Thời gian qua, không ít cá nhân, nghệ sĩ nổi lên nhanh chóng nhờ việc tạo ra xu hướng (trend) trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube…, trong đó, có thể kể đến những cái tên như Lê Tuấn Khang, Lê Bống, Khiết Đan, Neko Lê, Phạm Thoại, Quang Vinh Vlog, Bà Tân Vlog, Huyền Phi, Thùy Trinh…
Những cá nhân này thường thu hút lượng lớn người xem thông qua việc tạo được nhưng nội dung, video hấp dẫn người xem, hoặc có được độ thảo luận cao. Đơn cử như Lê Bống với những video kể chuyện hướng đến lối sống tích cực, những dự án hỗ trợ các em nhỏ vùng cao như xây dựng tủ sách ước mơ cho các bạn nhỏ ở Hà Giang; hỗ trợ xây dựng đường đến trường, nấu các bữa ăn cho các bạn nhỏ vùng cao…. Hay như TikToker Huyền Phi, người đã nổi lên nhờ những video thú vị, vui nhộn, gần gũi nhằm quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương của quê nhà, giúp, lan tỏa những cái hay của quê hương mình và tạo thêm cơ hội việc làm cho bà con.
Mới đây nhất, có thể kể đến TikToker Lê Tuấn Khang, người nổi lên nhanh chóng trong thời gian gần đây nhờ trend “đi ăn đám giỗ ở bên cồn”, thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên TikTok. Hai câu hát "Bên cồn sao đám giỗ quài dị (hoài vậy)/ Đám giỗ bình dân sao bên cồn thuê gánh hát" trong các clip của TikToker Lê Tuấn Khang cũng trở nên nổi tiếng và được rất nhiều người hát, cover theo, thậm chí nhiều bạn trẻ còn rủ nhau đi đám giỗ bên cồn để xem “có gì thú vị mà hot thế”.
Bạn Thanh Hương (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mấy câu hát về đám giỗ bên cồn của Lê Tuấn Khang dạo gần đây mình cứ lẩm bẩm hát suốt. Mình thấy trend này rất vui, nhất là giờ nhiều người chế các clip theo trend này hài hước lắm. Mình xem mà phì cười luôn ấy.”
Còn bạn Khánh Hưng (20 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Vài ngày gần đây mình thấy nhiều video người ta làm video trend đám giỗ bên cồn vui ghê. Nhưng mà chắc nhiều người cũng thắc mắc như mình, không biết đám giỗ bên cồn là gì. Mình ở miền Trung, không biết có gì đặc sắc tại đám giỗ bên cồn. Nên đang tính rủ bạn lúc nào có thời gian làm một chuyến đi miền Tây chơi, để tìm hiểu thử xem đám giỗ bên cồn là gì.”
Sau khi tham dự lễ trao giải TikTok Awards Vietnam 2024, Lê Tuấn Khang trở nên nổi tiếng nhanh chóng nhờ những video với lối kể chuyện bình dị, nội dung gần gũi, dễ hiểu về cuộc sống, phong tục, văn hóa của con người miền Tây. Về trend “đi đám giỗ bên cồn”, chàng trai 22 tuổi đã khéo léo phổ nhạc cho cụm từ này dựa trên giai điệu bài hát Vọng Cổ Buồn của ca sĩ Cẩm Ly. Nhờ sự đổi mới thú vị, bản nhạc chế này nhanh chóng viral trên các nền tảng mạng xã hội, được nhiều người hát trong các buổi tiệc.
Chỉ trong một thời gian ngắn, cụm từ "đám giỗ bên cồn" đã gây sốt trên TikTok, thậm chí còn "leo top" tìm kiếm trên Google Trends. Lượng theo dõi kênh TikTok của Lê Tuấn Khang cũng tăng vọt từ 3,9 triệu lượt lên 12 triệu lượt sau vài ngày. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cơn sốt này, trong đó, MC Thanh Thanh Huyền đã cover lại bài hát và sử dụng nền âm thanh này trong các clip TikTok của mình. Nghệ sĩ Quyền Linh, diễn viên Minh Dự cũng hào hứng "đu trend".
Lý giải về việc Lê Tuấn Khang trở thành cái tên gây sốt mạng xã hội như hiện tại, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, điều này là nhờ sự kết hợp giữa nhiều yếu tố.
Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là nhờ những nội dung mà Lê Tuấn Khang mang đến có sự gần gũi, chân thật khi đã khai thác những câu chuyện đời thường của miền Tây sông nước, với lối kể chuyện chân chất, mộc mạc, khơi gợi sự thân thuộc, dễ đồng cảm của người xem.
Ngoài ra, việc có lối kể chuyện hấp dẫn, sinh động, kết hợp với âm thanh vui nhộn, cốt truyện đơn giản nhưng ý nghĩa, không chỉ mang tính giải trí mà còn mang hơi thở văn hóa, cũng là một trong những yếu tố thu hút của chàng TikToker sinh năm 2002.
Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, các kênh giải trí, ngày càng nhiều cá nhân nổi tiếng nhanh chóng nhờ tạo ra các trend trên mạng xã hội, thu hút sự tham gia, hưởng ứng, thảo luận của đông đảo giới trẻ, tuy nhiên, “tuổi thọ” của những trend này thường không dài và sự nổi tiếng của các cá nhân cũng thường lên xuống nhanh chóng theo “tuổi thọ” của trend.
Cách đây ít năm, trên mạng xã hội có hiện tượng “bà Tân Vlog” khá nổi tiếng với hai đặc trưng nổi bật, đó là người phụ nữ gần 60 tuổi thường gọi người xem của mình là “các cháu ơi” và xưng bà với họ; đặc trưng thứ hai là người phụ nữ này thường sử dụng những công cụ chứa, đựng thực phẩm cực lớn, được gọi là “siêu to khổng lồ” để tạo ra những clip nấu ăn không chắc có đảm bảo vệ sinh thực phẩm, sạch sẽ, ngon miệng hay không nhưng rất bắt mắt. Trend “bà Tân Vlog” này đã đứng được một thời gian khá dài, nhưng nó chỉ tồn tại với bà Tân thôi, khi con trai bà Tân là Hưng làm Vlog, cũng theo phương thức gần giống mẹ của mình, thì không mấy ai quan tâm nữa. Điều đó cho thấy, để có sức hút trên mạng xã hội, người ta phải tự tạo ra khuynh hướng, dù đúng hay không đúng. Thậm chí bất chấp để tạo ra các scandal. Điều này cũng giống với những nghiên cứu về báo chí của phương Tây thế kỷ 20: “Chó cắn người không thành tin, người cắn chó mới thành tin.”
Theo chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, thực trạng này phản ánh tính chất của thời đại mạng xã hội, nơi tốc độ “viral” nhanh nhưng cũng dễ dàng bị thay thế. Sự nổi tiếng nhờ tạo xu hướng phần lớn mang tính tạm thời vì nó thường tập trung vào việc đánh vào cảm xúc tức thời hoặc sự tò mò của khán giả.
Một xu hướng trên mạng xã hội thường có vòng đời ngắn, và nếu người sáng tạo chỉ gắn mình với xu hướng đó mà không có chiến lược phát triển thương hiệu bền vững, họ dễ dàng bị quên lãng khi xu hướng qua đi. Mặt khác, điều này cũng cho thấy một thực tế: khán giả hiện đại ngày càng khó tính và có xu hướng tìm kiếm nội dung sâu sắc, ý nghĩa hơn sau khi đã “chán” các nội dung chỉ mang tính giải trí bề mặt. Những người chỉ muốn “mì ăn liền” trong sự nghiệp sẽ khó có khả năng tồn tại lâu dài, bởi nổi tiếng thực sự đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về nội dung, giá trị và khả năng đổi mới liên tục.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định, việc nổi tiếng nhanh chóng đem lại nhiều lợi ích cho các cá nhân, nhưng đồng thời cũng gây nên nhiều mặt trái, trong đó có thể kể đến việc đời tư bị xâm phạm, nhận được những bình luận trái chiều, thậm chí là vướng phải những tranh cãi không đáng có… Nếu cá nhân đó không có sự chuẩn bị kỹ càng thì sẽ dễ rơi vào những khó khăn, áp lực.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhận định, một trong những khó khăn lớn của những nhà sáng tạo nội dung đó chính là việc giữ gìn phong độ. Bởi khán giả sẽ kỳ vọng cao vào những nội dung tiếp theo khi nhà sáng tạo đã tạo được “cơn sốt” trước đó. Ngoài ra, với tính chất thị trường mở, có nhiều người tham gia, các nhà sáng tạo, các trend “hot” có thể bị thay thế bất cứ lúc nào. Vì vậy, nhà sáng tạo nội dung không chỉ phải duy trì chất lượng và phong cách riêng của mình, mà còn cần liên tục đổi mới để đáp ứng thị hiếu ngày càng khắt khe.
