NSND Việt Anh: Tôi đang chờ một kịch bản hay

NGUYỄN SINH (thực hiện) 03/05/2023 09:16

Khán giả không xa lạ với cái tên NSND Việt Anh - “cây đa, cây đề” của sân khấu phía Nam. Ông ghi dấu qua hàng trăm vai diễn khác nhau từ hài kịch, phim truyền hình, điện ảnh. Cùng với vai trò nghệ sĩ, ông còn là người thầy đứng sau đào tạo nhiều thế hệ trẻ bước vào nghệ thuật. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ để lắng nghe những chia sẻ của NSND Việt Anh trên hành trình 40 năm làm nghệ thuật của ông.

PV: Thưa NSND Việt Anh, con đường đến với nghệ thuật của ông được bắt đầu như thế nào?

NSND Việt Anh.

NSND VIỆT ANH: Tôi sinh ra ở TPHCM nên sớm cảm nhận hơi thở văn hóa nghệ thuật miền Nam từ khi còn rất nhỏ.

Tôi nhớ hồi đó, ba thường dẫn tôi theo đi xem cải lương từ khi tôi mới 5, 6 tuổi nên tôi đã sớm được tiếp xúc với sân khấu dù cả gia đình tôi không có ai hoạt động nghệ thuật. Học xong cấp 3, tôi tham gia lực lượng thanh niên xung phong trong 4 năm rồi về học ở Trường Văn hoá - Nghệ thuật TPHCM, sau đó thi vào đội kịch nghiệp dư của Nhà Văn hóa Thanh niên.

Thật ra, tôi chỉ là người trưởng thành từ phong trào, sau chừng một năm sinh hoạt sân khấu quần chúng. Tiếp đó, tôi bước vào sân khấu chuyên nghiệp, may mắn được tham gia một vở kịch nước ngoài, với vai ông tổng biên tập của một tờ báo, không ngờ vai diễn đầu tiên ấy đã giúp tôi được nhiều người biết tới.

Ông thích được hóa thân vào những vai diễn hài kịch hay chính kịch?

- Tôi nghe nhiều người nhận xét rằng dù tôi không quá… đẹp trai nhưng có duyên. Nhiều khán giả tới nay còn nhớ các vai diễn Chu Phác Viên vở “Lôi vũ” hoặc vai ông Năm vở “Dạ cổ hoài lang”. Tôi diễn vai ông Năm lần đầu tiên khi mới 36 tuổi và may mắn được báo chí và khán giả nhận xét là một trong những vai diễn thành công nhất. Riêng bản thân tôi thích diễn những vai gai góc, sần sùi, nhất là vai vừa bi vừa hài, hoặc chỉ bi không thôi chứ không thích chỉ là đơn thuần vai hài.

Cùng với diễn kịch, có thời gian ông còn tập trung đi quay phim truyền hình, phim điện ảnh, kể cả sitcom… và sẵn sàng tham gia những vai phụ?

- Đúng vậy! Tôi không hề có sự kén chọn nào khi đóng phim điện ảnh, truyền hình hay sitcom…Vai chính hay phụ, thậm chí chỉ cần lướt qua chút xíu trên màn ảnh cũng được, tôi không hề đắn đo, không quan niệm rằng tôi cần phải được đóng vai này vai kia. Tôi nghĩ người nghệ sĩ phải vậy, nghệ sĩ là làm nghệ thuật, cái gì ta cũng cần trải nghiệm. Với nghiệp diễn của mình, tôi nhớ mãi lời cố nghệ sĩ lão làng Năm Châu: “Hãy cho tôi xem anh diễn, tôi sẽ biết anh sống thế nào”.

Tôi nói điều này không có nghĩa hễ cứ diễn vai ác trên sân khấu là ngoài đời cũng sẽ là người ác. Điều tôi muốn nhấn mạnh là cách mỗi người nghệ sĩ khi hóa thân vào nhân vật và sống với nó bằng trọn vẹn cảm xúc của mình.

