Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 31,8 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu gần 4 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần so với 4 tháng đầu năm trước. Bức tranh nông nghiệp đang xuất hiện những gam màu sáng.
Tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT chỉ tính riêng trong tháng 4/2022 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đem về 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 4/2021. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ).
Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, đạt gần 4,9 tỷ USD (chiếm 27,3% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt tại thị trường này. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với trên 3,2 tỷ USD (chiếm 18,1% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 22,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản, với giá trị kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD (chiếm 7,1%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,0% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này).
Xuất khẩu tăng nhưng nhập khẩu lại giảm. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm nhập khẩu 13,9 tỷ USD, giảm 2,3%. Đến thời điểm này, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu gần 4 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần so với 4 tháng đầu năm trước. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 8,8 tỷ USD, giảm 2,9%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 564,3 triệu USD, tăng 13,0%; nhóm lâm sản chính khoảng 988,2 triệu USD, giảm 3,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi khoảng 979,8 triệu USD, giảm 14,9%...
Cơ hội rộng mở
Đưa ra dự báo về bức tranh xuất khẩu nông sản trong thời gian tới nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu nông lâm thủy hải sản của Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan trở lại ở hầu hết các thị trường như EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi…
Với ngành hàng lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho hay, nhu cầu thế giới về lương thực đang rất cao và nhiều thị trường như Hàn Quốc, EU đang gia tăng nhập khẩu gạo, tạo tâm lý lạc quan cho DN. Cũng theo ông Bình, hiện công ty đang thực hiện giao theo hợp đồng hơn 15.000 tấn gạo 100% tấm qua thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty đang thực hiện một số hợp đồng xuất khẩu gạo sang EU số lượng trên 100 container trong năm 2022.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn, theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (FMC), trong tháng 4/2022, hoạt động của công ty duy trì nhịp độ, với các kết quả thực hiện đều tăng. Trong đó, tôm thành phẩm chế biến được 1.742 tấn; nông sản thành phẩm 233 tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
“Nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu của công ty luôn đảm bảo, với kết quả khá. Do đó, từ tháng 5/2022, hoạt động sẽ khởi sắc rõ nét, nhất là mảng nông sản tới thời điểm giao hàng hàng loạt và tôm từ trại nuôi sẽ tập trung thu hoạch, sản lượng tôm chế biến và tiêu thụ cũng hứa hẹn tăng mạnh
Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 5/2022, ngành nông nghiệp sẽ theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tại các cửa khẩu.
“Theo dự báo, nhu cầu lương thực, thực phẩm trên thế giới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho nông sản Việt đẩy mạnh xuất khẩu. Thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ bắt tay vào triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung cầu nông sản từ địa phương; tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm và tại các cửa khẩu chính, nhất là với Trung Quốc” - ông Toản cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản hiện nay, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường. Cụ thể, Bộ này chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc. Đồng thời, tập trung đàm phán, hoàn thiện các thủ tục như đánh giá rủi ro, kiểm tra... để thúc đẩy xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU...