Là vựa lúa lớn nhất cả nước, những ngày này nông dân trồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười (nằm trên địa phận các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp) đang rất vui mừng vì giá lúa tăng mạnh.
Đi dọc các trục đường quốc lộ 62, N2 hay những đường tỉnh lộ qua Long An, Đồng Tháp đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán về giá lúa gạo. Ông Phạm Văn Nhâm, 61 tuổi, ở xã Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết gia đình ông có 2ha lúa chuẩn bị thu hoạch nên đang nghe ngóng giá cả. “Tôi trồng lúa cả đời rồi, năm được năm mất nhưng chưa năm nào thấy trồng lúa có lợi như năm nay. Dù còn khoảng tháng rưỡi nữa mới thu hoạch nhưng tôi tin rằng giá lúa sẽ không giảm như mọi năm mà có thể còn tăng nữa. Nông dân ở đây ai cũng ngóng tới mùa lúa cả. Nhiều người ở đây đã bán lúa cho thương lái với giá khoảng hơn bảy ngàn rưỡi rồi. Giá đó thì nông dân lãi khoảng 35 triệu đồng mỗi ha. Còn lúa của gia đình tôi thì lúc nào cắt mình mới tính giá chứ nhận tiền trước cũng không phải là hay đâu” - ông Nhâm chia sẻ.
Theo ông Nhâm, hiện nay nông dân trồng lúa có thể tính toán lợi nhuận khá rõ ràng. Nếu không bị thiên tai hay dịch bệnh bất thường, trừ các chi phí thì giá lúa ở mức 4.000 đồng/kg là hòa vốn. Thông thường trước kia thương lái thu mua lúa quanh đây từ 5.000 tới 5.500 đồng mỗi kg, tuỳ chân ruộng. Mức giá đó thì nông dân lời khoảng 10 triệu đồng mỗi ha. Hiện nay thương lái thu mua giá khoảng 7.000 tới 7.500 đồng/kg nên nhiều hộ lời thêm vài chục triệu đồng nữa.
Ông Trần Văn Cầu, một lão nông khác cho biết gia đình ông có hơn 4ha lúa sẽ thu hoạch vào cuối tháng sau. “Những năm trước trồng lúa không lời lãi bao nhiêu. Do các con tôi lên thành phố làm công nhân hết nên mình ở nhà cấy ruộng, vừa có công việc, vừa có gạo gửi lên cho con cháu. Trồng lúa giờ có máy móc làm đất, từ gieo sạ rồi rải phân, phun thuốc hay thu hoạch luôn. Mình chỉ trông ruộng thôi. Nhưng chi phí cái gì cũng phải bỏ ra nên khi thu hoạch chả còn lời lãi mấy. Năm nay lúa lên giá gần gấp đôi so với năm ngoái. Tôi mới nhận 25 triệu đồng tiền cọc của thương lái rồi. Mấy người bảo giá lúa còn tăng” - ông Cầu chia sẻ. Cũng theo ông Cầu, sau khi nhận tiền cọc của thương lái, công việc của ông là hàng ngày chăm coi ruộng lúa và cắm thêm nhiều cây bù nhìn để đuổi chuột, đuổi chim nhằm giữ năng suất lúa tốt nhất.
Cách đó chừng 30 cây số, đang hì hục vác những bao lúa chất lên bờ, anh Nguyễn Tuấn Việt, 33 tuổi ở xã Tân Công Chí (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết vụ lúa năm nay anh thu được hơn 100 triệu đồng. “Lúa ở đây năng suất hơn 7 tấn/ha. Như gia đình tôi có hơn 2ha, dự kiến thu được khoảng 110 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sẽ lãi chừng 60 triệu đồng. Cách đây 2 năm, lúa có lúc giá chỉ hơn 3.000 đồng/kg, gọi mãi mà thương lái còn không mua” - anh Việt kể.
Ở khu vực huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tràm Chim… (tỉnh Đồng Tháp) có một số hộ đã thu hoạch lúa như gia đình anh Việt nhưng nhiều hộ vẫn chưa thu hoạch, nhiều hộ đã gieo sạ cho vụ mới. “Mình thu hoạch sớm, bán vậy thấy cũng mừng lắm rồi. Mấy người trong xóm nói giá lúa có thể lên cao nữa nhưng không biết sao. Mà chỉ vụ này là lãi lớn thôi, chứ vụ tới có thể không lãi nhiều nữa. Bởi giá lúa vẫn cao nhưng giá lúa giống, phân đạm, thuốc trừ sâu hay tiền công thu hoạch, máy móc đều tăng. Như tiền công cắt lúa mấy năm trước chỉ triệu rưỡi mà giờ lên 2,2 triệu đồng rồi” - anh Việt cho biết thêm.
Tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương có diện tích lúa lớn nhất cả nước, với khoảng 500.000 ha mỗi vụ. Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết giá lúa tăng nên nông dân rất mừng.
Thời gian qua tỉnh Đồng Tháp thực hiện cơ cấu dịch chuyển từ giống lúa có chất lượng thấp sang giống có chất lượng cao nhằm tăng giá trị lợi nhuận cho nông dân. Những giống lúa như Đài thơm, OM… mang lợi nhuận cao hơn trên cùng diện tích canh tác. Hiện nay, khoảng 70% diện tích lúa ở Đồng Tháp là giống chất lượng cao. Trong khi đó, thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, tỉnh có khoảng 217.000 ha lúa mỗi vụ, năng suất trung bình là 6,6 tấn mỗi ha.