Nỗi niềm giáo viên cắm bản - Bài 4: Cần một quyết sách mạnh mẽ

XUÂN THI - HẠNH NGUYÊN - NGHĨA VĂN 15/11/2022 08:01

Đối với những giáo viên đang giảng dạy ở những nơi đặc biệt khó khăn, việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như các chính sách hỗ trợ, quan tâm chăm lo đến đời sống để họ yên tâm công tác là hết sức cần thiết. Đây cũng chính là điều mà những người làm công tác quản lý giáo dục ở các tỉnh miền Trung rất trăn trở.

Cô Lê Thị Thành, giáo viên cắm bản tại Điểm trường bản Rào Tre, Trường Mầm non Hương Liên (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đến tận nhà để đón học sinh đến trường.

Chăm lo đời sống giáo viên

Tại tỉnh Quảng Bình, trong những năm qua, địa phương này rất quan tâm đối với những giáo viên công tác tại các huyện miền núi, ở những điểm trường còn nhiều khó khăn.

Ông Võ Thái Hòa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) cho biết, hiện nay, huyện Quảng Ninh có 2 xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn là những địa phương thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tại mỗi xã đều có các trường từ Mầm non, Tiểu học, đến THCS. “Nhìn chung, đội ngũ giáo viên với tinh thần vượt khó, yêu nghề, họ đã vận động dân bản để đưa con chữ đến với từng bản làng xa xôi, duy trì tốt nhiệm vụ giáo dục văn hóa và công tác phổ cập giáo dục” - ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, thời gian qua Phòng GDĐT huyện Quảng Ninh thường xuyên quan tâm, động viên các thầy cô vượt khó khăn; khắc phục những thiếu thốn để bám trường, bám lớp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ dạy học. Ngành giáo dục huyện đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt, kịp thời chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên; quan tâm đến lực lượng giáo viên cắm bản để họ yên tâm công tác. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng, lãnh đạo địa phương để hỗ trợ công tác giáo dục, vận động học sinh và đảm bảo an toàn, an ninh cho thầy cô cắm bản.

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, ngành giáo dục mong muốn chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị, tổ chức tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giúp các cơ sở giáo dục trên địa bàn có trang thiết bị đầy đủ, hệ thống giao thông được kiên cố hóa để học sinh, giáo viên đến trường an toàn, thuận lợi hơn… qua đó giúp thực hiện hiệu quả hơn các mục đích, mục tiêu giáo dục.

Đặc biệt, kể từ năm học 2021-2022, Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình đã thống nhất thực hiện chủ trương sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo hướng tạo điều kiện công tác gần nhà để ổn định công tác lâu dài, chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ giáo viên.

Là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, thế nhưng ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị trong những năm gần đây đã có những bước “chuyển mình” mạnh mẽ. Đặc biệt, trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại các huyện miền núi, những nơi còn nhiều khó khăn.

TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với giáo viên đang công tác, giảng dạy tại các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn, ngành giáo dục tỉnh luôn ghi nhận trước sự cống hiến cùng những đóng góp to lớn của các thầy cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục của địa phương. “Để có được kết quả giáo dục quan trọng như ngày hôm nay, cán bộ, giáo viên ở vùng có điều kiện thuận lợi đã phải nỗ lực, phấn đấu. Với những thầy cô giáo giảng dạy ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn lại phải nỗ lực hơn rất nhiều lần. Thậm chí, có nhiều thầy cô giáo hy sinh cả tuổi thanh xuân, gắn bó cả cuộc đời mình đối với sự nghiệp giáo dục ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” - bà Hương nói và cho biết thêm, dù là một địa phương còn khó khăn, tuy nhiên, thời gian qua tỉnh Quảng Trị rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho ngành giáo dục, nhất là giáo dục tại vùng còn khó khăn.

Ngoài công việc “gieo chữ”, các thầy cô trường TH và THCS Ba Tầng (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) còn vận động các nhà hảo tâm quyên góp hỗ trợ cho những gia đình khó khăn.

Cụ thể, HĐND tỉnh Quảng Trị cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xóa phòng học tạm, phòng học mượn và cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh. Đây là một nguồn động viên to lớn đối với ngành giáo dục tỉnh này.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020” giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng nói tiếng Việt tốt hơn và tiếp thu bài giảng tốt hơn. Đối với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ GDĐT và trong tình hình hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là các điểm trường lẻ ở vùng miền núi, điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn hết sức khó khăn, giao thông đi lại cũng chưa được thuận lợi, nhất là trong mùa mưa lũ.

Cô giáo tại điểm trường mầm non Ngân Thủy (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) chăm sóc cho trẻ từng bữa ăn.

Cần chính sách hỗ trợ cho giáo viên, học sinh vùng khó

Theo bà Đặng Thị Quỳnh Diệp - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh, địa phương chỉ có 2 giáo viên Trường Mầm non Hương Liên đang được phân công dạy học tại Điểm trường Bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê). Điểm trường này có 1 lớp với 12 trẻ. Rào Tre là bản đặc biệt khó khăn, vì thế giáo viên ở đây đang được hưởng đầy đủ các chế độ đặc thù theo quy định.

Cụ thể, giáo viên được hưởng chế độ phụ cấp dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số, theo Điều 9, Nghị định 105 ngày 8/9/2020 của Chính phủ, với mức hỗ trợ 450.000đ/người/tháng (mỗi năm 9 tháng).

Chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, theo Nghị định 116 ngày 24/12/2010 của Chính phủ; và chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, theo quy định tại Nghị định 19 ngày 23/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61 ngày 20/6/2006.

Trong những năm qua, Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh đưa ra các quyết sách điều chỉnh chế độ tiền lương đối với giáo viên đạt trình độ cao đẳng ở cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp để thăng hạng cho giáo viên.

Cụ thể, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã có Văn bản số 2189 ngày 3/11/2021 về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên gửi UBND tỉnh trong đó đề xuất chuyển hạng cho 7.100 giáo viên lên hưởng lương theo tương ứng với trình độ đào tạo đạt chuẩn. Trong đó, bậc mầm non có 2.250 giáo viên hưởng lương từ trung cấp lên cao đẳng; tiểu học có 1.250 giáo viên hưởng lương từ trung cấp lên đại học; trung học cơ sở có 1.200 giáo viên hưởng lương từ cao đẳng lên đại học; trung học phổ thông có 2.400 giáo viên được chuyển hạng mới, lương vẫn giữ nguyên.

Từ đề xuất, tham mưu của Sở GDĐT cùng cơ quan chức năng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt, cho phép 6.479 giáo viên được bổ nhiệm và hưởng lương mới với mức chênh lệch so với mức cũ là gần 14 tỷ đồng/năm. Nhờ vậy, đời sống của giáo viên cơ bản được nâng lên đáng kể.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Đại Đoàn Kết về việc địa phương có đề xuất, kiến nghị nào khác để hỗ trợ, giúp giáo viên cắm bản vơi bớt khó khăn? Ông Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng GDĐT huyện Hương Khê chia sẻ: Phòng giáo dục rất đồng tình trước ý kiến đề xuất của UBND xã Hương Liên về việc hỗ trợ phương tiện đưa đón học sinh dân tộc Chứt ở bản Rào Tre.

Thực tế, bản mới của Rào Tre ở cách khá xa điểm trường Mầm non bản Rào Tre và Trường Tiểu học Hương Liên. Trong khi người dân ở đây không đưa đón con em được. Sáng sớm, các cháu mầm non đều do cô giáo đến đánh thức, rửa mặt, chở bằng xe máy đến trường, chiều lại đưa về. Còn học sinh tiểu học đến trường bằng xe đạp nhưng mỗi khi mưa rét hoặc nắng nóng gay gắt, nhiều em nghỉ học. Lúc đó phải nhờ đến lực lượng Biên phòng của Tổ công tác bản Rào Tre. “Chúng tôi tha thiết đề xuất cơ quan hữu quan có quyết sách hỗ trợ giáo viên để họ cống hiến tốt hơn cho sự nghiệp trồng người” - ông Thanh nhấn mạnh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi niềm giáo viên cắm bản - Bài 4: Cần một quyết sách mạnh mẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO