Mặc dù kỳ tuyển sinh đầu cấp còn khoảng 5 tháng nữa mới diễn ra nhưng thời điểm này đã trở thành tâm điểm chú ý của các bậc phụ huynh có con chuẩn bị đi học hoặc chuyển cấp.
Không lo sao được bởi dù có đúng tuyến nhưng đã từng xảy ra việc bốc thăm trúng tuyển ở bậc mầm non, quá tải vào lớp 1, lớp 6 hay cả vạn học sinh phải học trường dân lập. Mặc dù đã có các phương án chuẩn bị nhưng tình trạng căng thẳng, quá tải tại các trường công lập mỗi kỳ tuyển sinh vẫn xảy ra, và kỳ tuyển sinh năm học 2018 -2019 tại Hà Nội bắt đầu nóng…
Phụ huynh chen chúc nộp hồ sơ cho con vào lớp 6
Cho dù học kỳ 2 của năm học này mới đi qua ít lâu, cùng với đó phương án tuyển sinh mới cũng chưa được công bố chính thức, nhưng cuộc đua vào lớp 6 của nhiều bậc phụ huynh tại Hà Nội đã “nóng”.
Theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, dự kiến kế hoạch cũng như phương án tuyển sinh đầu cấp tại các trường công lập năm học 2018-2019 sẽ được công bố trong tháng 3-2018. Trước đó, cuối tháng 12/2017 Bộ GDĐT công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Bộ dự kiến cho phép một số trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 có số lượng học sinh đông hơn dự kiến theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay.
Theo đại diện một số trường THCS, việc tuyển sinh dựa trên học bạ có thể không chính xác. Điều đó được thể hiện khi việc kiểm tra kiến thức đầu năm học lớp 6, nhiều học sinh có học bạ đẹp nhưng kiến thức thực sự không như vậy. Mặt khác, có một số trường lại cho rằng, việc đánh giá kết quả học ở các trường Tiểu học rất khác nhau. Vì vậy, với việc bổ sung quy định trên, lãnh đạo nhiều trường THCS đã bày tỏ vui mừng vì có thể chọn lựa được học sinh giỏi vào trường. Tuy nhiên, cách thức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh như thế nào để hạn chế tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan và các trường THCS có số lượng thí sinh đăng ký đông vẫn tuyển chọn được học sinh một cách khoa học, thực chất lại là điều mà ngành giáo dục và các trường vẫn còn đang loay hoay tìm lời giải.
Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho hay, nếu Bộ GD&ĐT cho áp dụng việc đánh giá năng lực ở một số trường, Sở sẽ khảo sát, đánh giá để có phương án phù hợp nhất. Việc Bộ GDĐT đưa ra dự thảo cho phép một số trường có số học sinh đăng ký vượt quá so với chỉ tiêu được tổ chức đánh giá năng lực là phù hợp. Với quan niệm học - thi, nhiều người cho là quá tải. Tuy nhiên, nếu học mà không tổ chức thi sẽ kém hiệu quả. Khi một trường có số đăng ký vào học vượt quá so với chỉ tiêu, bản thân các trường cần lên các phương án để kiểm tra, xét tuyển.
Thay đổi cách tuyển sinh vào lớp 6 là cần thiết.
Trước băn khoăn của dư luận về vấn đề cho phép một số trường được tổ chức thi đánh giá năng lực vào lớp 6 sẽ dẫn đến tình trạng luyện thi, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho rằng, hiện các trung tâm dạy và học ở Hà Nội vẫn diễn ra bình thường, kể cả có tổ chức thi đánh giá năng lực hay không bởi nhu cầu học là có thật. Đó cũng là nguyện vọng của phụ huynh học sinh nên không phải vì như thế mà các trung tâm luyện thi nhiều hơn. Cũng có thể có trường hợp các trung tâm luyện thi sẽ nhiều hơn bởi khi có phương án thi, người ta sẽ hay học theo để thi.
Vậy còn đối với một số trường có kiểm tra Ngoại ngữ trong khi quy định, học sinh tiểu học không được khảo sát, đại diện Sở GDĐT khẳng định, cấp tiểu học không được thi cử, khảo sát mà chỉ được xét tuyển. Theo đó, căn cứ nhu cầu của trường để nhà trường có cách này hoặc cách khác để xét tuyển, còn Sở không thể áp đặt.
Trước đó, năm học 2017-2018, thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu tuyển sinh 109.300 học sinh vào lớp 6 THCS. Trong khi Bộ GDĐT nghiêm cấm các trường THCS tuyển sinh đầu cấp dưới mọi hình thức thì nhiều trường được đánh giá là có chất lượng đào tạo tốt tiếp nhận số lượng hồ sơ đăng ký vượt quá chỉ tiêu được giao gấp 4 đến 5 lần. Vì vậy, nhiều trường đã đưa ra tiêu chí riêng để chọn lựa học sinh như: có giải ở các cuộc thi học sinh giỏi, tiếng Anh... Để đáp ứng yêu cầu đó, nhiều phụ huynh đã nghĩ tới việc cho con học thêm để có thêm giải thưởng ở các cuộc thi trí tuệ nhằm củng cố học bạ “đẹp”.