Thị trường thực phẩm ngày càng rộng mở là cơ hội để sản phẩm trong nước tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng thế giới. Đặc biệt là nông sản. Tuy nhiên, đi cùng với lợi thế này là tiêu chuẩn thị trường ngày càng khắt khe...
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tại Diễn đàn về đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn nông sản vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TPHCM, nhiều ý kiến đánh giá, mức độ hiểu biết của người tiêu dùng về chất lượng thực phẩm có khi còn sâu hơn người sản xuất nên người tiêu dùng luôn có sự đề phòng và nghi ngờ với các sản phẩm nông sản trên thị trường, dù cho đó là những sản phẩm của HTX, doanh nghiệp (DN) đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ được phân phối vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Những nghi ngờ của người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế hiện nay, nhiều HTX, DN chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và khẳng định được chất lượng nông sản trên thị trường.
Theo ông Dương Văn Sáu – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn đang bị chia cắt và nông dân là những người đồng hành cùng DN nhưng lại là người thiệt thòi nhất. Câu chuyện “được mùa mất giá” vẫn thường xảy ra. “Nông nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hoá năng cao năng suất lao động, thực hiện phân công lại lực lượng lao động trong nông nghiệp. Đặc biệt muốn đi sâu hơn vào thị trường quốc tế, thực phẩm phải tuân thủ chặt chẽ những tiêu chuẩn của quốc tế” – ông Sáu nhấn mạnh.
Đề cập đến những khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, chuyên gia ngành nông nghiệp -TS Bùi Phước Hòa cho biết, chi phí kiểm nghiệm, giám định sản phẩm đang ở mức cao, hạ tầng chưa đồng bộ, thời gian kiểm soát các quy trình dài. Trong khi đó, thói quen sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, nhất là tại các hộ gia đình vẫn còn thực hiện theo kiểu truyền thống, khó quản lý. “Điều này có thể gây mất uy tín cho sản phẩm chung của các hộ nông dân và cho cả doanh nghiệp, HTX thực hiện tốt các quy định” - ông Hòa đánh giá.
Cần người dẫn đường có tâm và có tầm
Từ những khó khăn trên, ông Hoà đề xuất, Nhà nước cần nhất quán các chính sách, tránh tình trạng “nay một kiểu, mai lại ra một kiểu” làm cho người sản xuất trở tay không kịp; hỗ trợ người sản xuất bằng cách huấn luyện, đào tạo về tiêu chuẩn, quy định, cách làm. Đối với DN và HTX thì cần tìm hiểu khách hàng để định hướng đầu ra, chia sẻ lợi ích, cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn, giữ chữ tín với đối tác. “Đặc biệt với HTX cần phải minh bạch trách nhiệm cùng lợi ích đối với nhà nông. Nhất là trong mỗi HTX cần một người đứng đầu có tâm và có tầm” - ông Hòa nói.
Ông Dương Văn Sáu bày tỏ mong muốn, thúc đẩy tích tụ ruộng đất thông qua hỗ trợ nông hộ dồn điền, đổi thửa. Khuyến khích hình thành các HTX, tổ chức liên kết các nông hộ. HTX và các tổ chức này sẽ có vai trò cầu nối trung gian, đại diện các nông hộ đứng lên thỏa thuận với DN, đảm bảo sự cam kết của các bên tham gia. “Với cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế và có các chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp làm tốt vai trò dẫn dắt trong mối liên kết sản xuất, tiêu thụ” - ông Sáu kiến nghị.
Trong khi đó, TS Bùi Phước Hòa cũng nhấn mạnh, DN và HTX cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật, và yêu cầu về an toàn thực phẩm của thị trường. Ngoài ra, cần đầu tư máy móc thiết bị, nghiên cứu sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, tiêu chuẩn là chuẩn mực chung nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng của khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản đang gặp phải một số khó khăn. “Người nông dân cần đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm đi cùng với lợi ích. Họ cũng cần có người dẫn đường có tầm và có tâm để giúp họ hiểu được lợi ích khi tuân thủ tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm” - bà Hạnh gợi ý.