Thống kê từ Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Thanh Hóa cho thấy: Chỉ tính từ quý IV-2020 đến trung tuần tháng 3/2021, toàn tỉnh đã có hơn 20 xã được thẩm định và công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương này, các tiêu chí đã hoàn thành vẫn chưa thực sự đạt đến chuẩn như tiêu chí đặt ra. Ở đó vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần được tỉnh Thanh Hóa cũng như các xã nhìn nhận thẳng thắn để có hướng khắc phục, đưa NTM thực sự mới như yêu cầu.
Sau hơn 10 năm bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM, có thể thấy nông thôn xứ Thanh đã có những thay đổi mang tính cơ bản. Cùng với những thay đổi này, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, tại một số xã đã về đích, các tiêu chí như: Môi trường, tỉ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, đường giao thông nông thôn... vẫn chưa thực sự đạt chuẩn như tiêu chí đặt ra. Ở đâu đó vẫn có tình trạng châm chước trong quá trình thẩm định của các cơ quan chức năng.
Đồng hành cùng Đoàn Thẩm định xã đạt chuẩn NTM tỉnh Thanh Hóa về thẩm định mức độ đạt chuẩn NTM xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc cách đây chưa lâu, chúng tôi được chứng kiến và ghi nhận một số vấn đề chưa thực sự đạt chuẩn như mong đợi ở một xã NTM.
Cơ sở hạ tầng ở phần xã Triệu Lộc (cũ) khá khang trang. Tuy nhiên, phần xã Châu Lộc (cũ) mới được sáp nhập vào xã Triệu Lộc (mới) lại có nhiều bất cập, hạn chế. Điển hình như trong tiêu chí làm đường giao thông nội thôn, nhiều đoạn đường liên thôn khá nhỏ hẹp, quanh co, lòng đường chỉ được đổ bê tông rộng khoảnh hơn 2m. Đơn cử như đoạn đường trục chính của thôn Tam Đa, đường chỉ được đổ bê tông phần lòng đường khá hẹp, hai bên lề không được gia cố, trũng sâu gây mất an toàn giao thông và mất mỹ quan.
Thêm vào đó, một số nhà văn hóa thôn do được tận dụng sửa chữa lại để sử dụng nên chưa thật sự đạt chuẩn theo quy định, phần sân chơi và tập luyện thể dục thể thao cho bà con nhân dân bị thiếu hoặc không đạt như tiêu chuẩn. Tuy nhiên, phần vì ghi nhận những thành quả của xã cũ, phần vì những hạn chế có thể khắc phục được nên vẫn được các thành viên Đoàn Thẩm định xã đạt chuẩn NTM tỉnh Thanh Hóa “châm chước”, thống nhất công nhận đạt chuẩn NTM đối với Triệu Lộc.
Tại xã vùng biển Đa Lộc, địa phương mới được thẩm định đạt chuẩn NTM. Ngay từ đầu xã, mùi hôi thối từ các cơ sở chế biến hải sản vẫn phảng phất trong không khí, dọc đê chắn sóng, rác thải sinh hoạt vẫn tồn tại do ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường chưa được duy trì. Có thể thấy, vấn đề môi trường ở đây chưa thực sự đạt chuẩn như mong đợi, công tác vệ sinh môi trường trong các khu dân cư cần tăng cường hơn nữa, nhất là việc trồng thêm cây xanh, trồng hoa bên các tuyến đường thôn xóm.
Về tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, các xã trên địa bàn tỉnh muốn đạt chuẩn NTM phải đạt ngưỡng từ 46 triệu đồng/người/năm trở lên, nhưng nhiều địa phương vừa đạt chuẩn chỉ mới chạm ngưỡng tối thiểu. Cụ thể các xã: Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa; Hà Thái, huyện Hà Trung; xã Tượng Lĩnh, Yên Mỹ và Thăng Bình, huyện Nông Cống; Định Hải, thị xã Nghi Sơn; Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc và xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, hiện thu nhập bình quân mới đạt từ 46,02 đến 46,3 triệu đồng/người/năm.
Tuy đã được thẩm định đạt chuẩn NTM, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo ở các xã nói trên vẫn còn khá cao. Ngoài xã miền núi Ngọc Trung có tỷ lệ hộ cận nghèo lên tới 25,12%, thì nhiều xã ở khu vực đồng bằng cũng có tỷ lệ hộ cận nghèo không hề thấp. Đơn cử như tại các xã: Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa và xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn lần lượt có tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 17,7% và 17,25% tổng số hộ trong xã. Tại vùng biển, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc có tỷ lệ hộ cận nghèo 10,61%; xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn cũng có tỷ lệ hộ cận nghèo 9,97%. Rõ ràng, để tránh tình trạng tái nghèo, trong thời gian tới, các xã cần phải quan tâm hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những nhận định và chỉ rõ những tiêu chí chưa tốt, cần khắc phục. Tại xã Thiệu Thành, nhiều tuyến ngõ xóm chưa được gọn gàng, có xu hướng chỉ tập trung cho những tuyến đường chính. Ở xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, công tác vệ sinh môi trường đã được triển khai nhưng kết quả chưa cao. Với xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, nhiều tuyến đường xã, đường thôn mới đạt kích thước tối thiểu, xã cần tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhất là các tuyến đường đi đến các thôn Đông Thành, Yên Trung.
Việc hoàn thành và đạt chuẩn NTM tại các xã miền xuôi đã khó khăn thì với các địa phương tại miền núi của Thanh Hóa lại càng khó khăn gấp bội. Điển hình như tại xã miền núi Lũng Niêm, huyện miền núi Bá Thước. Tại đây, các tuyến đường ở địa bàn hai bản Lạn Trong, Niêm Thành còn khá quanh co nhỏ hẹp, nhiều đoạn chưa được đầu tư kiên cố. Còn tại xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, một số công trình hạ tầng vẫn còn trong tình trạng dang dở, chậm tiến độ, đường giao thông còn nhiều bụi đất, một số đoạn xuống cấp gây khó khăn trong đi lại. Cảnh quan môi trường tại xã miền núi này cũng chưa được gọn gàng, một số nhà văn hóa cấp thôn chưa được quan tâm chỉnh trang.
Trên thực tế, có những tiêu chí mang tính chất định tính như bảo đảm an ninh trật tự, sự hài lòng của người dân, các xã tự đánh giá là đạt, tuy nhiên vẫn chưa thực sự khách quan. Tại nhiều xã, sau khi được công nhận đạt chuẩn, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế giảm ngay...
Sự “châm chước” trong đánh giá, thẩm định chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM tại các xã đôi khi là yếu tố động viên, khích lệ đối với những địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, để NTM thực sự… mới, thiết nghĩ chính quyền các cấp cũng như Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tại Thanh Hóa vẫn cần phải có cái nhìn thẳng thắn vào những những hạn chế mới có thể nỗ lực khắc phục và hoàn thiện.