Trước đây có một bài hát động viên con người nên sống lạc quan yêu đời, trong đó có câu: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Người thì khen bài hát, người thì trầm ngâm suy nghĩ: Có thật là có niềm vui quá dễ dàng như thế không, đến nỗi ngày nào cũng có? Mà còn có nhiều nữa, đến nỗi có thể chọn?
Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Vui là: 1/ Có tâm trạng tích cực, thích thú của người đang gặp việc hợp nguyện vọng hoặc điều làm cho mình hài lòng. Thí dụ: Vui cảnh gia đình đoàn tụ. "Khi vui non nước cũng vui/ Khi buồn sáo thổi kèn đôi cũng buồn" (ca dao). Làm vui lòng cha mẹ. 2/ Có tác dụng làm cho vui. Thí dụ: Tin vui. Vở kịch vui. Nói vui”. “Vui mừng là rất vui vì được như mong muốn (nói khái quát). Thí dụ: Vui mừng trước thắng lợi. Vui mừng gặp lại bạn cũ”.
Đại văn hào Pháp, ông Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) đã có một định nghĩa về niềm vui rất thận trọng như sau: “Niềm vui đối với con người chẳng khác gì muối và dấm trong bữa ăn. Người ta không thể bốc muối đầy tay hoặc uống đầy một cốc dấm”.
Có tác giả đã biết cách động viên: “Hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ” cho tất cả mọi người trong cuộc sống hàng ngày để ai cũng có thể tìm thấy niềm vui. Có người vui thích với một niềm vui đơn giản: “Cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày” là quá vui, quá tốt rồi. Tại câu lạc bộ thể dục buổi sáng của các vị cao tuổi ở khu phố, ai cũng thích câu nói của cụ Nam người đã gần 90 tuổi: “Thỉnh thoảng cứ gặp được nhau đi tập thể dục đông đủ thế này là chúng ta có được niềm vui rồi”.
Vậy niềm vui có giới hạn không? Có định nghĩa nào gần đúng không? Có lẽ không có.
Nhà tâm lý học, triết gia người Anh, ông William Jones (1746 – 1794) đã nói đến niềm vui mà con người có được chỉ là một bù đắp nhỏ, một sự an ủi của đấng Tạo hóa mà thôi, ông đã viết: “Đối với những số phận khắt khe của con người, đấng Tạo hóa đã ban cho họ một chút niềm vui để giúp an ủi phần nào cho sự khó nhọc”. Nghĩ đi nghĩ lại, lấy thực tế cuộc sống làm thí dụ, cho thấy William Jones đã nói rất đúng.
Trong thực tế cuộc sống với bao nhiêu khó khăn do biến đổi khí hậu gây nên, do thiên tai, do dịch bệnh lan tràn trên khắp thế giới, do chiến tranh ở nhiều khu vực làm người dân nghèo, những người thất nghiệp, lang thang, cơ nhỡ, sống rất khổ sở. Vì thế, niềm vui nho nhỏ gặp được hàng ngày đã an ủi phần nào cuộc sống cho những con người kém may mắn. Như vậy, người khổ đến đâu, nghèo đến đâu cũng có cách để tự an ủi, tự vui vẻ mà vươn lên trong cuộc sống.
Có nhiều người kiên trì, nhẫn nại vượt mọi gian khổ, chấp nhận làm lao động chân tay cực nhọc để có tiền đi học. Học mãi mới hết cấp Phổ thông Trung học, rồi học tiếp lên Đại học, rồi tốt nghiệp Đại học. Những người này thực sự đã tạo cho mình một niềm vui mà như triết gia Walter Bagehot (1826 – 1877) đã gọi đích danh tên của cái niềm vui ấy bằng một danh ngôn để đời: “Niềm vui lớn lao nhất trong đời là ta đã làm được cái gì mà mọi người cho rằng ta không làm được”.
Chao ôi, từ một cậu thanh niên nông thôn quyết tâm đi học bằng được, đi làm bằng được để có một vị trí là một kỹ sư trưởng loại cứng thật cũng đáng tự hào lắm chứ, thực cũng là một niềm vui dù là âm thầm tự mình thích thú hay dù có biểu hiện ra bên ngoài cho mọi người biết thì cũng thật xứng đáng lắm chứ, đáng tự hào nhiều lắm chứ.
Hiện nay có phong trào họp bạn lớp cũ, trường cũ, đơn vị cũ nhân các ngày lễ, ngày tết. Những người đến họp phần lớn là những người thành đạt, có địa vị xã hội, có kinh tế khá. Có một số bạn luôn vắng mặt. Hỏi ra mới biết đó là những bạn gặp những chuyện không may về sức khỏe, về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Điều này rất dễ hiểu, là vì đến gặp nhau để lại những sự so sánh với nhau, tạo thêm nỗi buồn cho nhau thì đến họp làm gì. Nếu ai còn có chút niềm vui trong lòng mới còn hứng thú mà đi dự hội lớp, hội trường, hội cơ quan.
Thế mới biết, dù ở tuổi nào, dù ở hoàn cảnh nào con người cũng cần phải có niềm vui. Niềm vui ấy nhỏ hay lớn, do mình tự tạo ra hay do hoàn cảnh thuận lợi đem lại thì cũng là động lực giúp cho con người vui vẻ mà phấn đấu, mà sống tiếp. Có tác giả đã viết: “Ta nên coi niềm vui như một làn gió mát, còn nỗi buồn như một bát nước sôi”.
Câu này rất sâu sắc vì “làn gió mát” tuy có đem lại giây phút sung sướng cho con người, nhưng lại nhanh chóng hết ngay, còn nỗi buồn là một bát nước sôi, ai uống ngay thì bỏng mồm, bỏng lưỡi, nhưng cứ để nguội dần rồi cũng uống được hết bát nước “nỗi buồn” ấy. Câu chuyện “làn gió mát” và “bát nước sôi” tuy đơn giản, dễ hiểu nhưng ai đã từng trải qua cũng đã chảy nhiều nước mắt cũng như đã từng có nhiều nụ cười. Thế mới là cuộc sống. Phải có lúc thế này, lúc thế khác thì mới muôn hình, muôn vẻ. Xưa có câu thơ: “Đời tẻ nhạt như tầu không chuyển bến”, lại có câu: “Những vất vả gian khổ mới chính là muối mặn làm tăng gia vị cho bát canh cuộc đời”. Cứ như thế ta tiếp tục phân tích, mổ xẻ niềm vui và nỗi buồn.
Niềm vui lớn lao nhất trong đời là ta đã làm được cái gì mà mọi người cho rằng ta không làm được.
Triết gia Walter Bagehot
Triết gia cổ đại Mahommed Hafiz (1300 – 1388) đã để lại cho hậu thế một danh ngôn bất hủ: “Không có niềm vui nào mà không có dấu vết của sự đắng cay”. Đã hơn 700 năm trôi qua, nhưng những nhận xét sâu sắc đến kỳ lạ của Hafiz vẫn mãi mãi làm cho con người thán phục và biết ơn. Tại sao thán phục? Vì chẳng có thành tựu nào mà có được toàn niềm vui chứ không có nước mắt. Đó là quy luật bù trừ, đó là quy luật “có làm có hưởng” mà con người đã hiểu thấu và chấp nhận. Nếu có một niềm vui mà không do sức mình cố gắng, kiên nhẫn, gian khổ để tạo ra thì chắc chắn sẽ chóng lụi tàn, không bền vững. Niềm vui là một ngôi nhà, ngôi nhà đó có bền vững hay không là phải nhờ vào cái móng nhà có bền có khỏe không. Đó là một cách giải thích rất bình dân, rất dễ hiểu.
Trong thực tế cuộc sống, tùy theo từng hoàn cảnh xã hội, lúc thuận lợi, lúc khó khăn nhưng có những nguyên tắc để tạo được những niềm vui đơn giản, chính đáng và bền vững, đó là phải dựa vào hai trụ cột cơ bản, hai nguyên tắc bất di bất dịch, hai ánh sáng mãi mãi soi chiếu cho các số phận con người, đó là ánh sáng của Pháp luật và ánh sáng của Đạo đức.
Có những người có tài, phấn đấu đạt đỉnh cao về bằng cấp, về địa vị xã hội, nhưng chỉ vì lòng tham không thể kiềm chế được mà cuối đời phải sống trong nhà tù để cải tạo, để sửa chữa sai lầm thì thật đáng tiếc, đáng ân hận biết bao.
Nhưng may mắn thay, tuyệt đại đa số người dân được sống trong một xã hội mới, ngày càng phát triển về kinh tế, về khoa học, ai cũng được hưởng phúc lợi, bảo hiểm an sinh xã hội hợp lý nên ai ai cũng cố gắng phấn đấu tạo cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội những niềm vui chân chính, lương thiện, tích cực đóng góp cho quê hương đất nước ngày càng phát triển, ngày càng ấm no hạnh phúc.
Nhà thơ, nhà đạo đức học danh tiếng Alexandre Mercereau (1884 – 1945) đã có một danh ngôn nói về “niềm vui” đáng để chúng ta nhớ mãi, đó là: “Lẽ phải và đạo đức không phải là những sự vật lạnh lẽo, khô khan mà đó chính là niềm vui, là hương vị đầy hứng thú của cuộc sống con người”.
Ý kiến xúc tích này của Mercereau giúp chúng ta mở rộng được cách suy nghĩ về niềm vui, về sự thật, về đạo lý làm người vốn pha trộn, lẫn lộn giữa thật và giả, giữa cái gian khổ và cái hưởng thụ, giữa cái giữ mình thận trọng và cái buông thả dễ dàng trong mọi giai đoạn của tuổi tác, kể ra cũng thật là lâu dài và khó nhọc chứ không phải dễ dàng gì.
Niềm vui, biết lựa chọn cho đúng, cho đủ, cho vừa với cái khả năng, cái cống hiến mà mình được phép hưởng thụ thật không dễ dàng gì. Đông phương cổ học Tinh hoa đã viết: “Đức bất cô, tất hữu liên” (tạm dịch: Người nào sống có đạo đức, ắt sẽ có niềm vui, có bạn bè).
Niềm vui, nếu nhìn một cách cụ thể hơn, dễ có nhất, gần gụi đời thường nhất là theo lời dạy của nhà đạo đức học, Mẹ Térésa Calcuta (1910 – 1997) tại một hội thảo quốc tế của Liên hợp quốc khi bà nói: “Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Xin bạn hãy về nhà và yêu thương lấy gia đình của mình”. Thật là thấm thía, vì chỉ có niềm vui trong từng gia đình chúng ta mới có hy vọng đạt đến các niềm vui to lớn hơn đối với xã hội.