Nợ xấu phình to, nguy cơ bào mòn lợi nhuận ngân hàng

Lê Trang (Tổng hợp) 04/05/2023 17:52

Kết thúc quý I/2023, lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng kèm theo đó nợ xấu cũng đang phình to.

Đơn cử tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lợi nhuận trong quý đầu năm dù vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu toàn ngành nhưng chất lượng tín dụng đã có sự suy giảm.

Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất của Vietcombank quý I/2023 tăng gần 13% so với cùng kỳ, đạt 11.221 tỷ đồng trước thuế và 8.992 tỷ đồng sau thuế. Với mục tiêu tăng tối thiểu 15% lợi nhuận trước thuế so với năm 2022, ước khoảng 43.000 tỷ đồng, Vietcombank đã hoàn thành 26% kế hoạch năm 2023.

Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng tính đến thời điểm ngày 31/3/2023 cũng tăng mạnh hơn 27% so với hồi cuối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đã tăng từ mức 319% hồi đầu năm lên gần 321% tại thời điểm kết thúc quý I, tức với mỗi 100 đồng nợ xấu, ngân hàng có 321 đồng dự phòng rủi ro. Đây cũng là mức bao phủ cao nhất ngành ngân hàng hiện nay.

Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), một trong những ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý I, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng mạnh đến 84% chỉ trong 3 tháng đầu năm lên mức 2.497 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn 3,1 lần lên mức 1.199 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp rưỡi lên 764 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ 5,5% lên hơn 533 tỷ đồng.

Lợi nhuận của TPBank trước và sau thuế lần lượt đạt 1.765 tỷ đồng và 1.413 tỷ đồng, tăng 8,7% so với quý I/2022.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lợi nhuận và số dư nợ xấu cùng tăng vọt sau. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.

Số dư nợ xấu tại BIDV cũng lên tới 24.728 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cuối năm 2022; trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh nhất với mức 127% lên thành 7.145 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 59% lên 4.283 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13% lên 13.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.

So với năm 2022, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng lên gần 1,76% so với mức chỉ hơn 1% của cuối năm trước. Dù vậy, thu nhập lãi thuần tại MB quý này vẫn tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ giúp tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt trên 11.900 tỷ đồng, tăng 2,5%. Thêm nữa, chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ giảm 13% so với cùng kỳ. Do đó, MB vẫn lãi trước thuế gần 6.512 tỷ đồng và sau thuế là hơn 5.205 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với quý I/2022.

Báo cáo tài chính quý I/2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho thấy lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng đạt hơn 4.100 tỷ đồng trong khi hoạt động kinh doanh của Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit không sinh lời.

Đối với ngân hàng mẹ, thu nhập từ phí tiếp tục gia tăng trong cơ cấu doanh thu trong nhiều quý liên tiếp, khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý I tăng tới 44% so với cùng kỳ với động lực tăng trưởng chính đến từ nguồn thu từ thẻ tăng 31% so với cùng kỳ; trong đó, doanh số giao dịch thẻ tín dụng tăng hơn 70% so với cùng kỳ và số lượng thẻ phát hành tăng hơn 46%.

Cùng với đó, VPBank đã gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro cho các kịch bản bất lợi, với chi phí dự phòng tăng so với cùng kỳ khoảng 21% tại ngân hàng mẹ và gần 55% tại ngân hàng hợp nhất. Khoản chi phí này dự kiến sẽ được bù đắp khi thị trường chuyển biến tích cực, cải thiện năng lực trả nợ của khách hàng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) báo lãi hơn 5.980 tỷ đồng trước thuế và hơn 4.800 tỷ đồng sau thuế, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 7,8% so với cuối năm trước, vượt 17.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tại VietinBank tăng gấp đôi so với cuối năm 2022, từ mức 2.261 tỷ đồng lên hơn 4.565 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,24% lên gần 1,28%.

Tuy chỉ là một vài lát cắt nhỏ trong bức tranh kinh doanh ngân hàng quý đầu năm nhưng những số liệu trên đây phần nào đã phản ánh chất lượng tài sản ngân hàng đang có tín hiệu suy giảm, nợ xấu vẫn "chực chờ" bào mòn lợi nhuận ngân hàng.

[Thêm ngân hàng First Republic Bank của Mỹ phá sản]

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ xấu phình to, nguy cơ bào mòn lợi nhuận ngân hàng