Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ được coi là “sân chơi” quy mô lớn cho nghệ thuật cải lương sau rất nhiều thăng trầm. Có tới gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ 29 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập trên toàn quốc, với 34 vở diễn dự thi, kéo dài từ ngày 25/10 - 15/11.
Theo quy định, tham gia Liên hoan là những vở diễn được dàn dựng mới hoặc những vở diễn được phục dựng với đội ngũ sáng tạo mới từ năm 2017 đến nay và chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài. Trường hợp kịch bản sáng tác trước năm 2005 sau khi đã chỉnh lý cho phù hợp với hiện tại phải có sự đồng ý của tác giả (hoặc người đại diện hợp pháp).
Tuy thế, có thể thấy các vở diễn đề tài lịch sử vẫn chiếm ưu thế, trong đó có thể kể đến “Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà” - sân khấu Sen Việt; “Hào kiệt Lam Sơn” - sân khấu Thiên Long; “Truyền tích Cổ Loa xưa” - Công ty Bảo Sơn; “Anh hùng đất phương Nam” - sân khấu Vũ Luân...
Nhiều đơn vị, đoàn nghệ thuật đã chi ra số tiền lớn, khoảng 1 tỷ đồng để đầu tư vở diễn, trang phục, đạo cụ… Nói như ông Hồng Quốc Khánh - Giám đốc Nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ), đoàn đã chuẩn bị rất chu đáo từ cuối năm 2023, đặc biệt là đặt hàng tác giả viết kịch bản cải lương mới về vị danh nhân văn hóa của Cần Thơ là cố soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền - người đã lập ra gánh hát đầu tiên ở Nam Kỳ, cũng chính là người đưa bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu vào sân khấu cải lương.
Đáng chú ý, tại liên hoan lần này, cùng với các đoàn nghệ thuật công lập giàu truyền thống thì còn có sự góp mặt đông đảo các sân khấu xã hội hóa. Có nghĩa là đầu tư vở diễn tham gia liên hoan bằng vốn huy động bên ngoài.
Nhưng còn thật đáng nể là trường hợp nghệ sĩ Lê Trung Thảo, người từng làm “đủ nơi, đủ nghề” kiếm tiền đầu tư dựng vở “Khí tiết một trung thần” để đi thi. Số tiền cá nhân đầu tư cho vở diễn lên tới vài trăm triệu đồng. Đây có thể coi là “nét mới” đáng nể phục, khi chính nghệ sĩ đầu tư cho vở diễn, cho dù sự thành bại là khó lường.
Điều đó chỉ có thể có được từ tình yêu nghề nghiệp, yêu sân khấu, mà ở đây là nghệ thuật cải lương. Nhất là trong bối cảnh sân khấu cải lương vắng khách. Bỏ tiền túi dựng vở dự thi không chỉ là chuyện kiếm huy chương, mà sâu xa hơn còn là nỗ lực hồi sinh một bộ môn nghệ thuật truyền thống hết sức đặc biệt.
Với những nỗ lực xã hội hóa của từng đơn vị cùng tình yêu vô bờ bến và những tìm tòi không mệt mỏi của mỗi cá nhân nhằm đưa nghệ thuật cải lương trở lại thời kỳ hoàng kim, đưa cải lương tới gần công chúng hơn, nhất là với lớp trẻ; không lý gì những vở diễn, tích diễn, những giọng ca vàng cải lương lại bị khuất lấp trước những dòng chảy nghệ thuật tân kỳ.
Buông tay thì dễ, lao tâm khổ tứ vì nghệ thuật truyền thống mới khó. Và cũng chính vì thế thì một đóng góp cho dù nhỏ nhoi cũng đều đáng quý.
Trở lại với Liên hoan cải lương toàn quốc năm nay, thật vui vì sự tham gia của nhiều đoàn, nhiều nghệ sĩ mọi lứa tuổi. Liên hoan cải lương toàn quốc diễn ra định kỳ 3 năm/lần. So với kỳ liên hoan cải lương toàn quốc tại Long An năm 2022 (trễ 1 năm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19) thì số lượng đơn vị, vở diễn lẫn nghệ sĩ, diễn viên năm nay tham gia đều tăng.
Đó quả là niềm vui lớn. Nhưng, như đã nói, còn vui hơn khi việc xã hội hóa nghệ thuật cải lương ngày một rộng rãi với nhiều vở diễn tự túc kinh phí. Đó cũng là cơ sở để tin rằng nghệ thuật cải lương sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và ngày càng đến gần hơn với công chúng.