Để một chiếc xe ô tô có thể lăn bánh hợp pháp trên đường, ngoài những khoản phí theo quy định, người dân còn phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ - những “loại phí” không tên, một kiểu “luật ngầm” ngay tại các điểm đăng ký, đăng kiểm xe ô tô. Những khoản tiền này về đâu, tới tay ai và để làm gì?
Phóng viên Đại Đoàn Kết Online đã mất nhiều ngày theo chân “sales” (nhân viên bán hàng) tới hàng loạt điểm đăng ký, đăng kiểm xe ô tô và chi cục thuế trên địa bàn Hà Nội…
Không bôi trơn có thể bị "om" hồ sơ
Sales ô tô (nhân viên kinh doanh ô tô) đang được xem là một trong những nghề hot tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Cũng dễ hiểu khi mà số lượng xe bán ra trong thời gian vừa qua tăng nhanh đột biến.
Cụ thể theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA): Trong năm 2019 thị trường Việt Nam tiêu thụ 320.322 xe ô tô các loại, tăng 12% so với năm 2018. Trong tháng 5/2020 các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ 19.081 xe các loại, (tăng 62% so với 4/2020), tháng 6/2020 tiêu thụ 29.600 chiếc (tăng 24% so với 5/2020). Số lượng xe bán ra tăng, kéo theo nhu cầu về nhân sự ngành này cũng trở nên sôi động không kém phần.
Tùng Nam (28 tuổi, nhân viên sales một đại lý xe ô tô trên địa bàn Hà Nội) tốt nghiệp trường đại học Xây dựng, nhưng cuối cùng lại theo con đường sales ô tô. Vào nghề được 5 năm, một quãng thời gian không lâu nhưng cũng đủ để biết hết các “mánh khoé”, đường đi nước bước của nghề.
Thu nhập trung bình của một nhân viên sales như Nam dao động khoảng 20 triệu đến 30 triệu/tháng.
Nam tâm sự: “Đại lý trả lương cứng rất thấp, khoảng 4 đến 5 triệu/ tháng, nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào số lượng và giá xe bán ra. Nếu ông bán được 1 chiếc xe trị giá hơn 4 tỷ, thì nguyên tiền thưởng đã được 20 triệu rồi, nếu chịu khó, một tháng bán được 5-7 chiếc mức thu nhập có thể cao hơn”.
Ngày làm việc của Nam thường bắt đầu từ 7h30 và kết thúc 17h, nhưng có những hôm phải tư vấn cho khách tới muộn mà khách vẫn chưa ưng.
“Thời gian tuỳ thuộc số lượng xe bán và yêu cầu của khách hàng, có hôm gặp ông khách khó tính, ngồi cả buổi mà vẫn chưa chốt được. Sales ô tô đòi hỏi nhiều kỹ năng như tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, xử lý tình huống, nói chung là hỗ trợ trọn gói cho khách… Tất cả các khâu bước chỉ kết thúc cho đến khi chiếc xe đủ điều kiện lăn bánh”.
“Khi một đại lý tiếp nhận người mới, đại lý hãng sẽ dành khoảng một tháng để đào tạo về sản phẩm xe, quy trình bán hàng và cách giao tiếp. Nhân viên sales chủ yếu vận dụng những kỹ năng mềm để tư vấn cho khách, việc đăng ký đăng kiểm cho khách chỉ cần bỏ ra một đến hai ngày theo người cũ chỉ dẫn là thành thạo. Thủ tục thì theo quy định của nhà nước, nhưng quan trọng nhất là phải biết “luật”, bởi “cửa” nào cũng có “luật” riêng, từ nhân viên thuế, cán bộ đăng ký và các trung tâm đăng kiểm”, Nam cho biết.
Sau khi khách ưng ý, ký hợp đồng mua bán, sales sẽ trực tiếp bàn giao xe kèm bộ hồ sơ: Hoá đơn mua bán, phiếu xuất xưởng, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bộ cà số khung số máy để khách đi đăng ký, đăng kiểm.
