Ngày 6/9, tại Lễ trao 10.000 suất cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19, nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đã phát động Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” và kêu gọi sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ hoạt động thiện nguyện này để hòa cùng chương trình “Triệu suất quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid -19”, thiết thực hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nối dài thêm những vòng tay nhân ái, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp yêu thương, đùm bọc để cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Lan tỏa mạnh mẽ thông điệp yêu thương
Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” do Báo Đại Đoàn Kết phát động nhằm thực hiện chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến với mục tiêu tiếp sức các nhóm thiện nguyện, trong đó, hoạt động đầu tiên là hỗ trợ 10.000 suất cơm cho khoảng 3.000 người nghèo, người yếu thế, người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội.
Phát động chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid -19”, nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ, Việt Nam đang đối mặt đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 chưa có tiền lệ trong lịch sử. Làn sóng đại dịch lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người nghèo, đặc biệt người nghèo thành thị, người vô gia cư, người mắc bệnh nan y, lao động tự do…
“Các thành phố lớn đóng cửa, cửa hàng cơm cũng dừng hoạt động. Bữa cơm lót dạ qua ngày đang trở thành nỗi quan tâm đặc biệt của những người lao động nghèo. Để có cơm ăn hằng ngày đối với người yếu thế trong xã hội, vốn có cuộc sống bấp bênh, ngày bình thường đã chẳng dễ gì nên trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành lại trở nên khốn khó hơn”, nhà báo Lê Anh Đạt bày tỏ.
Cùng với việc kêu gọi toàn dân đoàn kết chống dịch, trong thời gian qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã huy động được nguồn lực lớn từ trong và ngoài nước để tiếp sức, hỗ trợ kịp thời người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như góp sức cùng Chính phủ mua vaccine, tiêm kịp thời cho nhân dân. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến nhiều điểm nóng chống dịch Covid-19 từ khi dịch bùng phát đến nay nên càng thấu hiểu khó khăn của người dân.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã giao Báo Đại Đoàn Kết huy động nguồn lực, triển khai chương trình tiếp sức người yếu thế đang vật lộn trong khó khăn. Thực hiện chỉ đạo này, Báo Đại Đoàn Kết đã phát động Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” và bắt đầu bằng việc trao 1.000/ 10.000 suất cơm đầu tiên đến những người đang khó khăn ở địa bàn TP Hà Nội, từ ngày 4 đến ngày 5/9/2021.
Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt cho biết, chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” được Báo Đại Đoàn Kết chính thức phát động ngày 6/9/2021 sẽ phối hợp với chính quyền địa phương; các tổ, nhóm tình nguyện thực hiện cho đến khi nước ta khống chế được dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường. Báo sẽ liên tục kêu gọi, huy động nguồn lực từ các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để cùng chính quyền các địa phương; các tổ, nhóm tình nguyện chăm lo cho người nghèo.
Nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định, ngoài câu chuyện nhường cơm sẻ áo, Báo Đại Đoàn Kết mong muốn qua chương trình sẽ khơi dậy, lan tỏa những giá trị truyền thống của người Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, thương yêu, hy sinh vì nhau mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Nhà báo Lê Anh Đạt: Không ai ở ngoài cuộc chiến với dịch bệnh
Việt Nam đang đối mặt đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 chưa có tiền lệ trong lịch sử. Ở ngoài kia, nơi ác liệt nhất của cuộc chiến, các chiến sỹ, cán bộ y tế và các lực lượng chống dịch đang phải hy sinh quá nhiều, thậm chí dùng cả mạng sống bảo vệ bình yên cho chúng ta. Chúng ta đang được sống trong ngôi nhà của mình, còn có cơm ăn mỗi ngày đã là hạnh phúc trong thời điểm này. Nếu có chút dư giả, hãy sẻ chia với cộng đồng trong lúc hoạn nạn. Mỗi người, mỗi nhà chẳng thể bình an nếu cộng đồng gặp nguy hiểm. Chúng ta phải cùng nhau, không ai ở ngoài cuộc chiến cam go này.
