Đầu năm 2023, nhận thấy vùng đất trũng tại địa phương phủ đầy bèo tây, hàng chục năm không thể canh tác, ông Nguyễn Duy Đại (trú thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh) đã mạnh dạn thuê lại đất của nhiều hộ dân để áp dụng mô hình trồng sen. Ảnh: Cẩm Kỳ Để việc canh tác sen thuận lợi, ông Đại đã tích cực học hỏi những kinh nghiệm từ những người đi trước. Sen là loại cây rất dễ trồng, sức sinh trưởng mạnh mẽ và thích nghi tốt với thổ nhưỡng địa phương. Ảnh: Cẩm Kỳ Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Duy Đại cho biết, đối với sen lấy ngó, quá trình trồng sen phải liên tục chú ý cải tạo đất ruộng cho tơi xốp, bón phân theo lượng định kỳ, các cây sen trồng cách nhau khoảng 3m. Ngoài ra, bề mặt ao phải giữ đủ lượng nước tiêu chuẩn, việc xử lý các lá sen hư hỏng, tạo độ thoáng cho ruộng phải làm thường xuyên. Ảnh: Cẩm Kỳ Ngó sen là phần non nhất của cọng lá sen, nằm sát gốc của cây sen. Khi những lá sen non vừa mọc và nổi lên trên mặt nước, lá vẫn còn cuốn lại thành một vòng thì sẽ dùng tay nhổ ngó từ lớp bùn dưới gốc sen. Để lấy được ngó sen, người nông dân phải mò mẫm trong bùn, lần tay vuốt từng cọng ngó nằm sâu dưới bùn khoảng 20-30cm rồi kéo lên mặt nước. Ảnh: Cẩm Kỳ Khoảng chừng 10 phút, những thân ngó đã được ông Đại cẩn thận lấy lên dưới lớp bùn. Sau khi rửa sạch, ngó sen hiện ra với màu trắng muốt. Ảnh: Cẩm Kỳ Ngó sen sau khi nhổ được rửa sạch, được ngắt thành từng đoạn dài 30-50cm và cột lại từng bó nhỏ trước khi giao cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông Đại thu hoạch từ 10 - 15kg, tùy vào lượng đặt hàng. Hiện, giá bán mỗi kg ngó sen dao động từ 60.000-65.000 đồng/kg. Ảnh: Cẩm Kỳ Theo Đông y, ngó sen có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, thải độc, lọc máu, làm sạch đường ruột, trị hôi miệng, nghẹt mũi, xuất huyết sau sinh… Thường xuyên dùng loại thực phẩm này sẽ giúp bổ máu, bảo vệ hệ tiêu hóa hiệu quả, rất tốt cho cơ thể. Ngó sen còn chế biến được nhiều món ăn ngon như: ngó sen xào, gỏi ngó sen, canh ngó sen... Ảnh: Cẩm Kỳ Sau khi thu hoạch ngó, ông Đại chuyển sang thu hoạch gương sen. Ảnh: Cẩm Kỳ Vào những dịp rằm hay mồng một, gia đình ông có thể tăng thêm thu nhập từ bán hoa sen. Ảnh: Cẩm Kỳ "Điều thích nhất khi trồng sen là bất cứ bộ phận nào cũng đưa lại thu nhập, thậm chí lá sen. Loại sen cao sản phù hợp cho hạt và ngó bởi loại này cây khỏe, có khả năng sinh trưởng mạnh, hạt sen to, ngó sen cũng lớn và dài. Ngoài ra tôi cũng trồng thêm sen chuyên củ để lấy củ. Nhờ ruộng sen mà gia đình có tiền trang trải các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình", ông Đại nói. Theo lãnh đạo UBND xã Thạch Trung, mô hình trồng sen lấy ngó của ông Nguyễn Duy Đại góp phần cải tạo những vùng đất trũng, không thể canh tác lâu năm để mang lại những sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Địa phương cũng đang tiến hành khảo sát thêm nhiều vị trí để nhân rộng mô hình trồng sen lấy ngó, từ đó, góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân, tạo cảnh quan môi trường, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ảnh: Cẩm Kỳ