Nở rộ 'tín dụng đen' qua app

Hoàng Chiến 26/05/2022 07:25

Giải ngân đơn giản, nhanh chóng, tiện dụng, lãi suất thấp… Đó là cách các app vay tiền online quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Thế nhưng một khi “con mồi” đã sập bẫy, khó có thể nhanh chóng thoát ra.

Vô số các app cho vay trên internet.

Thủ đoạn tinh vi

Hoạt động “tín dụng đen” đến nay đã không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, loại hình này đã có những biến tướng tinh vi nhằm lách luật, né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Một trong những hình thức phổ biến được sử dụng là núp bóng “tín dụng đen” dưới hình thức các app cho vay, hoặc cho vay trực tuyến trên các hội nhóm, mạng xã hội. Theo đó, hàng loạt các ứng dụng cho vay tiền, vay nóng nở rộ trên các nền tảng di động.

Để có thể vay tiền trên các ứng dụng này, người vay chỉ cần thực hiện những thao tác hết sức đơn giản như cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân, thông tin người thân…và chọn mức vay cùng thời hạn vay là có tiền chuyển thẳng về tài khoản ngân hàng hoặc giao tiền mặt nhanh chóng.

Đáng nói, các app này được quyền truy cập vào danh bạ, tin nhắn, nhật kí cuộc gọi, thậm chí cả mạng xã hội của người vay. Bởi vậy, nếu không trả tiền đúng hạn hoặc không liên lạc được, các đối tượng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn “khủng bố” nạn nhân hoặc những người thân, bạn bè dù không liên quan đến khoản vay này.

Thời gian gần đây cơ quan chức năng cũng liên tục ghi nhận những vụ việc liên quan đến hành vi đòi nợ của “tín dụng đen”.

Nhập nhằng ở chỗ, các app cho vay theo kiểu “tín dụng đen” này thường không rõ nguồn gốc, có yếu tố nước ngoài nhưng lại tồn tại song song với các app của những công ty tài chính, ngân hàng uy tín khác khiến người dùng rất khó phân biệt.

Theo đó, các đối tượng này lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến nhưng thực chất là núp bóng để hoạt động “tín dụng đen”. Chưa kể, các ứng dụng này cũng thường xuyên đổi tên, ẩn thông tin để qua mắt cơ quan chức năng.

Ngoài ra, giữa các ứng dụng này có sự liên kết chặt chẽ với các công ty, cửa hàng cầm đồ, đòi nợ thuê nhưng hoạt động dưới dạng tư vấn tài chính, tư vấn luật,… để sẵn sàng “vào việc” nếu “con mồi” chưa trả được tiền vay đúng hạn.

Mặc dù số lãi suất công bố thấp, tuy nhiên các app này tìm đủ mọi cách “lách luật”, thu thêm các loại phí hoặc tiền phạt trái luật để nâng lãi suất lên mức cắt cổ. Người dùng một khi đã sập bẫy sẽ khó lòng mà thoát ra do lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ, phạt chồng phạt…

Khốn đốn vì trót vay

Mới đây, vào ngày 25/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia. Gần 300 nghi phạm ở khắp cả nước bị triệu tập, trong đó có nhiều người nước ngoài.

Theo điều tra ban đầu, người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân sau đó dùng danh bạ điện thoại làm tài sản thế chấp, gửi online qua app. Thủ tục đơn giản nhưng khách hàng có thể vay từ 2-30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết giấy tờ vay nợ.

Ngay sau khi giải ngân, nhóm cho vay sẽ thu ngay tiền lãi, còn tiền gốc người vay sẽ phải trả trong 3-5 ngày. Trường hợp không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên để tính với mức lãi suất “cắt cổ”, hơn 2.000%/năm.

Trong trường hợp người vay tiền không có khả năng thanh toán, nhóm cho vay sẽ chỉ đạo bộ phận đòi nợ nhắn tin, gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần họ và người thân cùng các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại. Nhiều trường hợp, chúng cắt ghép hình ảnh của người vay rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, ép nhanh trả nợ.

Trước đó không lâu, hàng chục giáo viên của một trường mẫu giáo tại xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã bị một số đối tượng khủng bố tinh thần bằng cách đăng hình ảnh lên mạng xã hội rồi vu khống, bêu rếu, xúc phạm danh dự vì một cô giáo trong trường vay tiền qua app online nhưng chưa trả nợ.