Nhưng phần đa khách hàng sẽ yêu cầu phía đại lý, nhân viên làm trọn gói (nộp thuế trước bạ, đăng ký, đăng kiểm) - “Phí dịch vụ đăng ký” với mức giá 2 triệu - 3 triệu đồng tuỳ đại lý hoặc sales yêu cầu. “Khoản phí này không có hoá đơn chứng từ, cũng không về đại lý. Nhân viên tụi mình chỉ được vài trăm xăng xe và thuốc nước” - Tùng Nam nói.
Tỏ rõ sự sành sỏi và hưỡng dẫn cho người mới, Tùng Nam vơ tờ giấy ăn viết vội quy trình mà theo Nam là bất di bất dịch khi làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm.
Theo như Nam phân tích, trong khoản “phí dịch vụ đăng ký xe” sẽ gồm: “100 ngàn khi nộp thuế trước bạ; 1 triệu đăng ký xe (trong đó 500 ngàn cho việc khám xe, 500 ngàn hồ sơ bấm biển); 200 ngàn cho đăng kiểm… tuỳ mỗi nơi mà có chênh lệch trong khoảng 100 ngàn, còn lại là công sales.
Tất cả những khoản tiền trên được nhân viên âm thầm kẹp vào những bộ hồ sơ trước khi đưa vào các “cửa” để làm thủ tục.
“Đây là “luật bất thành văn” bắt buộc phải theo, nếu không muốn hồ sơ bị “om” từ sáng tới chiều”.
Tiền “lạ” biết “nói”
Để tường minh những gì mình nói, Tùng Nam dẫn chúng tôi đến những điểm đăng ký, đăng kiểm rồi chi cục thuế trên địa bàn Hà Nội để hoàn tất thủ tục hồ sơ.
Theo hướng dẫn của Nam, mỗi chiếc xe, chúng tôi phải chuẩn bị 3 bộ hồ sơ. Bộ thứ nhất đem đến chi cục thuế nộp thuế trước bạ.
Tại chi cục thuế Đông Anh, thời điểm chúng tôi có mặt, ngoài những cán bộ thuế đang ngồi trong quầy hàng chục người dân đang đợi làm thủ tục. Ở quầy thu phí trước bạ, có ghi biển tên N.T.H.X., Đội phó, Nam nhanh tay kẹp tờ tiền mệnh giá 100 ngàn vào bộ hồ sơ khai thuế, sau đó đưa ngay cho cán bộ H. trong quầy.
Như một sự thuần thục, việc đầu tiên khi tiếp nhận, cán bộ này vạch bộ hồ sơ rút tờ tiền mệnh giá 100 ngàn trước mắt chúng tôi, sau đó mới xem xét hồ sơ giấy tờ.
Khi hoàn thành nộp thuế trước bạ, chúng tôi nhận lại biên lai kẹp vào bộ hồ sơ thứ 2 di chuyển đến cơ sở đăng ký xe số 3 trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Tại đây hàng chục người nhốn nháo, ngoài những khách hàng đang ngồi đợi bấm biển, nhiều nhân viên sales hoàn thiện hồ sơ, kẻ tỉ mỉ xếp những tờ tiền xanh đỏ vào giữa hồ sơ rồi ghim lại.
Thấy tôi ngạc nhiên, Nam nhanh tay kéo tôi ngồi xuống và thì thầm: "Ở đây nếu không mang xe đến kiểm thì thường là 4/3, cửa khám xe và cửa đăng ký bấm biển".
“4/3 là thế nào?” tôi hỏi lại.
“Nghĩa là cửa đầu tiên nộp hồ sơ khám xe kẹp 400 ngàn, còn cửa sau nó lại đưa ra và mình lại đút tiền tiếp 300 ngàn để bấm biển. Còn một vòng nữa là lấy biển số tiếp tục đưa cho họ 50 ngàn”. Nam trả lời.
Hút xong hơi thuốc dở, Tùng Nam rút từ trong cặp ra 2 tờ tiền mệnh giá 200 ngàn nhét ngay ngắn vào giữa bộ hồ sơ, tới nộp vào quầy số 1 (làm thủ tục kiểm tra xe). Khoảng 15 phút sau, một cán bộ đăng ký gọi Tùng Nam lên lấy lại hồ sơ kèm theo chữ ký nháy, nhưng 2 tờ tiền mệnh giá 200 ngàn (nhân viên sales kẹp trước) đã mất.
