Với số lượng người dùng tăng lên chóng mặt, môi trường Youtube, Tiktok đang dần trở thành mạng xã hội hấp dẫn, tuy nhiên, khao khát việc "kiếm view" , kiếm "fame" cùng với xu hướng kiếm tiền với nội dung ''bẩn'' dựa vào nền tảng công nghệ này đang kéo theo nhiều hệ lụy và thách thức.
Content "bẩn" vẫn xuất hiện thường xuyên
Mới đây, trên các trang mạng xã hội bất ngờ lan truyền các đoạn video của một tài khoản Youtube tên K. (28 tuổi) đăng tải những video với tiêu đề "Những lần mình kiếm tiền trên Tinder"; "Mình bịa CV để đi xin việc thế nào"; "Mình không sinh ra để đi làm!!! Bạn cũng thế";...
Điều đáng nói, nội dung trong những video này đều để chia sẻ những cách làm hết sức "độc hại" từ việc hẹn hò cho đến cách kiếm tiền, làm giàu.
Trong video có đoạn bạn K. này nói rằng: "có một cái cách mình kiếm tiền đó chính là mình kiếm tiền thông qua tinder, những app hẹn hò. Mình muốn chia sẻ nó ở đây để cho các bạn biết là mình đã từng sống như thế nào”.
Tiếp theo K. khẳng định mình không có ngoại hình, không biết chụp ảnh, sợ camera nên ở tài khoản Tinder cô dùng meme hài hước và phần mô tả vui vẻ, thể hiện sự vui tính. Mục đích của việc này là để có một tài khoản gây chú ý và nổi bật nhất, thu hút những người hài hước, có tiền hoặc là có học thức.
“Mình chỉ có thể dùng tất cả những gì mình có và vận động hết tất cả những cái gì mình có khả năng để kiếm tiền. Vì mình phải sống mà đúng không? Mình không thể nào mà không cần tiền được”, K. nói dõng dạc.
Còn trong một clip khác "Mình không sinh ra để đi làm!!! Bạn cũng thế", nữ Youtuber này cho biết đã từng đi làm ở 8 nơi khác nhau nhưng đều nghỉ việc sau 1 tháng hoặc thậm chí là vài ngày, sau đó đưa ra những đánh giá khách quan về công ty mà mình làm với những lời lẽ có phần "thiếu tôn trọng".
Đồng thời cô còn khẳng định: "Mình nhận ra tất cả những người không thích đi làm, những người có vấn đề với sếp, những người thường xuyên bị đuổi việc, thường xuyên nghỉ việc là vì bản thân những người đấy sinh ra là để làm chủ, làm sếp".
Đáng nói, nữ Youtuber này có lượng lớn người follow từ trên Youtube, Tiktok và thậm chí khi đăng tải những video này còn có khá nhiều bình luận đồng tình, bênh vực cho lối sống này của K.
Dù đoạn clip đã có từ hơn 3 tháng trước nhưng ở thời điểm hiện tại mới nhận về sự chú ý từ cư dân mạng, hầu hết các ý kiến đều vô cùng bức xúc và lên án gay gắt. Họ cho rằng K. đang tuyên truyền một tư tưởng kiếm tiền độc hại, ăn bám và tìm cách moi tiền người khác. Những cô gái trẻ tuổi, chưa ý thức được đúng sai sẽ dễ bị dẫn dắt và gặp sai lầm.
Cạm bẫy vô hình
Giải thích về cách làm content của K., một chuyên gia cho rằng, đây là cách làm content mang tư tưởng độc hại của một con người không có giá trị nội tại trong hoàn cảnh mà năng lực kiếm tiền càng ngày càng suy giảm.
Người làm ra content với cái tư duy trái chiều cũng chỉ là mong có lại được cái "fame" (danh tiếng) từ mạng xã hội để từ đấy kiếm được nguồn thu nhập tiếp theo. Tuổi trẻ khi đang có đầy thời gian nhưng lại không chịu tích luỹ kiến thức, không chịu học hành mà chỉ tìm những cách làm "khôn lỏi" để kiếm tiền thì cũng sẽ khó lâu dài.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng và đồng tiền ngày càng mất giá, nhiều người trẻ càng ao ước có nguồn thu nhập thụ động khủng như lời quảng cáo trên mạng. Không ít lao động sẵn sàng bỏ việc và chỉ ngồi ở nhà thực hiện theo hướng dẫn của các Tiktoker, Youtuber.
Vì vậy, những người làm content dạng này thường sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm từ phía công chúng hơn, tuy nhiên không phải ai cũng biết chắt lọc thông tin nào nên tiếp nhận và cái nào thì không.
Theo khảo sát gần đây của Insider, ít nhất 34% người dùng Internet thuộc Gen Z (sinh sau năm 1997) tin vào hướng dẫn kiếm tiền online. Trong khi đó, chỉ 24% thực sự tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính chuyên nghiệp. Đặc biệt là khi những đứa trẻ đang trong độ tuổi mới lớn, có quá nhiều điều về kỹ năng sống, các mối quan hệ bạn bè, yêu đương mà bản thân họ chưa biết cách hoặc chưa thể tìm hướng giải quyết. Nếu cha mẹ không là người chỉ đường dẫn lối thì rõ ràng những người "thầy mạng" như K. sẽ có đường len lỏi vào cuộc sống của họ, thậm chí thao túng cả tâm hồn.
Vậy nên, cần có cách để dẹp bỏ những video truyền bá những kiến thức sai lầm, những tư tưởng độc hại với những content có nội dung hứa hẹn sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cá nhân, nhưng chính những người có ảnh hưởng đều không có bằng cấp hoặc các chứng chỉ chuyên môn liên quan.
Để có thể ngăn chặn, điều đơn giản nhất chúng ta có thể làm chính là nhấn nút "Báo cáo" khi nhận thấy một video thể hiện trò đùa kệch cỡm, hay một hành động thiếu văn minh. Tiktok hiện nay kiểm soát rất chặt chẽ những nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Người dùng cần phải quyết liệt hơn để loại bỏ virus tư tưởng độc hại.
Quan trọng hơn hết là đến từ nhận thức của mỗi người dùng. Cần phải đủ tỉnh táo để phân biệt giữa tốt - xấu nhằm đấu tranh loại bỏ những video mang tư tưởng độc hại, đồng thời thúc đẩy cho việc xem tiktok có chọn lọc.