Đây là một trong nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Nhiều thủ tục được cắt giảm
Đối với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất, Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi và bổ sung như sau: Người SDLĐ đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 1/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 1/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì NLĐ và người SDLĐ được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết, nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.
Đối với chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương, Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi: NLĐ làm việc theo HĐLĐ, đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương; có thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thuộc một trong các trường hợp sau: Phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; do người SDLĐ tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.
Bỏ điều kiện nợ xấu đối với DN vay trả lương ngừng việc
Tiếp thu và điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 đã bỏ điều kiện nợ xấu tín dụng trong quy định về chính sách cho vay trả lương ngừng việc. Theo đó, tại điểm a khoản 11 Mục II sửa đổi, bổ sung như sau: Người SDLĐ được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc liên tục từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại khoản 3, Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số NLĐ theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Tại điểm b, khoản 11, Mục II sửa đổi, bổ sung như sau: Người SDLĐ phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; người SDLĐ có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg và người SDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho NLĐ.
Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số NLĐ đang làm việc theo HĐLĐ và đang tham gia BHXH bắt buộc theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Bổ sung đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật
Nghị quyết 126/NQ-CP bổ sung: Người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 5 và khoản 6, Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) hoặc cách ly y tế theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (F1) thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021”.
Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế; hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.