NSND Lan Hương đã để lại dấu ấn sâu đậm trong công chúng qua nhiều vở kịch, bộ phim điện ảnh, truyền hình. Sau hơn 40 năm làm nghề, dù đã ở tuổi hưu nhưng bà vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp diễn xuất. Bà chia sẻ, tôi không sống bằng những hào quang của quá khứ bởi điều tôi hướng đến là những vai diễn tương lai.
PV: Bộ phim truyền hình “Gia đình mình vui bất thình lình” vừa kết thúc. Là một trong những diễn viên chính của phim, cảm xúc hiện tại của bà như thế nào?
NSND LAN HƯƠNG: Tôi rất vui khi bộ phim được khán giả đón nhận nhưng cái gì cũng sẽ đến hồi kết, chỉ có điều là khi làm phim, tất cả các thành phần của đoàn làm việc với nhau giống như một gia đình.
Ở đấy, tôi và NSND Bùi Bài Bình như bố mẹ của các bạn, kể cả hai bạn đạo diễn còn rất trẻ. Các bạn cũng rất quý và quan tâm chúng tôi. Khi bộ phim kết thúc cũng khiến cho tôi cảm thấy nhớ các bạn ấy và mong sẽ được gặp lại các bạn ở một bộ phim khác.
Khi quay bộ phim trên, khó khăn lớn nhất mà đoàn gặp phải là gì?
- Trong quá trình quay “Gia đình mình vui bất thình lình” có lẽ vấn đề thời tiết là điều khó khăn nhất mà đoàn làm phim phải đối mặt. Chẳng hạn có những cảnh quay vào cuối năm 2022 là giai đoạn thời tiết lạnh nhất, trong khi đó phục trang như các bạn thấy ở trong phim cũng chỉ có một cái áo gi lê, một cái áo len mỏng là ấm nhất rồi. Thế còn đến giai đoạn sau này thì cả đoàn cũng phải quay vào những ngày nắng nhất ở Hà Nội, ai cũng phải cố gắng gấp nhiều lần.
Hiện sức khỏe, tuổi tác có ảnh hưởng nhiều đến bà khi làm phim? Trong quá trình làm việc với đội ngũ đạo diễn, diễn viên trẻ của đoàn, là một nghệ sĩ gạo cội, bà có cảm thấy khó khăn khi bắt nhịp?
- Bản thân đã qua tuổi 60 nên những ngày quay phim cũng khiến tôi khá mệt. Chẳng hạn như việc ngày trước tôi có thể học lời rất nhanh nhưng bây giờ tốc độ đã chậm hơn và khả năng nhớ lời cũng không còn được như các bạn trẻ nữa, tôi phải nỗ lực hơn rất nhiều. Bên cạnh đó phải biết tự chăm sóc, tự lo từng bữa ăn phụ, từng viên thuốc bổ để uống bổ trợ. Bây giờ sức khỏe là rất quan trọng, nhưng vì niềm say mê được cống hiến nên tôi luôn cố gắng giữ sức khỏe một cách tốt nhất. Bởi ở tuổi này, khi đã về hưu mà vẫn được làm nghề mà mình thích, vẫn được đến gần với khán giả, vẫn gửi được những tâm tư, tình cảm, quan điểm sống, cách suy nghĩ của mình vào các vai diễn, đấy là điều hạnh phúc của tôi.
Còn về vấn đề bắt kịp với người trẻ, tôi cho rằng, các bạn trẻ hiện nay làm việc rất nhanh. Nếu như ngày xưa một tập phim có thể quay mất một tuần hay 10 ngày thì bây giờ một tập phim chỉ cần 3 - 4 ngày đã xong. Máy móc hiện đại cũng giúp cho quá trình làm phim nhanh và hiệu quả hơn. Khi làm việc với các bạn trẻ tôi cũng rất ngạc nhiên bởi tư duy của các bạn ấy rất tốt và đôi khi nó mang tới cho tôi một cảm nhận khác với người ở thế hệ của mình.
Chẳng hạn như diễn tả cảnh con cái bị bệnh mà bố mẹ lo lắng thì đạo diễn sẽ quay cảnh ông ngồi một chỗ, bà ngồi một chỗ. Ngồi như thế để miêu tả nỗi buồn của cha mẹ. Đó là cảnh rất đơn giản, không phải diễn nhiều nhưng lại cho khán giả cảm nhận được những lo lắng của bậc cha mẹ khi con cái của mình có chuyện.
Những cảnh quay thể hiện cách che đậy cảm xúc của các bạn trẻ khiến tôi rất ngạc nhiên và cũng phải tìm hiểu để thấy rằng là lớp trẻ bây giờ có những tư duy rất hay. Các bạn ấy đưa vào phim những chi tiết nhẹ nhàng thôi, nhưng lại nói lên một điều là sự đầm ấm của gia đình được xây dựng bởi những hành động, cách ứng xử rất nhỏ, rất nhẹ nhàng.
Những chi tiết đấy dường như là thế mạnh của các bạn trẻ, bởi vì các bạn đang sống trong xã hội hiện đại, và các bạn ấy cũng đã trải qua, hoặc là các bạn cũng đã cảm nhận được, biết được bây giờ cần gì, muốn gì và phải làm gì.
Trước đây, vào vai những bà mẹ chồng tai quái như: bà Phương (Sống chung với mẹ chồng), bà Hiền (Thương ngày nắng về) bà đã lấy chất liệu từ đâu để xây dựng hình tượng nhân vật?
NSND Lan Hương (tên thật là Nguyễn Thị Lan Hương) sinh năm 1961 tại Hà Nội. Từ nhỏ, bà đã rất đam mê sân khấu kịch, theo học lớp diễn viên kịch tại nhà hát và phát triển sự nghiệp tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Tại đây, bà tham gia vào nhiều vở diễn và đóng phim. Năm 2000, NSND Lan Hương đảm nhận vai chính Thủy trong bộ phim “Mùa ổi”. Với vai diễn này bà được trao giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Singapore lần thứ 14. Với những đóng góp vì nghệ thuật, năm 2011, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
- Xuất phát điểm của tôi là một diễn viên chuyên nghiệp, vì thế nên tôi cũng đi nhiều, làm việc nhiều và cũng gặp gỡ nhiều người. Bên cạnh đó tôi cũng hay đọc sách, xem phim và thấy ở đó có rất nhiều những hình mẫu ở ngoài xã hội mà mình có thể đưa vào nhân vật.
Ở những vai diễn trong phim tôi phải lấy tư liệu từ cuộc sống. Giống như bây giờ tôi nói với các bạn diễn viên trẻ là phải rất là chịu khó quan sát và chia sẻ với những người số phận con người ở ngoài xã hội thì đến khi hóa thân vào phim sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Bà Phương hay bà Hiền thì đều là một trong những nhân vật xuất hiện trong cuộc sống. Có nhiều khán giả cũng chia sẻ với tôi là nhân vật tôi đóng giống với mẹ chồng của họ hay giống với chính họ. Thế thì cả bà Phương hay bà Hiền dù có tai quái đến đâu cũng đều rất con người. Ai cũng có mặt tốt mặt xấu.
Khi vào vai, vai diễn yêu cầu tính cách nhân vật cần thể hiện nhiều tính đanh đá, chua ngoa hơn thì mặt xấu sẽ hiện lên rõ hơn, khán giả sẽ thấy nhân vật này ghê gớm. Nhưng nếu đứng về khía cạnh đời thực thì không có gì là sai vì con người không ai hoàn hảo, ai cũng có mặt tốt, mặt xấu.
Thế nên ở phim “Gia đình mình vui bất thình lình” sự đôn hậu, tình cảm yêu quý con cái của bà Cúc được thể hiện khá rõ nét. Ngược lại bà Phương trong “Sống chung với mẹ chồng” và bà Hiền trong “Thương ngày nắng về” lại đối lập hoàn toàn nhưng may mắn các vai diễn đều được khán giả đón nhận.
Trên màn ảnh bà thể hiện vai diễn mẹ chồng khó tính, khắt khe như vậy, thế còn ở ngoài đời thực, “mẹ chồng” Lan Hương là người như thế nào?
- Tôi tự nhận tôi là bà mẹ chồng rất khôn (Cười). Khác xa với mẹ chồng trên màn ảnh, tôi luôn thân thiện với các cô con dâu để biến con dâu thành con gái. Mọi người đều bảo tôi như vậy là “khôn” vì khi mình gần gũi với các con dâu đồng nghĩa với việc dễ gần gũi các cháu. Như vậy cũng khiến gia đình luôn có nhiều niềm vui, tiếng cười, đem lại năng lượng tích cực cho mọi thành viên trong gia đình.
Trong hành trình làm nghệ thuật, nhiều vai diễn đã đem lại cho bà thành công, vậy bà đã làm thế nào để vượt qua “cái bóng” đó?
- Tôi không sống bằng hào quang của quá khứ, bởi điều tôi hướng đến là những vai diễn tương lai. Với tôi người nghệ sĩ thực thụ không nên bằng lòng với những cái bản thân đã đạt được. Dù được khán giả đón nhận với vai Thủy trong "Mùa ổi" ở một bộ phim điện ảnh hay những vai mẹ chồng “quốc dân” ở phim truyền hình nhưng rất nhanh sau đó tôi sẽ cất gọn lại để dành toàn bộ cảm xúc cho vai diễn tiếp theo.
Mặc dù áp lực từ những vai diễn trước là có, nhưng khi sang vai mới tôi sẽ dành toàn tâm, toàn ý, toàn sức để thể hiện cho ra tính cách của nhân vật. Vì vậy mà mỗi lần được nhận kịch bản là một lần tôi phải suy nghĩ xem làm thế nào để xây dựng hình ảnh nhân vật, khắc họa hình tượng ra sao, biểu hiện cảm xúc như thế nào cho phù hợp, sau đó cùng với đạo diễn, ekip làm phim, hóa trang... để hoàn thiện tạo hình cho nhân vật.
Nếu xem qua các vai diễn thì dễ thấy NSND Lan Hương là một người cầu toàn trong công việc?
- Đúng vậy. Trong công việc, tôi luôn mong muốn phải hoàn thành một cách tốt nhất và tốt hơn. Khi được nhận vai, dù là vai chính hay vai phụ tôi đều nỗ lực hết mình bởi nó là một phần của bộ phim. Càng nhận vai nhỏ, thời gian diễn ít thì càng phải cố gắng nhiều hơn để gây được ấn tượng với khán giả.
Xuất phát điểm là một diễn viên chuyên nghiệp của nhà hát, nếu chọn giữa sân khấu và điện ảnh, bà sẽ chọn gì?
- Tôi bước chân vào nghề cùng với sân khấu cho nên tình yêu dành cho sân khấu sẽ không bao giờ phai được. Sân khấu cho tôi nghề diễn viên để kiếm sống, để được hóa thân vào nhiều nhân vật, được mang cảm xúc trực tiếp đến khán giả và truyền tải những thông điệp nhân văn... Mặc dù để được đứng trên sân khấu biểu diễn không phải là chuyện dễ dàng, bởi còn tùy thuộc vào đạo diễn, kịch bản, sự phù hợp của diễn viên... Chưa kể đến việc một vở kịch phải mất ít nhất gần một tháng tập luyện nhuần nhuyễn mới có thể cho ra mắt công chúng. Thế nhưng vì sân khấu là thánh đường, vậy nên cho đến bây giờ đó vẫn là nơi tôi dành chọn đam mê.
Tình yêu sân khấu của tôi là rất lớn, nhưng không có nghĩa là tôi không yêu điện ảnh, truyền hình. Với điện ảnh và truyền hình thì tôi lại được đến gần với khán giả trên khắp cả nước thông qua những vai diễn đậm tính cách nhân vật. Vì thế tôi yêu cả hai và sẽ cống hiến hết mình cho đến khi không thể.
Dù đã nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Việt Nam được 7 năm, nhưng có vẻ như bà còn bận rộn hơn trước. Hiện bà có đang tham gia vở kịch nào không?
Đã là một diễn viên chuyên nghiệp thì ở vai gì cũng có thể làm. Chỉ có điều là làm ở mức hoàn thành, hoàn thành tốt hay tốt hơn nữa. Vì vậy bản thân các diễn viên trẻ cần nhận thức rằng việc nhận được lời mời vào vai diễn là một niềm hạnh phúc, nếu là diễn viên chuyên nghiệp thì không nên kén chọn. Để sống với nghề lâu dài, lớp diễn viên trẻ cần phải tích lũy thêm kiến thức về văn học nghệ thuật, kiến thức cuộc sống và kiến thức về nghề nghiệp. Học ở trường thì sẽ nắm được những lý thuyết cơ bản, còn từ lý thuyết đó vận dụng vào thực hành sẽ góp phần quyết định sau này bạn trở thành ai trong tương lai. Cùng với đó quá trình làm việc đòi hỏi mỗi người phải có sự nỗ lực rất lớn.
NSND Lan Hương
- Thời điểm này tôi cùng Nhà hát Kịch Việt Nam đang tập vở “Bóng rối” của tác giả Vũ Hoàng Hoa. Đây là một tác giả Việt kiều trẻ, kịch bản của bạn ấy đã được giải thưởng ở Úc và đưa về Việt Nam để dàn dựng. Có thể nói đây là một vở kịch rất hiện đại, rất mới và rất lạ. Nếu không có gì thay đổi thì khoảng đầu tháng 10 vở kịch sẽ tổng duyệt để sẵn sàng ra mắt công chúng.
Trở lại sân khấu lần này cảm xúc của bà như thế nào?
- Tôi cảm thấy rất vui vì đã nghỉ hưu rồi mà vẫn may mắn được mời trở lại sân khấu. Trong quá trình tập luyện cho vở kịch này, tôi được cộng tác với các bạn trẻ, được các bạn ấy truyền cho rất nhiều năng lượng và bản thân tôi cũng học hỏi được nhiều thứ.
Chẳng hạn những người trẻ, họ có lối tư duy hiện đại, mới mẻ nên bản thân tôi cũng đã thay đổi để theo kịp các bạn ấy. Mặc dù đó là cả một vấn đề về khoảng cách thế hệ, nhưng tôi luôn lắng nghe với một thái độ tôn trọng và luôn hòa đồng cùng các bạn để hoàn thành vở kịch theo yêu cầu của đạo diễn.
Quan sát các diễn viên trẻ của nhà hát, bà nhận xét gì về thế hệ tiếp nối?
- Đối với các bạn diễn viên trẻ tôi đang làm việc cùng trong vở kịch “Bóng rối”, tôi thấy các bạn đóng vai chính đang làm rất tốt và thấy được tình yêu nghề lớn từ các bạn. Nhưng cũng có một vài bạn đóng vai quần chúng đang khá hờ hững.
Ở thế hệ chúng tôi, dù được phân vai nào đi chăng nữa thì khi được đứng dưới ánh đèn sân khấu đã cảm thấy hãnh diện và may mắn lắm rồi. Mặc dù vai diễn có thể nhỏ, chỉ có ít phút được chạy qua sân khấu thì đã là một niềm tự hào để phấn đấu. Nhưng bây giờ nếu như đạo diễn nói là hôm nay tập đến lớp kịch này chỉ có diễn viên chính, là các bạn đóng vai nhỏ hơn sẽ không có mặt.
Có vẻ như các bạn đang không mấy quan tâm, ngồi ở dưới thì bạn nào bạn ấy chăm chú vào màn hình điện thoại. Chính vì thế mà bây giờ đạo diễn vất vả hơn ngày xưa rất nhiều. Đạo diễn dường như phải làm từ đầu, còn diễn viên họ ít hoặc không có sự chủ động, bởi vì còn đang mải những chuyện khác. Đó là cái khiến tôi cảm thấy khá buồn. Nhưng cũng có thể thông cảm cho các bạn ấy vì có lẽ cuộc sống bây giờ quá khó khăn, các bạn còn phải lo cơm áo nên chưa chuyên tâm vào nghề.
Yêu nghề, nghề không phụ người, thông điệp bà muốn gửi gắm đến thế hệ diễn viên trẻ là gì?
- Người sống vì nghề thì nghề sẽ không phụ người. Tôi có thể thành công ở mảng sân khấu nhưng cũng đã có những thành quả ở mảng điện ảnh, truyền hình. Khi nhìn lại tôi cũng đã dành cả cuộc đời vì sự nghiệp diễn xuất và đến bây giờ tôi vẫn tiếp tục cống hiến. Tất cả là vì tình yêu nghề và tôi trân trọng những cơ hội được đạo diễn giao phó, từ đó buộc bản thân phải làm nghề một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và làm hết sức mình.
Tôi quan niệm rằng, đã là một diễn viên chuyên nghiệp thì ở vai gì cũng có thể làm. Chỉ có điều là làm ở mức hoàn thành, hoàn thành tốt hay tốt hơn nữa. Vì vậy bản thân các diễn viên trẻ cần nhận thức rằng việc nhận được lời mời vào vai diễn là một niềm hạnh phúc, nếu là diễn viên chuyên nghiệp thì không nên kén chọn.
Để sống với nghề lâu dài, lớp diễn viên trẻ cần phải tích lũy thêm kiến thức về văn học nghệ thuật, kiến thức cuộc sống và kiến thức về nghề nghiệp. Học ở trường thì sẽ nắm được những lý thuyết cơ bản, còn từ lý thuyết đó vận dụng vào thực hành sẽ góp phần quyết định sau này bạn trở thành ai trong tương lai. Cùng với đó quá trình làm việc đòi hỏi mỗi người phải có sự nỗ lực rất lớn. Mong rằng các bạn sẽ tìm cho mình một giải pháp, biết cân nhắc làm việc để có kết quả lâu dài. Người diễn viên cần cả một hành trình tích lũy, học hỏi ở bất kỳ đâu, bất kỳ ai.
Trân trọng cảm ơn bà!