Mặc dù không phải là xã điểm về xây dựng nông thôn mới nhưng với những nỗ lực rất lớn, sau 5 năm thực hiện, xã Ninh Thắng huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã đạt 19/19 tiêu chí quốc gia. Nông thôn mới đã khoác áo mới cho mảnh đất địa linh này.
Những giá trí văn hóa luôn được người dân Ninh Thắng gìn giữ, phát huy.
Xã Ninh Thắng xưa thuộc tổng Vũ Lâm, nay thuộc huyện Hoa Lư. Mảnh đất địa linh này từng in dấu các vua nhà Trần. Hơn 700 năm trước, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285), Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã lui binh về chốn này. Nơi đây còn gắn với các sự kiện vua tôi nhà Trần vi hành, khai khẩn lập ấp, xuất gia tu hành, mở mang phật giáo.
Tại Ninh Thắng những tên đất, tên làng còn lưu truyền đến ngày nay đã phần nào chứng minh điều đó. Nơi vua từng ở, nay mang tên là thôn Hành Cung. Nơi các quan vào trình báo nhà vua là thôn Tuân Cáo. Nơi hạ mái chèo trước khi vào cung là thôn Hạ Trạo. Nơi đặt kho lương là thôn Khả Lương…
Về Ninh Thắng những ngày đầu xuân mới cảm nhận được những đổi thay của mảnh đất địa linh này. Mặc dù không phải là xã điểm về xây dựng nông thôn mới nhưng với những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương sau 5 năm thực hiện, xã Ninh Thắng đã đạt 19/19 tiêu chí quốc gia.
Những đổi thay tích cực trong xây dựng nông thôn mới đến từ chính những đóng góp của người dân nơi đây. Đi trên tuyến đường trục thôn mới được hoàn thành rộng 4m, ông Hoàng Văn Nho – Bi thư chi bộ thôn Hành Cung phấn khởi cho biết, trước kia đường sá ở đây nhỏ hẹp lắm, mặc dù đã được cứng hóa từ rất lâu nhưng qua quá trình sử dụng đã xuống cấp. Nhiều hộ gia đình trong thôn thấy con đường đẹp đẽ, họ tự bỏ kinh phí ra xây lại cổng, tu sửa tường bao, làm đường vào nhà cho phù hợp. Nhờ đó mà bộ mặt nông thôn từng ngày đổi thay. Từ khi đường giao thông đã được mở mang, việc sản xuất nông nghiệp sau khi thu hoạch, lúa ngoài đồng có thể dùng xe cơ giới chở về đến tận nhà, không phải gánh gồng như trước.
Không chỉ ở Hành Cung mà tại các thôn Khả Lương, Tuân Cáo, Hạ Trạo của xã Ninh Thắng cũng lần lượt thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để từng bước hoàn thành những con đường bê tông liên xóm, liên thôn kiên cố. Đường thông, hè thoáng, đường điện thắp sáng cũng được lắp đặt, đời sống được cải thiện lên rất nhiều, người dân thực sự được hưởng lợi từ chính sách này của Nhà nước.
Những đổi thay ở Ninh Thắng không chỉ từ những con đường, những công trình phúc lợi xã hội mà còn đến từ chính việc phát triển ngành nghề, giảm nghèo bền vững nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Chủ tịch UBND xã Ninh Thắng Đỗ Văn Dân cho biết, trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông là dễ nhìn thấy nhất và cũng dễ huy động sức dân nhất, nhưng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là phải hoàn thành cả 19 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí rất khó thực hiện, như tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường.
Để giải bài toán những tiêu chí khó là thu nhập và hộ nghèo, theo ông Dân địa phương luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống, thu nhập của nhân dân, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn xã, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh những mô hình kinh tế trang trại, gia trại, khuyến khích các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp.
Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người trong xã từ 18,2 triệu đồng/người năm 2010 đã tăng lên 27,7 triệu đồng/người năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 14% năm 2010, nay chỉ còn 2,3%, giảm hơn 10%.
Những ngày cuối tháng 9/2015, xã Ninh Thắng được đón nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” của UBND tỉnh Ninh Bình. Điều đáng nói là khi bắt đầu triển khai thực hiện, xã Ninh Thắng mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Việc hoàn thành thêm 12 tiêu chí còn lại trong khoảng thời gian 5 năm được đánh giá là thành công quan trọng trong đó cố gắng chung của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân địa phương.
Từ thành công trên, ông Đỗ Văn Dân chia sẻ, chính quyền và nhân dân Ninh Thắng sẽ không thỏa mãn, dừng lại mà sẽ tiếp tục phát huy, hoàn thiện các tiêu chí để việc xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.