Nợ khó đòi của Vinacomin, Vinachem… tăng

Thúy Hằng 13/10/2020 17:12

Báo cáo mới nhất Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước cho biết, nợ khó đòi của một số ông lớn như tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam,Tổng công ty Cà Phê... ngày càng tăng.

Tổng tài sản của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ - công ty con (TĐ,TCT) là 2.738.532 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2018. Xét theo cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm bình quân là 37%.

Trong đó Báo cáo của Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong nhóm Công ty mẹ - công ty con (Công ty mẹ) cho biết nhóm này đang có tổng tài sản là 1.936.119 tỷ đồng (tính riêng Công ty mẹ khối TĐ, TCT tổng tài sản là 1.899.387 tỷ đồng), tăng 2% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, tài sản cố định chiếm 18% tổng tài sản. Hệ số tự tài trợ tài sản cố định (Vốn chủ sở hữu/Giá trị tài sản cố định) của các Công ty mẹ năm 2019 là 3,15 lần, cho thấy mức độ sử dụng vốn chủ sở hữu để đầu tư vào tài sản cố định phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá cao.

Đáng chú ý hệ số vòng quay tổng tài sản (Doanh thu thuần/Tổng tài sản) của các Công ty mẹ năm 2019 là 0,53 lần (<1), cho thấy việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực sự hiệu quả.

Báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT cho biết lực lực doanh nghiệp lớn này có tổng các khoản phải thu là 360.982 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 18.251 tỷ đồng tăng 25% so với thực hiện năm 2018, chiếm 5% tổng số nợ phải thu.

Đứng đầu danh sách doanh nghiệp có nợ phải thu khó đòi cao là TĐ Dầu khí VN (7.643 tỷ đồng); TĐ CN Than – KS VN (3.719 tỷ đồng); TĐ Viễn thông quân đội (1.527 tỷ đồng); TCT Viễn thông Mobifone (633 tỷ đồng); TĐ Bưu chính viễn thông VN (581 tỷ đồng); TCT Cà phê VN (413 tỷ đồng); TCT Thương mại Sài Gòn (395 tỷ đồng); TĐ Hóa chất VN (385 tỷ đồng); TĐ Điện lực VN (365 tỷ đồng); TCT Hàng hải VN (340 tỷ đồng); TCT Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (279 tỷ đồng); TCT 15 (255 tỷ đồng)…

Còn báo cáo của Công ty mẹ chỉ ra tổng các khoản phải thu là 374.405 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2018. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 19.817 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2018, chiếm 5% tổng số nợ phải thu.

Một số công ty mẹ có nợ khó đòi tăng nhanh là Công ty mẹ - TĐ Hóa chất VN với 10.566 tỷ đồng. Khoản nợ này phát sinh do Công ty mẹ - TĐ Hóa chất VN thực hiện trả nợ khoản vay nước ngoài của Dự án Đạm Ninh Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2035/VPCP-KTTH ngày 13/7/2017 về khoản vay China Eximbank của Dự án Đạm Ninh Bình nhưng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không thanh toán nợ cho Tập đoàn đúng hạn, Công ty mẹ - TĐ Hóa chất VN đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định là 2.233 tỷ đồng

Công ty mẹ - TĐ CN Than-KS VN (2.706 tỷ đồng); Công ty mẹ - TĐ Dầu khí VN (2.537 tỷ đồng); Công ty mẹ - TĐ Viễn thông quân đội (1.017 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Viễn thông Mobifone (632 tỷ đồng) chủ yếu là nợ cước viễn thông của khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông trả sau; Công ty mẹ - TCT Thương mại Sài Gòn (355 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Cà phê VN (285 tỷ đồng); Công ty mẹ - Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (276 tỷ đồng)…

Tính ra Tỷ lệ Các khoản phải thu/Tổng tài sản năm 2019 là 13% nếu dẫn theo số liệu báo cáo hợp nhất và 19% nếu dẫn theo số liệu báo cáo Công ty mẹ.

Hệ số vòng quay các khoản phải thu (Doanh thu thuần/Các khoản phải thu bình quân) của các Công ty mẹ năm 2019 là 2,37 lần (>1). Điều này cho thấy, hầu hết các Công ty mẹ có tốc độ thu hồi công nợ của khách hàng đủ để đảm bảo dòng tiền luân chuyển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc theo dõi, ghi nhận và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phải thu khó đòi để xử lý theo quy định nhằm bảo toàn vốn của doanh nghiệp. Theo đó, các TĐ,TCT đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo số liệu báo cáo hợp nhất là 18.018 tỷ đồng (Công ty mẹ: 14.020 tỷ đồng).

Một số Công ty mẹ có tỷ lệ Nợ phải thu/Tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) như: Công ty mẹ - TCT Thái Sơn (nợ phải thu 2.746 tỷ đồng, chiếm 71%); Công ty mẹ - TCT Xây dựng Lũng Lô (nợ phải thu 1.699 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản) Công ty mẹ - TCT Xây dựng công trình hàng không ACC (nợ phải thu 742 tỷ đồng, chiếm 59% tổng tài sản); Công ty mẹ - TĐ Hóa chất Việt Nam (nợ phải thu là 11.204 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản); Công ty mẹ - TCT Xây dựng Trường Sơn (nợ phải thu 2.126 tỷ đồng, bằng 57% tổng tài sản); Công ty mẹ - TCT Truyền thông đa phương tiện (nợ phải thu 524 tỷ đồng, bằng 53% tổng tài sản).

Riêng về hàng tồn kho, báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT cho biết khối doanh nghiệp này có tổng số hàng tồn kho là 148.472 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018, chiếm 5%/Tổng tài sản (Công ty mẹ là 51.383 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2018, chiếm 3%/Tổng tài sản).

Năm 2019, các TĐ,TCT đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tạo nguồn tài chính nhằm bù đắp tổn thất trong trường hợp giá hàng hóa giảm, bảo toàn vốn với số tiền là 2.027 tỷ đồng (Công ty mẹ là 797 tỷ đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ khó đòi của Vinacomin, Vinachem… tăng