Nông nghiệp 'chạy nước rút' về đích

M.Phương 30/09/2023 09:00

Trong những tháng còn lại của năm, toàn ngành nông nghiệp sẽ tập trung cho xuất khẩu các ngành hàng để đạt mục tiêu đề ra – lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) nhấn mạnh tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 tổ chức sáng 29/9 tại Hà Nội.

Xuất khẩu rau quả năm 2023 được dự báo có thể đạt trên 5 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao nhờ vào nỗ lực của toàn ngành trong việc tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ nay đến cuối năm, toàn ngành tập trung cho xuất khẩu các ngành hàng để đạt mục tiêu đề ra.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NNPTNT, trong 9 tháng ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng cao trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt tăng 2,6%, ngành chăn nuôi tăng 5,1%, lâm nghiệp tăng 3,2% và thủy sản tăng 3,6%...

Cùng với đó, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trong 9 tháng cũng đạt cao, khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Ngành tiếp tục đảm bảo an ninh lương thực, thị trường xuất khẩu có tín hiệu tốt, nhất là trong tháng 9, xuất khẩu gỗ đã tăng trở lại, ngành thủy sản chỉ giảm nhẹ.

Tính chung tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 8,04 tỷ USD tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng, do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm thuỷ sản 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng, nông sản 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%) và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%.

Theo nhận định của lãnh đạo Bộ NNPTNT, từ nay đến hết năm 2023, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Việt Nam để tiêu thụ trong các lễ hội cuối năm.

Đáng chú ý, đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng giá trị ngành hàng rau quả những tháng cuối năm vẫn là sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam đang nhận được những tín hiệu tốt từ thị trường này khi nguồn cung từ Thái Lan, Malaysia... không còn nhiều do hết vụ thu hoạch. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể đạt trên 5 tỷ USD.

Trong khi đó, gạo Việt Nam đang xuất khẩu nhiều nhất đến các thị trường trong Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đáng mừng là, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục nhưng an ninh lương thực trong nước vẫn hoàn toàn được đảm bảo. “Với kết quả xuất khẩu đạt được, trong 3 tháng còn lại của năm, nếu mỗi tháng ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt 5 tỷ USD thì cả năm sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD, đúng mức Thủ tướng Chính phủ giao” – lãnh đạo Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, trong những tháng cuối năm mục tiêu tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp từ 3,4 - 3,5% hoàn toàn khả thi, quan trọng nhất là tập trung cho xuất khẩu các ngành hàng để đạt mục tiêu 54 tỷ USD.

Và để đạt được mục tiêu tăng trưởng, lãnh đạo Bộ NNPTNT yêu cầu các Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp tốt trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, nỗ lực xúc tiến mở rộng thêm các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch khác; đồng thời đảm bảo dự báo thị trường phục vụ tốt cho nông dân, tránh dư thừa không tiêu thụ được. Cùng với đó, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông nghiệp 'chạy nước rút' về đích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO