Hàng năm vào mùa mưa lũ, người dân sinh sống dọc ven sông Thu Bồn, đoạn chảy qua huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) lại lo sạt lở bờ sông.
Ông Trần Phú (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) cho biết: “Trước đây vườn nhà tôi cách bờ sông Thu Bồn hàng trăm mét, nhưng do bị sạt lở bây giờ chỉ còn cách khoảng 60m. Mỗi khi vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao chảy xiết, cả gia đình phải sơ tán đến Nhà văn hóa thôn hay trụ sở UBND xã để tránh lũ”.
Ông Hồ Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho biết: “Hiện nay, xã Duy Tân có gần 500 hộ dân sinh sống ven sông đối mặt với nguy cơ sạt lở và ngập úng. Mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về lưu lượng rất lớn, gây sạt lở. Hàng năm, địa phương phát động người dân trồng tre, cây bói để giữ làng nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời”.
Còn ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Duy Xuyên cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 20km bờ sông bị sạt lở rất cần được xây dựng kè kiên cố nhưng chưa có kinh phí. Trước mắt, địa phương huy động nhân dân trồng tre, bần ven sông, hạn chế tác động của dòng nước gây sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.
Trong khi đó, tại thị xã Điện Bàn, ở thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, tình trạng xói lở bờ sông Thu Bồn đã diễn ra nhiều năm qua đe dọa đến đất canh tác hoa màu của bà con. Ông Hồ Quang Thường (thôn Nhị Dinh 3) cho hay, gần 500m2 đất canh tác ven sông của gia đình ông đã liên tục bị sạt lở trong 2 năm qua. Rất khó khăn trong sản xuất khi tình trạng sạt lở liên tục xảy ra lấn đất nông nghiệp.
Cũng như hộ ông Thường, thửa đất rộng hàng trăm mét vuông ven sông Thu Bồn của hộ ông Lê Đức, ở thôn Nhị Dinh 3 đang bị bỏ hoang vì sạt lở. Ông Đức cho hay, sạt lở ngày một ăn sâu vào bờ khiến đất canh tác ngày càng giảm dần. Vị trí sạt lở nặng nhất chỉ còn cách nhà 100m.
Ông Trương Phú Hòa - Trưởng thôn Nhị Dinh 3 cũng cho biết, bờ sông Thu Bồn đoạn thuộc địa bàn thôn thường xuyên bị sạt lở. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, tốc độ xói lở diễn ra rất nhanh. Sự xói lở đã làm thay đổi hình thái ở nhiều đoạn sông, gây mất đất sản xuất.
Để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn, cùng với nhiều cách làm của người dân thì UBND tỉnh Quảng Nam đã cho đầu tư xây kè bảo vệ chống sạt lở dọc bờ này. Việc này đã một phần làm an lòng người dân sinh sống dọc bờ sông.
Từ đầu năm nay, địa phương được Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng bờ kè chống sạt lở sông Thu Bồn, đoạn qua địa phận 2 xã Duy Tân và Duy Thu, hơn, 2,5km. Tổng kinh phí là hơn 60 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo xong trước mùa mưa lũ.
Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3.
Qua khảo sát, phân tích, UBND thị xã Điện Bàn nhận thấy giải pháp chung cần làm là nạo vét chỉnh dòng chảy, xây dựng công trình kè bảo vệ, trồng cây dọc 2 bờ sông nhằm ổn định đường bờ, giảm vận tốc dòng chảy tác động vào khu dân cư. Kinh phí dự kiến cho phương án xây dựng kè kết hợp nạo vét chỉnh dòng chảy là 29,8 tỷ đồng; xây dựng kè, không nạo vét chỉnh dòng là 20 tỷ đồng và nạo vét tận thu vật liệu xây dựng thông thường là 15,6 tỷ đồng.