Với sự nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm cao trong thực thi nhiệm vụ toàn ngành văn hóa thể thao tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt có những chỉ tiêu đạt vượt mức Kế hoạch.
Năm 2023, toàn ngành văn hóa, thể thao tỉnh Ninh Bình đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phát huy dân chủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực văn hóa, thể thao năm 2023 tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng nổi bật.
Điển hình, các hoạt động văn hóa trên địa bàn diễn ra sôi nổi, an toàn, đặc sắc, ấn tượng với nhiều sự kiện quan trọng, ý nghĩa. Toàn tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hàng trăm sự kiện văn hóa trong đó có khoảng 50 sự kiện lớn.
Mở đầu là chương trình nghệ thuật đêm giao thừa “Tết quê hương-Ninh Bình 2023”; tiếp đến là loạt các sự kiện như: Kỷ niệm 1055 năm nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2023) và các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư; Hội thảo khoa học “Nghề gốm cổ Ninh Bình - Truyền thống và hiện đại”; Hội nghị quốc tế về phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; chương trình truyền hình thực tế và liveshow âm nhạc “Miền lau trắng - Bản tình ca miền di sản”.
Tổ chức 2 Trại sáng tác văn học, nghệ thuật với chủ đề “Ninh Bình hội tụ”; Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh; Liên hoan tiếng hát Người cao tuổi; Hội thảo quốc tế “Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương”.
Đặc biệt năm 2023 là năm thứ II Ninh Bình tổ chức Lễ hội văn hóa hiện đại Festival Ninh Bình - Tràng An với chủ đề “Sắc màu di sản, hội tụ và lan tỏa”, lần đầu tiên được tổ chức với quy mô tầm quốc gia kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng công nghệ hiện đại với sân khấu thực cảnh huyền ảo.
Lĩnh vực thể thao đã tổ chức thành công trên 800 cuộc thi đấu và các giải thể thao từ tỉnh đến cơ sở điển hình như: Lễ phát động Tháng hoạt động thể dục, thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân gắn với Giải Việt dã xã, phường, thị trấn tỉnh Ninh Bình lần thứ VII năm 2023 - Cup SHB; Giải chạy quốc tế “Cúc Phương Jungle Paths và Tràng An Marathon; Giải Bóng chuyền Cúp Hoa Lư - Bình Điền lần thứ XVII; các trận thi đấu Giải Bóng đá chuyên nghiệp hạng Nhất quốc gia tổ chức trên Sân vận động tỉnh Ninh Bình.
Các hoạt động thường xuyên của lĩnh vực văn hóa, thể thao được duy trì và đạt kết quả tốt. Trong lĩnh vực văn hóa, công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu; công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được quan tâm thực hiện đối với cả di sản vật thể và di sản phi vật thể; các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của các tầng lớp trong nhân dân trong tỉnh; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình được chú trọng thực hiện từ tỉnh đến cơ sở góp phần vào xây dựng tiêu chí văn hóa nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu ở cấp huyện và cấp xã.
Công tác xã hội hóa các nguồn lực tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao được đẩy mạnh, huy động được các nguồn lực của cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan vào việc tài trợ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao như: Liên Hoan hát Xẩm năm 2023, Lễ hội Hoa Lư, Giải Bóng chuyền Hoa Lư - Bình Điền, giải việt dã xã, phường, thị trấn và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, Festival Ninh Bình lần thứ II năm 2023…
Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố... hoàn thành tốt các nội dung công tác chuyên môn theo kế hoạch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, phối hợp và tham gia tích cực các hoạt động do sở, tỉnh, tổ chức.
Có thể nói, năm 2023 với sự chỉ đạo sát sao, đúng hướng, có trọng tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, lãnh đạo UBND tỉnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sự cố gắng nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm cao trong thực thi nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành văn hóa thể thao đã thực hiện tốt các nhiệm chính trị được giao, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển sự nghiệp năm 2023 đề ra, đặc biệt có những chỉ tiêu đạt vượt mức Kế hoạch.
Về phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2024, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên theo quy định, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình xác định các nhiệm vụ trọng tâm đó là:
Chủ động, nâng cao năng lực tham mưu cho UBND cụ thể hóa những chủ trương, định hướng lớn của tỉnh như xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa, trung tâm tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế, xây dựng Ninh Bình thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và tiến tới xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai.
Trong đó, tập trung thực hiện thành công, có hiệu quả, đảm chất lượng, tiến độ 17 nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa, thể thao đã xác định trong chương trình công tác năm của UBND tỉnh; trọng tâm như: Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Đề án phục dựng Kinh thành Hoa Lư; Đề án Thống kê, hệ thống hóa, ứng dụng giá trị các địa danh, danh nhân, huyền tích huyền sử, sản phẩm truyền thống; Đề án không gian văn hóa Hoa Lư; Đề án tu bổ, chống xuống cấp hệ thống di tích; Kế hoạch tổ chức Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024; đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao như Vòng chung kết Sao Mai toàn quốc năm 2024; các giải quốc tế Quần vợt, Bóng chuyền VTV cup, Cầu lông, các giải Maraton quốc gia và quốc tế năm 2024 tại Ninh Bình…
Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao; trong đó có nhiệm vụ tham mưu ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND ngày 14/12/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn quy trình tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công do Sở làm chủ đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ chất lượng; tham mưu giải quyết dứt điểm những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án tồn đọng. Tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.