Đối với những người nổi tiếng nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội, sự nổi tiếng thường không bền vững và không có chiến lược dài hạn, dễ dẫn tới hiện tượng “sớm nở tối tàn”, vì vậy, cần tập trung vào một số yếu tố chính, trước tiên là tạo giá trị nội dung cốt lõi để giữ được độ nổi tiếng bền vững. Người nổi tiếng lâu dài là người giải quyết được vấn đề của khán giả hoặc mang đến giá trị mà khán giả thực sự cần. Người nổi tiếng cần tự đặt cho mình câu hỏi: "Điều gì khiến tôi khác biệt? Tôi có thể mang lại điều gì cho người xem ngoài giải trí?". Để từ câu trả lời đó, họ sẽ xây dựng thương hiệu cá nhân rõ ràng. Thương hiệu cá nhân không chỉ là nội dung mà cá nhân tạo ra, mà còn là thái độ, tư duy, và cách mà người nổi tiếng tương tác với khán giả. Những người như Đen Vâu hay Sơn Tùng M-TP nổi bật vì họ có câu chuyện, cá tính riêng và giữ được bản sắc nhất quán.
Người nổi tiếng cũng cần luôn đổi mới nhưng không đánh mất bản sắc bởi khán giả sẽ cảm thấy nhàm chán nếu nội dung không được làm mới. Nhưng đổi mới không có nghĩa là chạy theo mọi xu hướng. Điều quan trọng là giữ được sự liên kết giữa cái mới và cái mà khán giả đã yêu thích ở bạn từ trước. Ngoài ra, cần học cách phân tích dữ liệu khán giả (tuổi, thói quen xem, sở thích) để hiểu rõ hơn nhu cầu của họ, từ đó điều chỉnh nội dung phù hợp.
Việc lựa chọn đề tài cực kỳ quan trọng vì đó là yếu tố đầu tiên thu hút khán giả. Tuy nhiên, không chỉ chọn những đề tài "hot" mà còn cần cân nhắc sự phù hợp với hình ảnh cá nhân. Đề tài phải phản ánh được giá trị cốt lõi và thương hiệu của nhà sáng tạo nội dung. Nếu người nổi tiếng xây dựng hình ảnh tích cực, việc chạy theo các chủ đề tiêu cực hoặc giật gân có thể phá hủy lòng tin của khán giả.
Một số chủ đề có vòng đời rất ngắn và khó tái sử dụng. Thay vì chạy theo những trào lưu "một lần rồi thôi," hãy đầu tư vào những nội dung có tính tái tạo hoặc mang giá trị lâu dài. Những đề tài "hot" nên được tiếp cận từ góc nhìn mới mẻ hoặc sâu sắc hơn. Ví dụ, nếu xu hướng là ăn uống đường phố, hãy mang đến câu chuyện văn hóa ẩm thực hoặc những góc nhìn độc đáo hơn là chỉ đơn thuần quay một video đồ ăn.
Ngoài ra, các nhà sáng tạo cũng cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những soi mói, phán xét từ cộng đồng mạng. Do đó, cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ càng trong hành động, phát ngôn, tránh để dẫn đến các tranh cãi hoặc phản ứng tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh.
Để quản lý hình ảnh tốt nhất và xử lý được vấn đề truyền thông, chuyên gia cho rằng, người nổi tiếng cần xây dựng chiến lược hoạt động và ứng xử chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt là cần có người đại diện phát ngôn. Đây là yếu tố rất quan trọng bởi một người đại diện truyền thông chuyên nghiệp sẽ giúp người nổi tiếng quản lý các phát ngôn, làm việc với báo chí và xử lý khủng hoảng nhanh chóng, hiệu quả. Điều này vừa giúp tránh các phát ngôn cảm tính không cần thiết, vừa xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp hơn trong mắt công chúng.
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh: Giá trị thật sự đến từ những gì bạn tạo ra và đóng góp
Việc nổi lên nhờ scandal hay phát ngôn gây sốc là con đường ngắn nhất, nhưng cũng là con đường thiếu bền vững nhất. Điều này gây tổn hại không chỉ cho người sáng tạo mà còn cho hệ sinh thái mạng xã hội, vì nó khiến khán giả mất niềm tin vào giá trị thực sự của nội dung.
Nhiều người chọn cách gây sốc vì áp lực nổi tiếng nhanh, nhưng họ quên rằng: một khi đã đi theo con đường này, bạn sẽ bị gắn với hình ảnh tiêu cực và rất khó để xây dựng lại lòng tin hoặc chuyển hướng sang nội dung tích cực. Giới trẻ cần hiểu rằng: giá trị thật sự đến từ những gì bạn tạo ra và đóng góp, không phải từ việc bạn có thể gây chú ý bao nhiêu. Đừng đánh đổi tương lai của mình để lấy vài phút nổi tiếng. Hãy đặt câu hỏi: "Nếu hôm nay không có scandal này, khán giả sẽ nhớ gì về tôi?". Thay vì đầu tư vào chiêu trò, hãy đầu tư vào học hỏi, cải thiện kỹ năng và xây dựng nội dung có ý nghĩa. Đây mới là con đường lâu dài và đáng tự hào.
Nhà báo Song Thư, Đài Tiếng nói Việt Nam: Nổi tiếng trên mạng xã hội bao giờ cũng có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực
Tôi thấy các hiện tượng trên mạng xã hội hiện nay tuy phát triển tự phát nhưng rõ ràng được xây dựng nội dung theo tuyến. Đội ngũ truyền thông của họ dù là người thân, bạn bè hay truyền thông chuyên nghiệp đều sẵn sàng xây dựng một kịch bản theo hướng từ thấp lên cao, lên cao trào, rồi thoái trào…một cách khá chuyên nghiệp. Có người còn sẵn sàng xây dựng cả scandal để tạo ấn tượng về mình. Điều đó dẫn tới người tiếp nhận thông tin, công chúng…đôi khi nghi ngờ tính xác thực của sự nổi tiếng. Có những scandal bị đẩy lên vượt tầm kiểm soát khiến “gậy ông lại đập lưng ông”. Nổi tiếng trên mạng xã hội bao giờ cũng có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Tích cực thì dễ thấy, còn tiêu cực cũng không phải xa lạ. Chỉ cần antifan không hài lòng với nhân vật, họ dễ dàng tạo nên làn sóng bạo lực mạng, có những làn sóng đã khiến nhân vật nổi tiếng trên mạng bất ngờ mất đi tất cả, thậm chí cả mạng sống – chuyện đã từng xảy ra với một số ngôi sao Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản thời gian qua.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN: Sự nổi tiếng chính là công cụ truyền bá văn hóa hiệu quả và giá trị nhất
Ai cũng muốn được nổi tiếng, bởi đó là nhu cầu tự thân của con người muốn khẳng định mình. Tuy nhiên, nên lựa chọn cách thức tiến hành các hoạt động quảng bá trên mạng xã hội một cách bài bản, lớp lang, chuyên nghiệp, có dự phòng những tình huống xấu. Sự nổi tiếng chính là công cụ truyền bá văn hóa hiệu quả và giá trị nhất. Vì thế nếu như người nổi tiếng chỉ muốn tăng thu hút bằng mọi giá, bất chấp hậu quả, thì cái giá phải trả đôi khi sẽ không đo đếm được. Hậu quả không chỉ bản thân người đó phải gánh mà ảnh hưởng đến cả nghìn người theo dõi, ủng hộ cá nhân đó trên mạng xã hội. Để tránh tình trạng này, tôi cho rằng, ở đây, truyền thông đóng vai trò không nhỏ. Khi các nhà sáng tạo nội dung không chỉ sử dụng các kênh truyền thống mà còn khai thác tối đa mạng xã hội, các nội dung hậu trường, video độc quyền để xây dựng sự thích thú và gắn kết với người hâm mộ, nhất là GenZ thì điểm nhấn không còn chỉ là người thể hiện, mà công chúng sẵn sàng cùng họ trải nghiệm câu chuyện, cảm xúc và cả không gian mà người nổi tiếng mang đến.