Gần 1 tỷ đồng ủng hộ chương trình
Để chuẩn bị cho hoạt động ý nghĩa này, ngay từ đầu tháng 9, báo Đại Đoàn Kết đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ chương trình và nhận được nhiều nghĩa cử nhân ái, hỗ trợ kịp thời.
Trực tiếp trao số tiền ủng hộ chương trình tới Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Đại Huệ - Đại diện Công ty Cổ phần quốc tế Bảo Hưng cho biết, chúng tôi đánh giá cao hoạt động ý nghĩa này. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, những người yếu thế trong xã hội vốn đã có cuộc sống bấp bênh sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều.
“Mong rằng qua chương trình này, Báo Đại Đoàn Kết sẽ khơi dậy, lan tỏa tinh thần đoàn kết, tình nghĩa đồng bào để mọi người cùng gắn bó, sẻ chia lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn” ông Nguyễn Đại Huệ chia sẻ và cam kết dù công việc kinh doanh cũng đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng với trách nhiệm xã hội, công ty sẽ luôn sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ bé để cùng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, cùng đóng góp để đảm bảo xã hội không có người thiếu ăn, thiếu mặc.
Có mặt tại buổi lễ tiếp nhận, chị Nguyễn Hoài Sương, đại diện Bếp ăn 0 đồng – một trong những nhóm thiện nguyện cùng phối hợp với báo Đại Đoàn Kết thực hiện chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, chia sẻ, ý tưởng bếp ăn 0 đồng là từ khi Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách, chị cùng những người bạn nghĩ rằng thời điểm này người lao động bị kẹt lại, người vô gia cư... là những người cần đồ ăn mỗi ngày nhất. Và Bếp 0 đồng ra đời từ đó. Những ngày đầu tiên bếp chỉ nấu được 50-70 suất nhưng với những sự giúp đỡ, kết nối từ nhiều tình nguyện viên, số lượng các suất ăn cũng tăng dần.
Trước đó, trong hai ngày 4,5/9, Báo Đại Đoàn Kết đồng hành cùng với Bếp ăn 0 đồng của chị Nguyễn Hoài Sương đã trao 1.000 suất ăn đầu tiên cho người nghèo, người vô gia cư trên địa bàn TP. Hà Nội.
Chị Nguyễn Hoài Sương cho biết, chỉ trong 2 ngày đầu tiên kết hợp với báo Đại Đoàn Kết thực hiện chương trình “10.000 suất cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, bếp ăn 0 đồng đã làm được 500 suất ăn mỗi ngày – con số gấp đôi ngày thường. Đặc biệt, những suất ăn vẫn đảm bảo chất lượng, bởi đây là sự sẻ chia với những người vô gia cư, sẻ chia sự khó khăn trong đại dịch.
“Hy vọng, bếp sẽ được đồng hành cùng với báo Đại Đoàn Kết trong suốt chương trình “10.000 suất cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, qua đó đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào những hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa” chị Sương bày tỏ.
Tại chương trình, quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt cũng thông báo, chỉ sau 3 ngày phát động, Ban tổ chức đã nhận được sự ủng hộ tiền, hiện vật, thực phẩm, ước khoảng 50.000 suất cơm, trị giá gần 1 tỷ đồng, vượt xa con số dự tính ban đầu là 10.000 suất cơm. Hiện chương trình đang lan tỏa mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đăng ký đồng hành và con số ủng hộ sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Toà soạn Báo Đại Đoàn Kết 66 Bà Triệu, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đường dây nóng tiếp nhận hiện vật: 0988185528. Tài khoản tiếp nhận: 112000132970, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- Chi nhánh TP Hà Nội. Chủ tài khoản: Báo Đại Đoàn Kết. Danh sách tổ chức, cá nhân ủng hộ sẽ được công khai trên Báo Đại Đoàn Kết. Chúng tôi cam kết sử dụng kịp thời, đúng mục đích, minh bạch các nguồn lực đã kêu gọi ủng hộ từ quý đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội: Nhân lên mô hình của Báo Đại Đoàn Kết
Hà Nội hiện đã qua gần 2 tháng giãn cách xã hội. Thành phố là địa bàn có lượng người nhập cư cao, trong đó, có không ít người không đăng ký tạm trú, người vô gia cư. Các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể của thành phố đã nỗ lực hết sức mình để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, tuyên truyền vận động phòng chống dịch và bảo đảm an sinh cho mọi đối tượng yếu thế trong xã hội. Song, thời gian giãn cách kéo dài, số người gặp khó khăn khá lớn, nhất là người thuê trọ, lao động tự do, người lang thang cơ nhỡ, sinh viên và người nước ngoài đang theo học tại nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Hà Nội còn đó những xóm trọ nghèo bên bãi Phúc Xá, xóm nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng, xóm chạy thận… hay những người ngoại tỉnh lên thành phố chữa bệnh mắc kẹt chưa thể trở về. Nhiều người đã cạn kiệt tài chính, cuộc sống những ngày này chủ yếu dựa vào sự trợ giúp của đoàn thể, cộng đồng, nếu không sẽ bị đứt bữa.
Do đó, chúng tôi rất xúc động khi biết Báo Đại Đoàn Kết tổ chức một hành trình thiện nguyện với 10.000 suất cơm đến người nghèo, người vô gia cư, người có hoàn cảnh ngặt nghèo trong đại dịch. Các suất cơm đều được nấu đủ dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những bữa cơm ấm tình sẽ góp phần giúp những mảnh đời khó khăn vững vàng tâm lý để vượt qua đại dịch. Tôi mong rằng, sẽ có thêm nhiều cơ quan, đoàn thể khác tham khảo, học hỏi mô hình của Báo Đại Đoàn Kết để tổ chức tiếp các hoạt động thiện nguyện, qua đó “phủ sóng” tới mọi đối tượng cần trợ giúp.
Ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Đại biểu Quốc hội khóa XV: Chúng tôi sẽ phối hợp với Báo Đại Đoàn Kết
Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” do Báo Đại Đoàn Kết phát động là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp người nghèo, người yếu thế vượt qua khó khăn trong đại dịch. Thời gian qua và kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội giúp người nghèo bằng nhiều việc làm cụ thể. Mặt trận các cấp đã xây mới và sửa chữa hàng ngàn ngôi nhà, hỗ trợ hộ nghèo cây giống phát triển sản xuất, trao tặng bò để chăn nuôi… Đặc biệt, những bữa cơm đại đoàn kết đã được Mặt trận các cấp phối hợp với các tổ chức, đoàn thể triển khai để giúp người dân, cán bộ, chiến sĩ ở các khu cách ly, các chốt trực phòng, chống dịch Covid-19.
Với vai trò kết nối, lan tỏa của Mặt trận các cấp nói chung và Báo Đại Đoàn Kết nói riêng, tôi tin chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” sẽ nhận được sự đồng tình hưởng ứng, chung tay của các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể và nhà hảo tâm. “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tôi tin rằng, “Cơm cho người nghèo” không chỉ giúp người nghèo, người yếu thế ấm lòng trong khó khăn mà đó còn là tình người nương tựa vào nhau cùng vượt qua đại dịch Covid-19.
Phát huy tinh thần đoàn kết “nhường cơm sẻ áo”, Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình sẽ sẵn sàng phối hợp cùng Báo Đại Đoàn Kết triển khai hiệu quả chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” để không ai bị đói, không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là khi mùa mưa lũ đang đến gần.
Nguyễn Phượng - Quảng Nghĩa (ghi)