Huyện Củ Chi (TPHCM) được biết tới với những biệt danh “vùng đất thép”, “tam giác sắt” trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Giờ đây vùng đất chịu nhiều bom đạn năm xưa đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”, trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM.
Đất thép nở hoa
Nằm dưới giàn lưới giữ ẩm và hệ thống phun tưới nước tự động, trang trại trồng hoa lan mokara của ông Bùi Văn Cường ở xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi) là một quy trình khép kín, được đầu tư 5 tỷ đồng với khoảng 120.000 gốc lan cắt cành. Sau khi vay nguồn vốn ưu đãi thông qua huyện Củ Chi, ông đầu tư vườn lan này để cắt cành bán hàng ngày. Trung bình mỗi tháng ông Cường cắt được khoảng 70.000 cành hoa lan, thu nhập khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Trong đó chủ yếu là lan mokara đỏ, vàng chanh và tím.
Được biết, sản xuất hoa lan công nghệ cao như ông Cường ở huyện Củ Chi khá phổ biến, thậm chí với quy mô lớn hơn nhiều. Như vườn lan của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền ở xã An Nhơn Tây với diện tích gần chục héc-ta cùng khoảng 320.000 gốc mokara và hơn 80.000 gốc denro. Đây là một trong những vườn lan được đầu tư bài bản theo công nghệ sản xuất hiện đại và đạt doanh thu từ 13 - 15 tỷ đồng mỗi năm.
Sản xuất hoa lan công nghệ cao là mô hình thu hút rất nhiều nông dân ở Củ Chi tham gia bởi dễ tiêu thụ, không cần nhiều diện tích đất canh tác, được hỗ trợ nguồn vốn… Hiện ở Củ Chi cũng có nhiều hợp tác xã (HTX) hoa lan thu hút hàng chục nông dân tham gia, nằm rải rác khắp các xã trong huyện. Đặc biệt, những vườn lan ở đây đều được chăm sóc tự động, máy móc tưới theo giờ, được lập trình sẵn và sự tham gia của con người chỉ ở khâu kiểm tra, thu hoạch sản phẩm.
Không chỉ có hoa lan, Củ Chi hiện đã được quy hoạch là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM với rất nhiều sản phẩm đa dạng khác nhau. Trong đó, sản xuất cá cảnh cũng là thế mạnh dù nơi này không có nhiều sông nước tự nhiên. Nằm sâu trong cánh đồng ở ấp Cây Trôm (xã Phước Hiệp) là một trang trại nuôi cá cảnh với bề ngoài khá đơn sơ. Thế nhưng, trung bình mỗi tháng nơi đây xuất khoảng 700.000 con cá các loại như moly, hắc kỳ, hồng kim, bảy màu, cánh buồm… đi nhiều nước trên thế giới như EU, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Dẫn chúng tôi đi xem khu vực nuôi và nhân giống cá cảnh, ông Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn cho biết, HTX hiện có 13 thành viên góp vốn và nhiều hộ nông dân ở trong xã làm việc theo mô hình vừa có lương hàng tháng, vừa có chia cổ tức lợi nhuận định kỳ. HTX chính thức được thành lập năm 2013 nhưng thực tế trước đó gần 10 năm, đây là nơi nuôi cá cảnh của một số người dân tâm huyết. Đây cũng là nơi dẫn đầu về lượng cá cảnh xuất khẩu trên địa bàn TPHCM và đem về nguồn ngoại tệ khoảng 2 triệu USD mỗi năm. HTX còn bao tiêu xuất khẩu cho một số nông dân nuôi cá cảnh ở Bình Dương, Đồng Nai nhờ thương hiệu uy tín lâu năm với thị trường.
Cũng theo ông Thủy, ngoài việc đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, nhân giống, chăm nuôi thì hiện HTX đang tích cực tổ chức theo hướng đảm bảo an toàn (theo tiêu chuẩn phòng dịch EU), nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm đặc trưng… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao thị trường thế giới.
Quan sát hàng trăm các bể cá bằng kính, hàng trăm những hồ xi-măng sử dụng để nhân giống, lai tạo, chăm sóc và hàng chục nông dân đang miệt mài phân loại, kiểm tra sức khỏe, quy trình nuôi dưỡng những loại cá cảnh nhỏ bé, sặc sỡ màu sắc ở HTX chúng tôi mới thấy, làm nông nghiệp công nghệ cao ngoài máy móc, quy trình hiện đại thì cũng cần bàn tay và hiểu biết, sự tỉ mỉ của con người nữa.
Làm giàu trên quê hương mình
Những ngày này, đi trên các tuyến đường ở Củ Chi, từ Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây cho tới Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ hay An Nhơn Tây, Phú Hoà Đông… vẫn có rất nhiều vườn cao su bạt ngàn. Thực tế, ngành nghề này không cần nhiều đất đai để sản xuất. Chỉ cần vài nghìn mét vuông cùng ứng dụng khoa học hiện đại, nông dân Củ Chi có thể dễ dàng thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Điều cũng khá đặc biệt là những con đường ở huyện Củ Chi hầu hết đều mang tên các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó là những con đường mang tên Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành, Bùi Thị Điệt, Đoàn Thị Mối, Nguyễn Thị Rạng… đã có nhiều hy sinh, đóng góp to lớn và thầm lặng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Tiếp nối truyền thống giàu lòng yêu nước của mảnh đất nằm ven thượng nguồn sông Sài Gòn, nhiều bạn trẻ ở quê hương Củ Chi hôm nay cũng nỗ lực để làm giàu, mang tới những giá trị thiết thực cho cuộc sống trong thời đại mới. Trong đó, có anh nông dân Bùi Minh Thắng (34 tuổi, ở xã Hòa Phú), người từng được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM (năm 2017) cũng như nhận Giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn thanh niên về những nỗ lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở vùng đất Củ Chi.
Anh Bùi Minh Thắng chia sẻ, anh luôn tự hào là một người con của vùng đất Củ Chi giàu truyền thống cách mạng, yêu nước. Ngay từ khi tốt nghiệp THPT, gia đình đã có kế hoạch cho anh Thắng đi du học ở Nhật Bản. Sau đó, anh quyết định trở về quê hương Củ Chi để phụ giúp gia đình trồng nấm. “Mặc dù ba mẹ đã trồng nấm từ lâu và bản thân tôi cũng có một số kinh nghiệm phát triển phôi, chăm sóc nấm nhưng khi quyết định chọn con đường gắn bó với nấm, tôi nghĩ phải thay đổi. Từ kiến thực thực tiễn của gia đình, tôi lên mạng internet học hỏi và quyết định trồng nấm theo mô hình công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác. Ngoài nấm mèo thông thường như trước, tôi quyết định chọn sản xuất thêm nấm bào ngư, nấm linh chi…” - anh Thắng chia sẻ.
Nhưng từ ý tưởng và quyết tâm cho tới thực tế đến thành công là một quãng đường dài có nhiều sự gian khổ của chàng trai trẻ. Thậm chí đan xen trong đó không ít lần anh Thắng phải nhận những bài học để có thể tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Hiện nay, ngoài việc sản xuất nấm để cung cấp cho các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích thì trang trại của anh Thắng còn sản xuất phôi nấm để cung cấp cho các trang trại khác.
Điều đặc biệt nhất ở chàng trai trẻ này là anh luôn đặt quê hương, mảnh đất Củ Chi trong suy nghĩ và kinh doanh. Đó là động lực khiến anh Thắng quyết định giúp đỡ về công nghệ và kinh nghiệm để đưa quy trình sản xuất nấm của mình phục vụ bà con nông dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) và đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang). Do điều kiện cách xa đất liền, khí hậu khắc nghiệt nên việc trồng nấm để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cuộc sống trên các đảo này là niềm hạnh phúc thiết thực cho nhiều người.
50 năm qua, với các thế hệ con người ở Củ Chi, mảnh đất này đã thay da đổi thịt. Bởi từ vùng đất khô cằn đầy nắng gió này, những sản phẩm của nông dân Củ Chi đã vươn đi khắp năm châu, không chỉ tiếp nối truyền thống vẻ vang của quê hương mà còn giúp cho đời sống ngày nay thêm sung túc, phù hợp với thời đại mới, kỷ nguyên mới.
Xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị
Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (TPHCM) cho biết, nông nghiệp tại huyện Củ Chi được định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị. Theo đó, huyện Củ Chi tập trung trồng và chăn nuôi những cây, con chủ lực, theo chỉ đạo của TPHCM. Đến nay, huyện Củ Chi có khoảng 2.000 ha phục vụ sản xuất, trồng trọt hoa màu. “Chúng tôi tập trung xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao để phát triển các sản phẩm đặc trưng ở Củ Chi; phát triển làng nghề; tạo ra những sản phẩm OCOP. Ví dụ như các sản phẩm cây ăn trái, rau củ quả… của Củ Chi có lợi thế cạnh tranh cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, cần được chú trọng đầu tư để vươn xa hơn nữa trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống bà con nông dân” – ông Đức nói.