Tín dụng đen tác động rất xấu tới trật tự an toàn xã hội, đặc biệt rất nguy hiểm với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Nguyên nhân nào khiến tín dụng đen “nở rộ”? Làm gì để xóa bỏ? Đó là những câu hỏi cần sớm trả lời.
1. Tín dụng đen tồn tại là do người dân có nhu cầu vay tiền, đặc biệt vay theo hình thức này khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng.
Không chỉ người nghèo tìm tới tín dụng đen, mà trong nhiều trường hợp kể cả doanh nghiệp cũng vay vốn của những nhóm cho vay nặng lãi. Tại phiên thảo luận tại Diễn đàn chuyên đề Vốn - Tài chính, ông Nguyễn Xuân Thành- Giám đốc Phát triển Chương trình đào tạo Fulbright Việt Nam cho rằng, việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho doanh nghiệp lớn và có quy mô trung bình. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến tín dụng đen. Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Kim Hùng- Giám đốc Công ty cổ phần tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, thì thậm chí có tới 60% các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm tới tín dụng đen.
2. Thời gian qua, hoạt động tín dụng đen lan rộng. các nhóm tội phạm tìm cách giăng bẫy người vay bằng thủ tục đơn giản, nhanh gọn, từng bước đưa con nợ vào tròng.
Để “câu” được con mồi dính bẫy, các đối tượng cho vay nặng lãi tìm cách phát tờ rơi, dán quảng cáo, gọi điện thoại chào mời, với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chỉ bằng hộ khẩu, chứng minh thư, bằng lái xe, tạm ứng tài sản có giá trị…
Chính những lời “đường mật” đó đã dẫn dụ nhiều người tìm đến vay vốn, không chỉ những người đang thực sự cần tiền. Nhưng khi “lãi mẹ đẻ lãi con”, người vay không có đủ tiền để trả góp (có thể là thỏa thuận trả hằng ngày), lúc đó chủ nợ sẽ đòi theo kiểu xã hội đen, không loại trừ việc đe dọa, đánh đập, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản, buộc bán giá rẻ mạt nhà cửa, đất đai để xóa nợ…
Tại xã Chư Drăng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), không ít người đã bị sập bẫy tín dụng đen. Có người chỉ vay 300.000 đồng với lời hẹn khi đến vụ thu hoạch sắn, chủ nợ sẽ đến lấy 3 bao sắn khô để trừ nợ. Có người “hẹn” với chủ nợ vay 5 bao gạo, tới năm 2019 nếu không trả được sẽ thành 10 bao.
Được biết, một số người dân ở xã này mỗi khi hết gạo đã ra một số “đại lý” ứng trước, mỗi bao bị tính 700.000 đồng, trong khi mua bên ngoài trả tiền luôn chỉ có 450.000 đồng. Ước tính tại thôn Buôn Chai (xã Chư Drăng), với hơn 200 hộ dân thì có hơn một nửa số hộ đã sa vào bẫy “cung ứng”- có nghĩa là tín dụng đen (hoặc bằng tiền, hoặc nông sản).
Còn tại xã Phúc Than (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu), nhiều hộ dân lại đem tiền cho vay với lãi suất cao. Khi con nợ bỏ trốn, người dân mới tá hỏa mình bị lừa. Đây lại là một khía cạnh khác của việc vay-cho vay theo thỏa thuận hai bên, pháp luật khó can thiệp. Một gia đình ở đội 11 (xã Phúc Than) vốn là hộ nghèo, thuộc diện di dân tái định cư thủy điện, được đền bù hơn 700 triệu đồng. Sau khi mua đất, làm nhà, mua đất canh tác, hơn 400 triệu đồng còn lại đã cho vay ngoài với lãi suất cao. Nhưng rồi con nợ bỏ trốn, người cho vay mất trắng.
Theo con số của cơ quan chức năng huyện Than Uyên, có tới trên 350 hộ dân có nguy cơ mất trắng, với số tiền khoảng 24 tỷ đồng.
Quảng cáo cho vay tín dụng đen giăng bẫy người vay.
Không chỉ với vùng cao khó khăn, mà ngay tại vùng thấp, thì tình trạng vay-cho vay lãi suất cao cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người. Tại Phấn Động (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), không ít người dân dốc vốn liếng cho vay, do người vay hứa trả lãi suất cao (hơn nhiều so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng). Một “chủ vay” là bà N.T.K. đã tuyên bố vỡ nợ khi huy động được khoảng 120 tỷ đồng với lãi suất từ 1.000-1.500 đồng/triệu/ngày. Đáng nói là bà này lại cho một người khác vay với lãi suất gấp đôi (2.000 đồng/triệu/ngày), nhưng “cầu” vay này đã mất khả năng chi trả.
Tới nay, tín dụng đen vẫn hoành hành tại nhiều địa phương, tiếp tục gây ra bi kịch cho nhiều người, nhiều gia đình. Nhìn chung, trong tất cả các trường hợp, đều là thỏa thuận mang tính cá nhân giữa hai bên, hình thức cho vay tiền, tài sản có giá trị nằm ngoài các quy định của pháp luật. Bên vay và bên cho vay thỏa thuận miệng, hoặc có giấy tờ nhưng không đúng quy định, lãi suất 2 bên tự thương lượng nên rất cao.
Tuy nhiên, khi cho rằng đó là thỏa thuận dân sự giữa hai bên, lại kín đáo nên chính quyền địa phương, công an địa bàn khó nắm bắt- thì không hẳn như vậy. Vì trên thực tế, các tờ rơi dán đầy các nơi, nhóm những người cho vay đi tới tận nhà các hộ dân “mời” vay; và tiếng kêu than của những người vỡ nợ, những người bị siết nợ rất nhiều. Vì thế, không thể nói đó là việc giao dịch dân sự nên các cơ quan chức năng khó phát hiện, ngăn ngừa.
Ở đây, cần phải khẳng định rằng, chính quyền cơ sở và công an tại chỗ vẫn làm chưa hết trách nhiệm, dù rằng họ có thể giải thích bằng nhiều lý do. Thực tế thì, nếu làm hết trách nhiệm thì cấc nhóm tín dụng đen không thể công khai “quảng cáo” địa chỉ rõ ràng của mình, để giăng bẫy chờ người khác sa chân vào. Đa số các vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra thì cơ quan chức năng mới biết, lúc này, hậu quả đã quá lớn và rất khó xử lý. Một báo cáo của cơ quan chức năng cho biết, trung bình mỗi ngày, trên phạm vi cả nước có 4 vụ vỡ nợ tín dụng đen. Trong 5 năm qua, cả nước có hơn 6.000 vụ việc liên quan đến tín dụng đen, trong đó, có 41 vụ giết người, 588 vụ cướp tài sản, hơn 300 vụ cố ý gây thương tích, hơn 1.000 vụ cưỡng đoạt tài sản…
Vấn đề cuối cùng, theo ý kiến nhiều chuyên gia tài chính, thì để người nghèo, doanh nghiệp vừa và nhỏ không tìm tới vay vốn tín dụng đen, thì rất cần cải tiến thủ tục vay vốn ngân hàng. Nhất là tại những nơi đời sống còn khó khăn, thì việc buộc phải có tài sản thế chấp mới có thể vay tiền được từ ngân hàng, đã khiến người dân buộc phải tìm đến tín dụng đen.