Nhận lại bộ hồ sơ, Nam chủ động móc bóp nhanh nhạy nhét 300 ngàn vào giữa bộ hồ sơ, tiếp tục chuyển hồ sơ vào quầy số 3. “Như vậy là xong, ngồi đợi gọi bấm và nhận biển” - Tùng Nam thở ra nhẹ nhõm.
Những ngày sau, chúng tôi tiếp tục theo chân Tùng Nam đến cơ sở đăng ký xe số 4 (Nguyễn Khuyến, Hà Đông). Quy trình “kẹp” các tờ tiền “lạ” vào hồ sơ cũng không khác gì tại cơ sở đăng ký xe số 3.
Điểm khác biệt có chăng là tại cơ sở đăng ký xe số 4 nhộn nhịp hơn và tiền “lạ” được kẹp có mức giá cao hơn.
Theo Tùng Nam lý giải: “Ở đây tiếp nhận hồ sơ của 8 quận huyện, lượng xe đăng ký rất đông, hồ sơ phải chờ đợi lâu, nếu mình “lót” chưa tới (không đúng giá, PV) sẽ bị găm hồ sơ, nộp từ sáng nhưng đến chiều mới tới lượt mình. Cửa nào, ở đâu có giá sẵn hết rồi, cứ thế mà làm không khác được” - Nam nói ráo hoảnh.
“Nghĩa là cửa đầu tiên nộp hồ sơ khám xe kẹp 400 ngàn, còn cửa sau nó lại đưa ra và mình lại đút tiền tiếp 300 ngàn để bấm biển. Còn một vòng nữa là lấy biển số tiếp tục đưa cho họ 50 ngàn” - Nam trả lời.
Theo tìm hiểu một bộ hồ sơ đầy đủ giấy tờ đăng ký xe theo đúng thủ tục, người đăng ký sẽ nộp hồ sơ 1 lần tại các cơ sở đăng ký xe ô tô, cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký phải kiểm tra, đối chiếu giữa hồ sơ thực tế xe, nếu hồ sơ đầy đủ, đúng quy định thì tiếp nhận, giải quyết đăng ký xe (Điều 5, thông tư 15/2014/TT-BCA).
Thông thường quy trình trên người dân sẽ mất khoảng 2 tiếng, nhưng thực tế tại các cơ sở đăng ký, người đăng ký xe phải nộp hồ sơ 2 lần. Sau khi kiểm tra xe, cán bộ kiểm tra sẽ chuyển lại bộ hồ sơ cho người đăng ký, người đăng ký tiếp tục nộp hồ sơ vào “cửa” thứ 2 để làm thủ tục bấm biển.
Sau khi nhận giấy hẹn lấy giấy đăng ký, tôi được Tùng Nam hướng dẫn đem xe của khách đến Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, dòng xe lũ lượt kéo nhau vào kiểm tra.
“Đợi đến lượt rồi mang xe vào thôi. Nhưng nhớ phải để lại 200 nghìn trong hộc cốc nhé”, nhân viên này cho biết, phí “lót tay” cũng là một dạng “luật ngầm” ai đi đăng kiểm cũng phải biết.
Qua quan sát, nếu như 2 “cửa” tại các cơ sở đăng ký xe, tiền được kẹp cẩn thận vào giữa những bộ hồ sơ rồi đẩy vào trong cho cán bộ thì ở Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Đống Đa, Hà Nội tiền chỉ cần để vào hộc cốc, hay phía trên cần số trong xe. Sau quá trình đăng kiểm, những tờ tiền cũng không cánh mà bay…
Ngoài những xe đủ tiêu chuẩn kỹ thuật lưu hành, hay xe mới có mức “lót” từ 100 – 200 ngàn để được đăng kiểm nhanh, thì giá “bôi trơn” bỏ qua “khiếm khuyết” cho những chiếc xe không đủ điều kiện kỹ thuật như lỗi phanh xe, mức khi thải không đạt yêu cầu thường dao động khoảng 200 - 500 ngàn tuỳ từng loại xe”, Tùng Nam cho biết.
Tới đây, tôi rùng mình mường tượng nhiều vụ tai nạn giao thông bởi những chiếc xe lỗi phanh… không đủ tiêu chuẩn vẫn được cấp chứng nhận kiểm định để phăng phăng lưu thông trên đường.