Thời gian này, nhiều tỉnh thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào vụ thu hoạch trái cây. Bên cạnh sản phẩm tiêu thụ, nhiều nông dân còn tận dụng để làm thêm dịch vụ du lịch, mang lại nguồn thu nhập lớn.
Anh Nguyễn Văn Hữu, một hộ dân trồng hoa kiểng ở Tân Qui Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết, thời gian gần đây, anh thường đón một số đoàn khách tới tham quan vườn hoa của gia đình.
“Gia đình tôi trồng hoa cây kiểng quanh năm. Thời gian này thường trồng cúc, hồng lửa, thông kim… để cung cấp cho các vựa trên thành phố và các mối trang trí công viên. Hồi Tết vừa rồi có nhiều người tới chơi xin chụp hình vì ruộng hoa đẹp nên tôi nảy ý định liên kết với bên làm du lịch nhằm phục vụ khách tham quan” - anh Hữu nói đồng thời cho biết, ở đây rất nhiều người dân làm du lịch nhà vườn. Do không có nguồn vốn lớn đầu tư, xây dựng nên gia đình anh Hữu chỉ mở dịch vụ cho du khách tham quan chụp hình. Thu nhập chính vẫn là việc bán hoa cây cảnh.
Theo chia sẻ của anh Hữu, mỗi khách du lịch tới tham quan chụp hình ruộng hoa, anh chỉ thu vé có 10.000 đồng. “Coi như tiền công hướng dẫn du khách. Mấy ngày cuối tuần thì có vài chục khách, ngày thường thì ít hơn. Ngoài ra khách họ tham quan cũng có mua thêm cây hoa kiểng và cho thêm tiền khi được mình chèo ghe đưa đi chăm sóc hoa kiểng, mỗi tháng cũng kiếm được thêm vài triệu đồng. Bà xã tôi đang tính đầu tư thêm mấy cái bàn ghế, trang trí tiểu cảnh ở góc ruộng hoa cho khách chụp hình thêm” - anh Hữu cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vài năm gần đây TP Sa Đéc đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với những cánh đồng hoa cây kiểng bạt ngàn. Điều đặc biệt nhất ở những cánh đồng hoa Sa Đéc là nông dân thường trồng hoa cây kiểng trên ruộng ngập nước, sử dụng ghe, thuyền nhỏ để di chuyển chăm sóc hoa cây kiểng nên nhìn rất đẹp, lãng mạng. Những dịp lễ tết, cuối tuần nơi đây luôn đón một lượng lớn du khách ghé thăm quan, trải nghiệm.
Cách đó chừng 30 cây số, tại TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), trong khu vườn khá nhỏ rộng chừng 6 công đất, vợ chồng bà Nguyễn Thu Tâm, 61 tuổi cũng tất bật đón khách tới tham quan vườn dâu da đang vào vụ thu hoạch. Bà Tâm bảo vườn dâu da này có khoảng 25 gốc, trồng từ khi bà mới về làm dâu.
“Ở đây nhiều gia đình trồng dâu da lắm nhưng thường người ta chỉ trồng vài gốc. Nhà tôi trồng nhiều, có năm bán không kịp. Mấy năm gần đây, nhiều người thấy vườn dâu đẹp nên ghé xin chụp hình. Vợ chồng tôi không thu phí gì cả nhưng hầu hết khách ghé vườn chụp hình đều mua vài kilogam dâu ăn cho vui miệng. Ngoài ra tôi còn làm nước ép dâu, làm rượu dâu bán cho khách. Mấy ngày cuối tuần đông khách lắm vì dâu đang mùa chín nhìn rất đẹp” - bà Tâm kể thêm.
Khoảng vài năm trở lại đây, mô hình nông dân làm du lịch và các dịch vụ du lịch gắn với nông dân miền Tây Nam bộ đang nở rộ. Trong đó, các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang có nhiều mô hình với lượng khách du lịch đông đảo. Sau thành công của mô hình du lịch cộng đồng gắn với các địa điểm như cồn Thới Sơn, cồn Phụng, cồn Long… (nằm giữa sông Tiền, giáp ranh giữa Bến Tre và Tiền Giang), hiện nay nông dân ở các địa phương khác như Cai Lậy, Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cũng mở rộng các mô hình liên kết để vừa sản xuất nông nghiệp, vừa đón khách du lịch. Những mô hình homestay, nhà nghỉ dưỡng, khu du lịch nằm trong vườn trái cây dù thu hút khách du lịch nhưng cũng phải đầu tư khá nhiều. Ngược lại, mô hình nông dân liên kết, cho khách tham quan vườn cây trái mùa thu hoạch có nhiều ưu điểm hơn, ít phải đầu tư mà không ảnh hưởng tới năng suất nông nghiệp.
Ông Võ Phạm Tân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành du lịch Tiền Giang đang có nhiều khởi sắc. Thống kê những tháng đầu năm 2023 cho thấy có nhiều thay đổi tích cực so với năm 2022. Trong đó, lượng khách (gồm cả khách quốc tế), doanh thu đều tăng hàng chục lần so với năm trước. Dự kiến cả năm 2023, tỉnh Tiền Giang đón khoảng 1,25 triệu lượt khách.