Đáng nói, không chỉ giáo viên, nhiều học sinh và con em của các giáo viên tại trường cũng bị nhóm nghi phạm này nhắm tới để quấy rối, gây áp lực. Thậm chí, một số em nhỏ còn bị nhóm đối tượng này lấy hình ảnh đăng kèm cáo phó lên mạng xã hội khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, vay tiền qua app online thực chất là một hoạt động cho vay tín chấp. Với ưu điểm là việc cài đặt, sử dụng và vay vốn vô cùng đơn giản, hình thức này ngày càng trở nên phổ biến, dễ tiếp cận khi hàng loạt các trang quảng cáo, giới thiệu với câu từ hấp dẫn.

Chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, người dùng dễ dàng tìm kiếm từ khóa “ứng dụng cho vay”, hàng nghìn trang web và các ứng dụng vay tiền sẽ xuất hiện. Đặc biệt, người vay không phải cung cấp bất cứ tài sản đảm bảo nào mà việc cho vay chỉ dựa trên uy tín của người vay tiền về thu nhập và khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, dưới sự phát triển của công nghệ 4.0, hàng loạt các ứng dụng cho vay tiền “núp bóng” “tín dụng đen” đang ngày càng biến tướng và hoạt động tinh vi với nhiều hình thức cho vay tiền online với lãi suất cao. Việc này kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Khi người vay không trả được nợ do lãi suất cao, lãi mẹ đẻ lãi con, các tổ chức cho vay sẽ tiến hành đòi nợ bằng nhiều hình thức như gọi điện thoại cho người thân, bạn bè của người vay để uy hiếp, đe dọa, gây sức ép và yêu cầu những người quen biết phải tác động đến người vay tiền để chuyển tiền trả nợ cho chúng, nhiều trường hợp bị ép đến mức muốn tự tử,...

“Pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể chế tài xử phạt áp dụng đối với các hành vi này. Tùy vào tính chất, mức độ mà người thực hiện hành vi có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự” - luật sư Tiền nói và cho biết thêm, “tín dụng đen” gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến bản thân người vay, đồng thời ảnh hưởng đến xã hội nói chung. Chính vì thế, phải có các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.

“Trước tiên, người dân cần cảnh giác cao độ trước những lời mời gọi, quảng cáo rầm rộ liên quan đến vay vốn, lập thẻ tín dụng không cần kiểm tra xác minh tài chính cố định, thủ tục nhanh gọn ở tờ rơi, tin rác, mạng xã hội… Đồng thời kiểm tra, tìm hiểu kỹ về tổ chức cho vay vốn đó trước khi quyết định vay tiền.

Trường hợp nếu đã “lỡ” vay thì cần bình tĩnh và áp dụng hướng xử lý phù hợp như thu thập đầy đủ các bằng chứng liên quan đến hành vi cho vay ‘tín dụng đen” và gửi đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo hoặc gọi điện đến các đường dây nóng để tố cáo về hành vi cho vay lãi suất cao.

Đồng thời, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng cần hết sức chú trọng khâu thực thi cơ chế, chính sách; tập trung xóa điểm nghẽn, phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức tài chính, hiệp hội ngành nghề; triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý mạnh đối với hành vi “tín dụng đen”", luật sư Tiền cho biết.

Bên cạnh đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác giám sát, quản lý nhằm kịp thời phát hiện và xử lý mạnh tay hơn nữa những cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ “tín dụng đen”. Đồng thời đề xuất ban hành các chế tài xử phạt đủ sức răn đe, ngăn chặn kinh doanh và hoạt động “tín dụng đen”.

Luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội):

Cho vay nặng lãi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Các cá nhân, tổ chức có quyền kinh doanh dịch vụ tài chính, sử dụng các ứng dụng vay tiền khi có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, việc các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ cho vay tiền qua các ứng dụng với lãi suất cao (so với mức lãi suất cao nhất được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 là 20%/năm) mà không đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự là hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Căn cứ theo điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự khi có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Cụ thể, căn cứ Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, nếu cá nhân, tổ chức có hành vi cho vay với lãi suất cao gấp 5 lần mức lãi suất 20%/năm, tuỳ vào số lợi bất chính thu được từ hành vi này, mà người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù cao nhất lên đến 3 năm.

Bên cạnh đó, nếu có các tình tiết khác như dùng vũ lực, đe dọa để người vay tiền trả nợ… thì người có hành vi vi phạm còn có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích hoặc các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nở rộ 'tín dụng đen' qua app

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO