Lợi dụng cách thức vay tiền online với quy trình dễ dàng, không cần thế chấp,… nhiều “con nợ” đã bày nhau các chiêu thức “quỵt” tiền của những ứng dụng này.
Dễ dàng quỵt nợ
Như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, thời gian qua, các loại hình “tín dụng đen” tiếp tục hoạt động rầm rộ núp bóng dưới hình thức vay tiền online. Theo đó, hàng loạt các ứng dụng cho vay tiền, vay nóng nở rộ trên các nền tảng di động.
Để có thể vay tiền trên các ứng dụng này, người vay chỉ cần thực hiện những thao tác hết sức đơn giản như cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân, thông tin người thân… và chọn mức vay cùng thời hạn vay là có tiền chuyển thẳng về tài khoản ngân hàng hoặc giao tiền mặt nhanh chóng.
Nhiều người dân “sập bẫy” trước những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như lãi suất thấp, kì hạn dài,… rồi trở thành con nợ khi liên tục lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ.
Thế nhưng, ở một diễn biến khác, hàng loạt các hội nhóm trên mạng xã hội với số lượng thành viên khổng lồ lại đang thi nhau chia sẻ những cách thức “quỵt nợ”, bùng tiền vay của “nhà cái”.
“Hội Bùng App Vay Tiền Online_ Chia Sẻ Cách Đối Phó Bùng App 2022”, “Hội Bùng App Vay Tiền Và Chia Sẻ Cách Đối Phó”… là những hội nhóm với trên 40 ngàn thành viên, hoạt động sôi nổi, thường xuyên đăng tải hàng chục bài chia sẻ mỗi ngày.
Theo đó, các mánh khoé bùng tiền vay cũng được chia sẻ công khai từ các thành viên trong nhóm. Lợi dụng quy trình xét duyệt hồ sơ lỏng lẻo, nhanh chóng của các app vay tiền online, người dùng bày nhau cách dùng giấy tờ giả, tài khoản mạng xã hội ảo và sim rác… để đăng kí.
“Mấy app kiểu này có máy xét duyệt tự động nên rất nhanh. Cứ làm giả hết thông tin cá nhân là có thể bùng được tiền”, tài khoản T.M. chia sẻ.
Đối với một số app xét duyệt kĩ càng hơn, yêu cầu cung cấp và thẩm định qua gọi điện với người thân, bạn bè, các “cao thủ” cũng có cách “luồn lách”.
Cụ thể, những người vay trong hội nhóm này sẽ tìm cách liên hệ, thuê nhau đóng vai người thân khi nhân viên bên app cho vay gọi kiểm tra chéo thông tin được cung cấp.
Đổi lại, người thuê phải chịu một khoản phí nhất định gọi là “tiền cà phê” cho những người được bên cho vay gọi thẩm định.
Đã thành một "nghề"
Cách làm này tương đối phổ biến, nhất là những đối tượng đã “thạo nghề”. Không ít người sau nhiều lần “nuôi app” vay tiền đã kiếm được một khoản tiền khá lớn. Chính họ cũng không ngại chia sẻ thành quả này lên nhóm để người khác học theo.
Một tài khoản có tên N.A. đăng tải: "Vừa húp được 10 triệu rồi anh em. Trước vay không dám quá hạn vì sợ bị phạt lãi cao. Giờ em ăn luôn cả app mà không sợ bị khủng bố điện thoại luôn. Ai có nhu cầu bùng app cứ liên hệ em...".
Tin rằng các app cho vay hoạt động không chính thống, không được pháp luật bảo hộ, thậm chí còn có thể bị công an xử lý bất cứ lúc nào, vậy nên dân vay bùng nợ cứ thản nhiên vay rồi không trả.
Các hình thức khủng bố đòi nợ được áp dụng phổ biến như gọi điện chửi bới, đăng hình lên mạng xã hội hay đe doạ, xúc phạm người thân,… cũng chẳng mảy may tác dụng gì.
Bên cạnh đó, sự nở rộ của các hội nhóm quỵt nợ này cũng kéo theo hàng loạt dịch vụ “đen” khác như nhận bùng app, làm giả giấy tờ, buôn bán sim rác, bán danh bạ giả,…
Theo đánh giá của luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hành vi vay tiền qua app rồi bùng nợ có thể xử lý theo tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 tuỳ vào số tiền người vay chiếm đoạt.