Là phường đã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên hơn 10 năm qua, người dân sinh sống tại các phường An Hưng và Đông Quang, TP Thanh Hóa vẫn phải sống trong tình trạng cực khổ do sự xuống cấp nghiêm trọng của Quốc lộ 47 – đoạn chạy qua 2 phường gây ra.
“Vừa tắm xong đã bẩn”
Trong tâm trạng bức xúc, anh Lê Như Đông, một người dân trú tại phố Tây Sơn, phường An Hưng, TP Thanh Hóa cho biết: Tình trạng xuống cấp hư hỏng của tuyến đường Quốc lộ 47 – đoạn chạy qua phường đã diễn ra trong nhiều năm qua.
Hàng ngày, từ buổi tinh mơ tới đêm khuya, hàng đoàn xe trọng tải lớn vận chuyển đá vào ra các cụm khu công nghiệp Vức, Nhồi (đóng trên địa bàn phường An Hưng) gầm rú. Mặt đường nhiều đoạn giăng mắc các loại ổ trâu, ổ voi. Trời mưa, thì các ổ voi này tạo thành những hố nước lớn, chúng như những chiếc bẫy giao thông chờ sẵn, khiến các phương tiện tham gia giao thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Trời nắng, theo sau những những vòng quay của bánh xe là bụi bẩn, tiếng ồn ùa vào bao phủ khắp các khu dân cư.
Thành thông lệ, mỗi ngày anh Đông đều phải cùng các thành viên trong gia đình chia nhau lau nhà cửa đến 4 – 5 bận để đối phó với bụi. “Thức dậy mở mắt ra là bụi. Bụi phủ kín mái nhà, cây cối hoa màu, bụi xộc vào nhà phủ lên bàn ghế, cốc chén, bát đĩa. Thậm chí vào mùa nắng kéo dài, buổi chiều tắm xong ngồi hóng gió bên hiên, chỉ một lúc lại thấy bụi nhuộm từ đầu đến chân. Rất khủng khiếp, hầu hết người già và trẻ nhỏ trong khu phố đã mắc các chứng bệnh về đường hô hấp”, anh Đông nói.
Đúng như những điều mà người dân phố Tây Sơn đã phản ánh. Theo quan sát của chúng tôi: Dọc trên tuyến Quốc lộ 47 đoạn chạy qua phường An Hưng, các khu dân cư đều bị phủ bởi một lớp bụi trắng đậm đặc. Trên đường liên tục có những đoàn xe tải lớn chở đất, đá lặc lè qua lại như mắc cửi. Các phương tiện tham gia giao thông trên cùng trục đường như xe máy, xe đạp phải hết sức vất vả khi vừa phải thận trọng né những ổ trâu, ổ voi trên mặt đường, vừa phải tránh va chạm với các xe tải đang hùng hổ lao đi.
Kêu nhưng không thấu
Vì sao một phường nông thôn mới nằm ngay trong lòng thành phố lại để tình trạng nói trên kéo dài trong suốt nhiều năm qua? Đem vấn đề này gặp ông Lê Huy Dần, Trưởng khu phố Tây Sơn, phường An Hưng, chúng tôi được biết: Tuyến đường Quốc lộ 47 chạy qua phường An Hưng và Đông Quang có chiều dài khoảng 3,8km, nối từ ngã ba Nhồi (phường An Hưng) đến ngã tư Voi (phường Đông Quang).
Do chạy qua 2 cụm công nghiệp chế tác và sản xuất đá mĩ nghệ là Nhồi và Vức nên lưu lượng xe có trọng tải lớn qua lại là rất lớn, khiến tuyến đường bị hư hỏng nặng. Năm 20014, sau khi có nhiều kiến nghị của bà con sinh sống hai bên trục đường, Nhà nước đã quyết định đầu tư nâng cấp và kiên cố hóa toàn tuyến.
Dự án do Tổng cục Đường bộ II làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành thì được bàn giao lại cho Công ty 472 quản lý, duy tu bảo dưỡng. Đến năm 2020 đoạn Quốc lộ này được UBND TP Thanh Hóa đổi tên thành đường Trịnh Huy Quang.
Cũng theo ông Dần, có thể việc liên tục chuyển giao cơ quan quản lý đã khiến công tác kiểm soát cũng như duy tu bảo dưỡng tuyến đường bị xem nhẹ, thậm chí là bỏ bê mới dẫn đến thực trạng xuống cấp như hiện nay.
“Hầu như năm nào chúng tôi cũng có ý kiến kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương, với mong muốn nhà nước có giải pháp tháo gỡ để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, sau mỗi lần bà con ý kiến lại thấy có vài đoàn về đo đạc, kẻ vẽ rồi đi, mọi việc vẫn đâu lại vào đấy, không có gì khác”, ông Dần bức xúc nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Bá Bình, Chủ tịch UBND phường An Hưng cho biết: Vì đây là tuyến Quốc lộ thuộc Trạm 472 quản lý, nên việc sửa chữa, nâng cấp tuyến đường không thuộc chức năng của chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc trong một thời gian dài, tuyến đường không được quan tâm, sửa chữa. “Không chỉ có người dân mà chính quyền phường An Hưng cũng đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, đề nghị đơn vị chủ quản sớm có phương án xử lý.
Mới đây nhất, vào cuối năm 2020, sau khi nhận nhiều ý kiến phản ánh của chính quyền và người dân địa phương, Trạm quản lý đường bộ 472 đã cho cán bộ kỹ thuật về kiểm tra, đo vẽ thực địa để lập dự án nâng cấp. Tuy nhiên cũng từ đó đến nay, mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở việc đo vẽ”, ông Bình khẳng định.