân lấy vợ người Chứt ở Quảng Bình, noi gương anh, người em gái ruột cũng lấy chồng là người Kinh ở ngay trong xã và chị gái vợ ở Quảng Bình lấy cậu ruột của anh Nam.

Mỗi khi đi vận động, anh Nam thường kết hợp thuyết phục già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng để cùng tuyên truyền, đồng hành thực hiện các nội dung cuộc vận động.

4.jpg

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, anh Nam đã cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận xã Hương Liên và Tổ công tác bản Rào Tre - Đồn Biên phòng bản Giàng, vận động bà con dân bản tham gia tích cực chỉnh trang vườn hộ, đẩy mạnh sản xuất.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ xã Hương Liên, anh Nam đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bản Giàng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh xã cùng với người dân trồng được hàng trăm cây cam, bưởi, hàng ngàn cây chuối và trăm cây bóng mát; chỉnh trang, làm mới được gần 1 km hàng rào vườn; đóng góp được 139 ngày công xây dựng làm đường giao thông nông thôn, mương thủy lợi...

Trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh vào đầu tháng 10/2022, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã thăm và tặng quà cho gia đình anh Hồ Xuân Nam. Ảnh: Hạnh Nguyên
Trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh vào đầu tháng 10/2022, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã thăm và tặng quà cho gia đình anh Hồ Xuân Nam. Ảnh: Hạnh Nguyên

Với những cố gắng không ngừng nghỉ của mình, anh Nam đã nhiều lần được các cấp biểu dương, khen thưởng. Năm 2020, anh là 1 trong 90 cá nhân tiêu biểu của cả nước được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh là điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư. Năm 2022, tại hội nghị biểu dương chủ tịch ủy ban MTTQ cấp xã và trưởng ban công tác mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, anh tiếp tục được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen.

Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn, cuối năm 2023, anh Hồ Xuân Nam không còn giữ vị trí Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Rào Tre nữa nhưng vẫn là ủy viên Ủy ban MTTQ xã Hương Liên và hiện anh đang làm Công an viên. Giờ đây, ông Nguyễn Văn Mận, cán bộ cắm bản làm Bí thư chi bộ - Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Rào Tre.

Với những cố gắng không ngừng nghỉ của mình, anh Hồ Xuân Nam đã nhiều lần được các cấp biểu dương, khen thưởng. Ảnh: Cẩm Kỳ
Với những cố gắng không ngừng nghỉ của mình, anh Hồ Xuân Nam đã nhiều lần được các cấp biểu dương, khen thưởng. Ảnh: Cẩm Kỳ

Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre nhận xét: Anh Hồ Xuân Nam có nhiều ưu điểm, chịu khó học hỏi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, phối hợp với đơn vị hỗ trợ bà con dân bản. Công tác đối nội của anh Hồ Xuân Nam rất tốt, được bà con tin yêu. Tuy nhiên, hạn chế của anh Nam là việc đối ngoại còn rụt rè, thiếu tự tin.

Cùng chung nhận định, ông Đinh Văn Sánh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hương Liên cho biết: Anh Hồ Xuân Nam có tiếng nói ở địa bàn, biết đi đến từng nhà đôn đốc, vận động bà con tham gia các cuộc vận động, các phong trào. Song, về đối ngoại, anh Nam vẫn còn chưa mạnh dạn.

cam01192.jpg

Từ hoạt động thực tiễn của cán bộ Mặt trận cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số, ông Đinh Văn Sánh kiến nghị: Cấp trên cần cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ Mặt trận cơ sở ở vùng đặc thù - vùng dân tộc thiểu số. Mặt khác, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, tập huấn kỹ năng làm công tác Mặt trận cho cán bộ Mặt trận vùng dân tộc thiểu số. Phân định rạch ròi chức trách, nhiệm vụ giữa Bí thư chi bộ với Trưởng ban Công tác Mặt trận, tránh chồng chéo, nhầm lẫn giữa 2 vị trí này nhằm phát huy tốt hơn vai trò của cán bộ Mặt trận ở vùng dân tộc thiểu số.

hn.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người 'thắp lửa' bên dãy Trường Sơn: Bài 1. 'Hạt giống đỏ' của người Chứt ở Hà Tĩnh