Nỗ lực số hoá di sản

Minh Quân 26/05/2021 06:28

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, việc số hoá các di sản cũng như các hiện vật trong bảo tàng đang là phương pháp hữu hiệu vừa phòng chống dịch, vừa lan toả các giá trị văn hoá, lịch sử đến cộng đồng.

Tái hiện dấu tích lịch sử

Sau thành công của sản phẩm phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột thời Lý (cuối năm 2020), mới đây dự án Sen Heritage đã tiếp tục cho ra mắt phỏng dựng Đài đền và Tu Di toà Thích Ca sơ sinh thời Lý. Theo đó, bản phỏng dựng này lấy cảm hứng từ những hiện vật khảo cổ kết nối với công nghệ thực tế ảo 3D-VR3D-VR để có thể đưa ra những phác thảo mô phỏng các di sản văn hóa thời Lý.

Thông qua bản phỏng dựng, người xem sau khi đeo kính với công nghệ thực tế ảo có thể nhìn thấy toàn bộ tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý ở chùa Diên Hựu. Thậm chí, người xem cũng có thể gỡ từng bộ phận cấu thành của hiện vật này để xem kỹ, hoặc đi vòng xung quanh.

Được biết, phỏng dựng dựa trên việc nghiên cứu các hiện vật khảo cổ như trụ đá Bách Thảo, chân đá chùa Phật Tích, đỉnh hoa sen tại Bảo tàng Bắc Ninh… Trong số đó, trụ đá Bách Thảo (Ngọc Hà, Hà Nội), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Còn trụ đá tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) đã mất, nhưng hiện còn ảnh chụp từ thời Pháp. Tuy nhiên, cả 2 hiện vật này đều đã bị mất phần tượng, gãy phần chân và phần ngọn.

Điều đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết phòng dựng gắn với nghi lễ tắm Phật trong lễ Phật đản sinh xuất hiện tại các di chỉ Phật giáo. Theo PGS.TS Trần Trong Dương, đại diện dự án Sen Heritage cho biết, từ quá trình khảo cứu, tiếp cận các “mảnh vỡ” lịch sử, nguồn sử liệu, kinh điển Phật giáo đã đưa ra một số nhận thực mới xung quanh hiện vật phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý rộng ra là nghi lễ tắm Phật trong văn hóa Phật giáo.

Cụ thể, theo PGS Trần Trọng Dương phân tích, ở góc độ sử liệu chữ viết cho thấy thời Lý đã có lễ tắm Phật ở các chùa hoàng gia như chùa Diên Hựu. Đây cũng là hoạt động thường xuyên không chỉ được thực hiện vào ngày Phật đản sinh 8/4 Âm lịch mà còn vào mùng 1 và 15 hàng tháng. Trong khi đó, ở góc độ sử liệu hiện vật, Tu Di đài với hình tượng song long là hình tượng đặc trưng của thời Lý cùng với hệ thống trang trí cửu sơn bát hải, biểu tượng cho 9 núi 8 biển trong thế giới quan Phật giáo và hoa sen. Đây là hiện vật song long phún thủy không theo mô-típ Cửu long phún thủy như ở nghệ thuật Đôn Hoàng, cũng không theo mô-típ Thánh mẫu Ma Da sinh hạ Đức Phật trong vườn cây theo nghệ thuật Phật giáo Nam Á…

“Việc phục dựng lại hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý sẽ gắn liền với việc phục dựng lại lễ tắm Phật ở tầm mức quốc gia, trong không gian cụ thể là Chùa Diên Hựu, sẽ góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa Đại Việt thời Lý, cũng như văn hóa Phật giáo đến với xã hội ngày nay” - PGS Trần Trọng Dương nói.

Nhân rộng cách làm

Có thể nói, việc tái hiện các hình ảnh trong lịch sử bằng công nghệ hiện đại đã đem lại những giá trị khác nhau cho công chúng. Đặc biệt, về mặt thị giác, công nghệ đem lại sức sống, hứng thú cho người dân khi tiếp cận các công trình, kiến trúc, hiện vật được tái hiện. Thực tế cho thấy việc áp dụng công nghệ, số hoá các di sản đã và đang được nhiều đơn vị, đặc biệt là các bảo tàng áp dụng trong những năm qua. Ở đó, nhờ ứng dụng công nghệ cao, các loại hình bảo tàng mới đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của khách tham quan, như bảo tàng kỹ thuật số, bảo tàng trực tuyến, bảo tàng mạng...

Ðồng thời, hoạt động của bảo tàng truyền thống cũng thay đổi mạnh mẽ như ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động, phim 3D... giúp không gian bảo tàng không bị bó hẹp giữa bốn bức tường, mà trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Có thể khẳng định, những ứng dụng của công nghệ số đã tạo sự thay đổi đáng kể, bảo tàng không còn là những gian trưng bày tĩnh với các hiện vật khô khan mà trở thành những tư liệu lịch sử sống động, hấp dẫn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam việc áp dụng công nghệ ở các bảo tàng vẫn còn là một khoảng cách lớn so với sự phát triển chung của công nghệ. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp thì những sản phẩm có chút “xưa cũ” này cũng phần nào giúp nhiều đơn vị không bị rơi vào cảnh “đóng băng”.

Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Đây là ứng dụng đa phương tiện (audio, text, ảnh chất lượng cao), trợ giúp người dùng tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp tại Bảo tàng.

Hơn cả một ứng dụng thuyết minh tự động thông thường, iMuseum VFA còn có những tính năng vượt trội như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định chính xác vị trí trưng bày hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc… với 9 ngôn ngữ gồm Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha, Italy và Đức.

Trước đó, ứng dụng thuyết minh cũng đã được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đưa vào sử dụng giúp giới thiệu những câu chuyện, hiện vật tiêu biểu, tạo điều kiện cho khách tham quan, đặc biệt là khách lẻ có thể chủ động tìm hiểu qua nhiều ngôn ngữ. Điều này cũng rất phù hợp trong bối cảnh các bảo tàng không thể sắp xếp đủ số lượng hướng dẫn viên các ngôn ngữ và cũng là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc do Covid-19.

Trước những khó khăn này, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan cho rằng, nếu mỗi ngành, đơn vị đứng riêng rẽ thì khó thực hiện, bởi sẽ gặp những vấn đề hoặc là về nghiên cứu, xây dựng nội dung, hoặc là về ứng dụng công nghệ, vận hành, khai thác, phát huy… Giải pháp hợp tác, chia sẻ cùng nhau sẽ khai thác tối đa được điểm mạnh, tiềm lực, tính chuyên nghiệp của mỗi bên, chuyên ngành để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh mà cụ thể ở đây là giữa bảo tàng với đơn vị chuyên môn về công nghệ và dịch vụ kết nối công chúng. Đây đang và sẽ là xu hướng tích cực để các bảo tàng nỗ lực ứng dụng công nghệ, hấp dẫn thu hút khách tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực số hoá di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO