Châu Âu là thị trường khó tính, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông sản, thủy sản nhập khẩu. Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam đã đứng chân tại thị trường nhiều quốc gia châu Âu. Tuy thế, tại thời điểm này doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang phải đối diện nhiều thách thức.
Chế biến tôm xuất khẩu.
Thị trường khó tính
Nếu nói về sản lượng xuất khẩu hàng nông sản ra thị trường thế giới, EU chính là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Sở dĩ, thị trường EU ưa chuộng các sản phẩm nông sản của Việt Nam là bởi, đây là khu vực không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới.
Trong khi đó, Việt Nam lại là nước dồi dào các sản phẩm nông sản, hầu như đáp ứng được tất cả nhu cầu của người dân EU. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường rất khó tính nếu không muốn nói là khắc nghiệt. Hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này đều phải đạt được những quy chuẩn rất khắt khe liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính bởi vậy, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, các DN Việt Nam muốn tìm cơ hội ở thị trường EU cần phải đáp ứng được tất cả các quy chuẩn khắt khe tại thị trường này. Điều này cũng đồng nghĩa, chất lượng hàng hóa phải luôn được nâng lên, đáp ứng mọi điều kiện, quy chuẩn của bên nhập khẩu.
Trên thực tế, hiện nay nhiều DN Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU. Nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại EU như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải… Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), các DN nông sản, thực phẩm Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu, có khả năng cung ứng cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và kênh phân phối cao cấp của châu Âu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với sổ lượng lớn. Đáng chú ý, được sự hỗ trợ xúc tiến thương mại của cơ quan quản lý, nhiều DN đã được cập nhật thông tin, mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu để có thể giữ vững được vị thế của mình tại thị trường châu Âu.
Là DN chuyên xuất khẩu mật ong, ông Nguyễn Thành Tâm - Giám đốc Công ty ông Minh Tâm chia sẻ, sản phẩm DN từ chỗ không có tên tuổi, nay đã nằm trong top các DN xuất khẩu mật ong vào thị trường châu Âu.
“Từ chỗ không được ai biết đến xuất khẩu, sau khi đầu tư nguồn thông tin và làm thương hiệu theo sự hỗ trợ tiếp thị của Chương trình hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường châu Ầu, đến nay sản phẩm của DN đã có chỗ đứng tại thị trường này với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng” – ông Tâm cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc – Trưởng phòng Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, hiện nay, thế giới chưa biết nhiều đến các sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu của Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức quản lý cũng như tổ chức xúc tiến thương mại đã và đang tạo điều kiện cho các DN xây dựng thương hiệu mạnh để từ đó thế giới biết đến Việt Nam như một cường quốc xuất khẩu nông sản thực phẩm nổi tiếng của thế giới.
Sản phẩm xuất khẩu không chỉ là sản phẩm thô mà phải toàn diện.
Chất lượng… và hơn thế
Mặc dù đã có được nhiều thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường EU, song theo các chuyên gia, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU còn có nhiều thách thức cùng những rào cản vướng mắc về chính sách, những quy định khắt khe đối với hàng nhập khẩu nông sản của nhiều nước nói chung, trong đó có Việt Nam.
Theo chia sẻ của ông Reindert Dekker – chuyên gia tư vấn cao cấp của Tổ chức CBI Hà Lan, nông sản thực phẩm là ngành truyền thống, là thế mạnh của Việt Nam song cũng đòi hỏi sự cải tiến và thay đổi liên tục. “Các DN, ngành ngành hàng cần biết được xu hướng thay đổi của thị trường cũng như nhu cầu của thị trường, nếu không làm được điều này sẽ rất khó thích nghi để đưa ra được sản phẩm mới và phân khúc thị trường mới” – ông Reindert Dekker nêu quan điểm.
Dẫn ví dụ đối với sản phẩm hạt dinh dưỡng của Việt Nam như lạc hay hạt điều, ông Dekker nhìn nhận, Việt Nam rất mạnh trong việc chế biến sản phẩm thô, nhưng các DN Việt Nam lúc nào cũng thường trực ý tưởng và thị trường mới để xuất khẩu rồi bỏ quên thị trường truyền thống. Vị này khuyến cáo, các DN cần phải coi trọng cả thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần phải nắm bắt được xu hướng, nhu cầu tiêu dùng của người dân để cung ứng những sản phẩm vừa chất lượng, vừa đẹp mắt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, theo ông Dekker, kiến thức của người tiêu dùng trên thế giới hiện nay cũng cao hơn rất nhiều nên đòi hỏi của họ cũng cao hơn.
Trong đó, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến sản phẩm phải ngon mà còn tốt cho cơ thể và môi trường và không sử dụng nô lệ lao động…nói chung là người tiêu dùng đòi hỏi một sản phẩm phải toàn diện. Chính vì thế, để nâng cao năng lực xuất khẩu vào EU, các DN cần đi theo một xu hướng mới. Xu hướng đó chính là tạo ra sản phẩm không chỉ theo cách làm việc chăm chỉ và sản phẩm tốt trong nhà máy, mà còn phải quan tâm đến thương hiệu, cách trình bày sản phẩm và phương pháp truyền thông.
“Sản phẩm xuất khẩu ngày nay không thể chỉ là sản phẩm thô mà phải là một sản phẩm toàn diện, minh bạch, có tính văn hóa, có trải nghiệm, có cảm xúc va có hình ảnh. Để làm được điều này, các DN phải nỗ lực xây dựng thương hiệu và phải tự hào với chính sản phẩm của mình” – vị chuyên gia Hà Lan nhấn mạnh.