Từ một người sống khép mình vì cánh tay bị khuyết tật bẩm sinh, Trần Thị Bảo Trân đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập, hoàn thiện bản thân.
Khuôn mặt khả ái, nụ cười tươi tắn và lối nói chuyện tự tin… là những điều người khác có thể dễ dàng cảm nhận được ở Trần Thị Bảo Trân (18 tuổi; trú tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Dẫu vậy, ít ai biết rằng, Trân từng có một quãng thời gian dài sống khép mình, thiếu tự tin trong giao tiếp với mọi người vì bản thân em có cánh tay phải bị khuyết tật bẩm sinh.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (50 tuổi, mẹ của Trân) cho biết, Trân là con gái út của bà và ngay từ khi sinh ra, cánh tay phải của em đã bị khuyết tật. Đến lúc đi học, Trân bị một số bạn bè trêu chọc vì cánh tay ấy khiến bà phải đến gặp và đề nghị giáo viên can thiệp để con gái mình có thể hòa nhập tốt hơn.
“Sau khi bị bạn bè trêu chọc, bất kể mùa đông hay mùa hè, Trân luôn dùng một chiếc áo khoác để che đi cánh tay khuyết tật và sống khép mình hơn. Đặc biệt là luôn trốn trong phòng khi nhà có khách”, bà Lệ kể lại.
Bước ngoặt đến với Bảo Trân lúc em học lớp 6. Khi ấy, cùng với sự giới thiệu của thầy cô, sự động viên từ gia đình, Trân trở thành vận động viên môn bơi của đoàn thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị.
“Lúc mới đi học bơi em gặp rất nhiều khó khăn, những lần bị chìm và uống nước, sặc nước nhiều vô kể. Khi ấy, em nản lắm và xuất hiện những suy nghĩ kiểu như đổ lỗi cho cánh tay phải của mình. Tuy vậy, nhìn thấy những vận động viên khác vẫn không ngừng tập luyện và có sự động viên của bố mẹ, của thầy cô may mắn em đã vượt qua quãng thời gian đầy khó khăn ấy”, Trân kể lại.
Sau khi bơi thành thục, Trân có chuyến xa nhà đầu tiên để cùng đoàn đi thi đấu tại TP Hồ Chí Minh. Trái với sự lo lắng ban đầu của bố mẹ, Trân gặt hái được rất nhiều từ chuyến đi này. Trong đó, em mang về cho mình và đoàn chiếc huy chương đồng. Đặc biệt, chuyến đi giúp Trân thay đổi cách nghĩ, lối sống của mình và trở nên tự tin hơn, cởi mở hơn trong quá trình giao tiếp với mọi người xung quanh.
Chia sẻ về điều này, Trân cho rằng, có lẽ việc được gặp, được thấy những vận động viên khác chấp nhận khuyết tật của bản thân, không ngừng nỗ lực vươn lên đã tiếp thêm động lực để em thay đổi chính mình.
Và, từ đó cho đến hết năm học lớp 12, Trân tham gia tất cả 5 giải bơi quốc gia dành cho người khuyết tật và 1 lần tham gia Hội khỏe Phù Đổng tại tỉnh Quảng Trị, mang về “bộ sưu tập” của mình 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng.
“Điều quan trọng nhất trong quá trình tham gia các cuộc thi đó không phải là giải thưởng mà chính là việc em và những người cùng cảnh ngộ nhận thức được giá trị của bản thân mình, chấp nhận bản thân, từ đó sống tích cực, lạc quan hơn”, Trân cho hay.
Chứng kiến con gái từng ngày hoàn thiện bản thân, ông Trần Văn Phóng (52 tuổi, bố của Trân) cho biết, với ông điều quan trọng nhất là thấy con cái của mình luôn vui vẻ, lạc quan và yêu đời. Do đó, ông dành sự tôn trọng cao nhất đối với mọi quyết định của Trân. Ông nói: “Tôi không cần Trân hay các con của mình phải làm “ông này bà nọ” hay phải giàu có, thành công mỹ mãn. Tôi chỉ cần các con mình luôn vui vẻ, biết yêu thương gia đình và là người có ích với xã hội là được rồi”.
Chia sẻ về học sinh của mình, cô Trần Thị Oanh (giáo viên chủ nhiệm 3 năm cấp III của Trân tại trường THPT thị xã Quảng Trị) cho hay, Trân là một trong số học sinh cô ấn tượng và yêu mến nhất. Cô Oanh đánh giá, Trân là học trò chăm ngoan, luôn vui vẻ, hòa đồng với các bạn, tham gia tích cực các hoạt động của lớp và có thành tích học tập cao.
Cô Oanh tin tưởng, với những tố chất đó Trân sẽ tiếp tục vươn lên và trở thành người có ích với cộng đồng. Đồng thời, chứng kiến sự nỗ lực của Trân trong suốt 3 năm liền, cô Oanh khẳng định, Trân là tấm gương sáng trong việc nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.
Trần Thị Bảo Trân kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với tổng điểm 43,95 điểm. Cụ thể, Toán 7,6 điểm; Tiếng anh 7,6 điểm; Giáo dục công dân 8 điểm; Ngữ văn 8,25 điểm; Lịch sử 6,5 điểm và Địa lý 6 điểm. Trong đó, với 23,45 điểm các môn khối D1, Bảo Trân hy vọng bản thân sẽ đủ điểm xét tuyển ngành tài chính ngân hàng của một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh.