Tin lời đường mật của “cò mồi” chạy việc làm, anh Vũ Trung Kiên (24 tuổi - trú tại xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) đã vay mượn 300 triệu đồng đưa cho “cò” để chạy “biên chế” vào bệnh viện, tại Hà Nội. Tuy nhiên, “biên chế” đâu chẳng thấy, chỉ thấy tiền mất, nợ mang.
Anh Vũ Trung Kiên, nạn nhân của hành vi lừa đảo.
Theo anh Vũ Trung Kiên, Kiên tốt nghiệp một đại học chuyên ngành Y nên rất sốt sắng kiếm việc làm. Đầu 2014, thông qua mối quan hệ xã hội, Kiên quen biết và nhờ Đoàn Văn Tá (28 tuổi - trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) xin vào làm tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Tá đồng ý giúp với điều kiện phải có 380 triệu đồng cho Tá. Tá hứa hẹn sẽ có quyết định biên chế chính thức. Theo Kiên, trong Biên bản thỏa thuận xin việc ghi rõ, ngày 27/1/2014, Đoàn Văn Tá đưa Kiên đi nộp hồ sơ tại phòng tổ chức, đến ngày 28/2/2014 sẽ được nhận quyết định gọi đi làm tại Bệnh viện Việt Đức và đến tháng 8/2014 sẽ được nhận quyết định biên chế chính thức.
Theo đó, Tá yêu cầu Kiên phải giao trước 300 triệu đồng. Số tiền 80 triệu đồng còn lại sẽ giao nốt sau khi được biên chế chính thức tại Bệnh viện Việt Đức. Nếu trong trường hợp không được nhận biên chế chính thức, kể cả việc chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn thì Tá sẽ phải hoàn lại toàn bộ số tiền mà Kiên đã nộp cho Tá trong thời hạn 1 tháng.
Gia đình Kiên hồi hộp chờ Tá báo tin mừng nhưng càng đợi càng thất vọng. Đến cuối năm 2014 vẫn không thấy Tá đả động gì đến việc có xin được việc cho Kiên hay không. Quá thời gian thỏa thuận mà vẫn chưa có việc làm nên Kiên đã yêu cầu Tá trả lại số tiền 300 triệu. Thế nhưng, Tá liên tục khất, hết lần này đến lần khác.
Về phía gia đình Kiên, do số tiền 300 triệu đồng chủ yếu là đi vay mượn ngoài nên “lãi mẹ đẻ lãi con” nên ai cũng lo lắng như ngồi trên đống lửa. Sau khi gia đình Kiên đòi quyết liệt, Tá mới chỉ trả lại 120 triệu đồng. Đến nay, Tá cùng 180 triệu đồng còn lại “mất hút”... không liên lạc được.
Thỏa thuận xin việc giữa anh Kiên và Đoàn Văn Tá.
Bất bình vì bị Tá lừa, anh Vũ Trung Kiên đã làm đơn trình báo lên các cơ quan chức năng thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Liên quan đến vụ việc này, trước đó, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Hà Nội đã bắt giữ hai đối tượng gồm: Lê Thị Bích Hạnh (32 tuổi, trú tại số 50, ngõ 158 Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) và Vương Thuý Nga (40 tuổi, ở phố Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đây là hai nghi phạm trong vụ giả danh cán bộ Bộ Y tế thuê người giả mạo Thứ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, cùng thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế để gọi điện, nhắn tin cho người có nhu cầu xin việc làm ở các bệnh viện, cơ quan công an ở Hà Nội với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng khai nhận, vào khoảng tháng 12/2013, thông qua một người khác, Lê Thị Bích Hạnh có quen với Đoàn Văn Tá. Dù không có nghề nghiệp nhưng Hạnh nói với Đoàn Văn Tá là Hạnh làm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và có khả năng chạy việc cho nhiều người tại các bệnh viện và một số cơ quan Công an ở Hà Nội.
Tá đã giao cho Hạnh 21 bộ hồ sơ xin việc làm cùng số tiền là 3,11 tỷ đồng để Hạnh lo lót xin việc cho những người có hồ sơ. Để tạo lòng tin cho người xin việc, Hạnh nhờ Vương Thuý Nga đóng giả làm nhân viên phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và nhân viên của Sở Nội vụ Hà Nội để gặp gỡ, trao đổi và hứa hẹn xin việc làm với một số người có nhu cầu xin việc.
Sau đó, Nga đã trực tiếp liên lạc với Đoàn Văn Tá, giới thiệu với Tá, rằng Nga là cán bộ Phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, quan hệ “tốt” với lãnh đạo Bộ Y tế, có khả năng xin việc làm tại Bộ Y tế và các cơ quan Nhà nước.
Để che đậy hành vi lừa đảo của mình, Nga còn thuê người giả mạo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Bá Quyết cùng thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế để trao đổi điện thoại, nhắn tin với Đoàn Văn Tá hứa hẹn xin việc làm. Từ tháng 4/2014 đến tháng 7/2014, Nga đã nhận từ Đoàn Văn Tá tổng cộng 39 hồ sơ xin việc làm để chiếm đoạt số tiền gần 1,5 tỷ đồng.
Phòng PC 46, Công an TP Hà Nội đã phát hiện hành vi lừa đảo của các đối tượng, bắt khẩn cấp đối với Vương Thúy Nga. Khám nhà ở của Lê Thị Bích Hạnh (tại số 51, ngõ 299/49 phố Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội), công an phát hiện và thu giữ 1 hộp dấu khắc chữ “Phòng Kế hoạch tổng hợp - Sở Y tế”, 1 hộp dấu khắc chữ “Điều dưỡng trung cấp”, 9 chiếc điện thoại mà Hạnh dùng để giao dịch với các nạn nhân và hàng loạt các tài liệu liên quan đến việc nhận tiền, nhận hồ sơ xin việc làm vào các cơ quan Nhà nước và các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Do đối tượng Lê Thị Bích Hạnh vừa sinh con thứ tư nên được tại ngoại. Bước đầu, cơ quan Công an xác định, các đối tượng trong đường dây này đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 6 tỷ đồng của nhiều người...