Sức khỏe

Nỗi lo thiếu vi chất dinh dưỡng

Nghĩa Toàn 01/12/2023 11:50

PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hiện nay tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có chiều hướng tăng, nhưng nghịch lý thiếu vi chất dinh dưỡng lại đang tồn tại.

duoi(1).jpg
Nhân viên y tế tư vấn và kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi uống vitamin A. Ảnh: Diệu Linh.

Theo số liệu giám sát dinh dưỡng hàng năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và tỷ lệ này chỉ còn 11,6% năm 2020. Đồng thời, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng cao…

Mặc dù vậy, cộng đồng vẫn đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng. BS Mai cho hay: Một trong những gánh nặng về dinh dưỡng là tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì, kèm theo xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm; nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý như tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả …và thiếu hoạt động thể lực. Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao.

Theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020, tỷ lệ này là 19,6% và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng miền núi so với thành thị và nông thôn. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, cụ thể tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%; phụ nữ có thai là 25,6%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5% và vẫn còn 58,0% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm (theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020”).

Tại buổi trao đổi về phòng, chống vi chất dinh dưỡng, chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2023 với sự tham gia của nhiều chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu do Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức, các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em, khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động khi trưởng thành.

Do vậy, việc phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng cần được thực hiện một cách bền vững. Với mỗi người, việc bổ sung vi chất cần được thực hiện trong suốt vòng đời. Đặc biệt với vitamin A có ý nghĩa rất quan trọng với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Ngoài việc cho trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A tại xã phường 2 lần/năm, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, mỗi gia đình thực hiện đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D. Trẻ từ 24 - 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo thiếu vi chất dinh dưỡng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO