Năm 2024, trên thế giới, số người mắc bệnh đái tháo đường đã tăng lên hơn 463 triệu người, trong đó hơn 50% chưa được chẩn đoán, dẫn đến các nguy cơ biến chứng chưa được kiểm soát. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh nằm trong khoảng 6-7%, nghĩa là hơn 6 triệu người đang sống với bệnh này.
Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới, cứ 10 người trưởng thành trên thế giới thì có một người mắc bệnh đái tháo đường. Đến năm 2045, dự báo của IDF cho thấy cứ 8 người trưởng thành thì có 1 người mắc đái tháo đường, khoảng 783 triệu người mắc đái tháo đường, tăng 46%. Đáng chú ý, có tới 50% số người mắc đái tháo đường không biết rằng mình đang mắc bệnh.
Cũng theo IDF cứ 5 giây trên thế giới lại có 1 người chết vì bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, đái tháo đường ngày càng trẻ hóa và là nguyên nhân gia tăng nguy cơ mắc bệnh mắt ở người trẻ, bởi bệnh đái tháo đường càng khởi phát sớm thì người bệnh càng có nguy cơ bị các vấn đề thị lực sớm hơn và nghiêm trọng hơn.
Hơn 90% người mắc bệnh đái tháo đường mắc bệnh đái tháo đường type 2, nguyên nhân là do các yếu tố kinh tế - xã hội, nhân khẩu học, môi trường và di truyền. Những yếu tố chính góp phần làm gia tăng bệnh đái tháo đường type 2 bao gồm đô thị hóa, dân số già, giảm mức độ hoạt động thể chất, gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương ở nhóm người trưởng thành từ 30-69 tuổi, tỷ lệ đái tháo đường là 2,7% vào năm 2002 đã tăng lên 5,4% năm 2012 và 7,3% vào năm 2020. Tỷ lệ có dấu hiệu tiền đái tháo đường là 17,8%.
Theo PGS.TS Đỗ Trung Quân - Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội, có gần 2 triệu người mắc đái tháo đường ở Việt Nam vẫn chưa được chẩn đoán, dẫn đến việc không nhận được điều trị kịp thời. Đáng lo ngại hơn khi tại Việt Nam, đái tháo đường đang trẻ hóa với tốc độ rất nhanh. Thực tế đã ghi nhận rất nhiều người ở độ tuổi 25-30, thậm chí là tuổi vị thành niên đã mắc đái tháo đường mà không hay biết.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy, tình trạng người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường type 1 nhập viện điều trị khá thường xuyên, chủ yếu là những bệnh nhân trẻ tuổi, nhiều trường hợp chưa thành niên.
Còn đối với đái tháo đường type 2, TS.BS Lâm Mỹ Hạnh - Phó trưởng Khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, đái tháo đường type 2 trước đây thường được biết đến là căn bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của xã hội, tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường chiếm khoảng từ 20-30% trong tổng số các bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện.
“Người trẻ mắc bệnh đái tháo đường nhiều vì thói quen ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh. Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường type 2 ở người trẻ thường là có thể trạng thừa cân, béo phì. Có yếu tố gia đình, có thành viên trong nhà như bố, mẹ, anh em mắc đái tháo đường. Có lối sống lười vận động và ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, giàu năng lượng” – BS Hạnh lý giải.
BS Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa Nội tiết - Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Khi bệnh không kiểm soát được và theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu. Tuy nhiên, có thể giảm tác động của bệnh đái tháo đường bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán sớm và chăm sóc thích hợp.
Theo chuyên gia, giảm trọng lượng cơ thể là cách đơn giản nhất để phòng ngừa bệnh đái tháo đường bởi lẽ những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao nhất mắc căn bệnh này. “Ngay cả đối với bệnh đái tháo đường type 2, chúng ta cũng có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm cân. Điều quan trọng là kiểm soát được lượng calo bổ sung vào cơ thể mỗi ngày và chăm chỉ tập luyện thể thao đều đặn” – BS Tuấn khẳng định.
Chuyên gia khuyến cáo, việc bổ sung nhiều rau xanh thường xuyên là cách đơn giản nhất để phòng tránh bệnh đái tháo đường. Đây cũng là cách hữu hiệu để giảm cân nặng, giữ lượng đường trong máu được ổn định.
Đặc biệt, người dân cần hạn chế sử dụng thức ăn nhanh bất cứ lúc nào có thể. Bên cạnh đó, uống rượu quá nhiều gây ra chứng bệnh mỡ trong máu cao, chủ yếu cải biến thành triacylglyceride và protein mật độ thấp trong máu. Về mặt lâm sàng chứng minh được, người uống rượu không chỉ làm cho mỡ máu tăng cao mà còn duy trì trong thời gian dài. Đối với những bệnh nhân điều trị bằng insulin uống rượu khi đói bụng dễ gây ra đường máu thấp. Cần gia tăng hoạt động thể lực, cụ thể là chơi thể thao hơn 30 phút trong ngày; xét nghiệm máu định kỳ và làm theo những lời khuyên của bác sĩ để phòng bệnh tốt nhất.