Tuy nhiên như tôi đã nói, chỉ ở mảng phim ảnh hay sitcom thôi, còn với sân khấu kịch, xin cho tôi được phép có sự chọn lựa. Bởi sân khấu với tôi thiêng liêng lắm. Tôi khá may mắn vì nhờ cái nôi sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần (nay là Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM) nên tôi và các bạn đồng nghiệp được rèn nghề bằng những vở diễn có kịch bản hoàn hảo, được thử sức với những kịch bản nước ngoài và làm việc chung với những nghệ sĩ rất giỏi nghề. Ở môi trường ấy, tôi và các bạn của mình có rất nhiều cơ hội để thăng hoa và đã được nhiều công chúng biết đến.

Những năm gần đây, nhiều khán giả tiếc nuối khi NSND Việt Anh rất ít xuất hiện trên các sân khấu kịch. Tại sao vậy?

- Đơn giản vì tôi chưa tìm được vai diễn, chưa thấy kịch bản nào thật sự phù hợp và đủ sức rung động. Tôi đang mong chờ một kịch bản hay, cấu trúc chủ đề tư tưởng của kịch bản nó phải níu vào lòng người, phải có tính nhân văn và định hướng tích cực cho người xem. Ví dụ kịch bản ấy và nhân vật nó cần hòa quyện vào nhau để tạo ra những mâu thuẫn xung đột. Dựa trên những mâu thuẫn xung đột đó, các nghệ sĩ sẽ trình bày cho khán giả xem và cùng nhau đi tìm cái đẹp, hạnh phúc, khơi dậy sự yêu thương trong con người.

NSND Việt Anh khi tham gia series phim ngắn “Chuyện tử tế”.

NSND Việt Anh hiện còn là người thầy đào tạo nhiều thế hệ trẻ bước vào con đường nghệ thuật. Ông muốn gửi gắm điều gì tới lớp nghệ sĩ trẻ?

- Hiện tại tôi nhận tham gia giảng dạy ở Sân khấu kịch Hồng Vân. Với tôi, nghệ thuật trước đây là “cái cần câu cơm” nhưng bây giờ là niềm vui giản dị ở tuổi xế chiều. Nhìn những cô cậu học trò ở độ tuổi 18, 20, tôi như nhìn thấy cả tuổi trẻ ngày xưa của mình. Mỗi giờ lên lớp, tôi thường trăn trở phải làm sao để truyền tải chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cùng nỗi kỳ vọng cho mỗi học sinh mình đang góp sức đào tạo sẽ có cơ hội thành danh sau này.

Các bạn trẻ bây giờ đa số đều có cơ hội học hành, được tiếp cận thế giới nhiều hơn nên các em rất thông minh. Tuy vậy về kinh nghiệm, sự hiểu biết về nghề nghiệp thì các em cần phải trau dồi thêm để phát triển tài năng, để kỹ thuật biểu diễn ngày một hay hơn.

Tôi mong muốn các bạn trẻ phải luôn có ý chí trau dồi, học hỏi. Nếu không có điều kiện học hành qua trường lớp thì hãy tự nghiên cứu, rút tỉa kinh nghiệm ở những bậc đàn anh, bậc thầy đi trước. Họ sẽ hướng dẫn về mặt lý luận cho các bạn. Tại sao cần phải diễn thế này và tại sao cần phải diễn thế kia? Họ cũng sẽ giúp các bạn xác định cái gì làm kim chỉ nam cho mình trong nghệ thuật biểu diễn.

Từ đó, ông muốn truyền thông điệp gì đến những người trẻ?

- Các bạn phải trau dồi hơn để ngày càng phát triển năng khiếu của riêng mình. Tôi cho rằng các bạn phải đọc thật nhiều để hiểu và thấm nhuần xã hội, con người, triết học, mỹ học, văn học... Phải biết đau nỗi đau đời, cảm thương xót xa với một vài hoàn cảnh nào đó mới biến thành nghệ thuật để biểu diễn, để mọi người nhìn thấy cái đẹp nằm ở đâu. Đó mới là nghệ sĩ.

Lấy ví dụ từ chính bản thân tôi, học trường lớp chỉ vài tháng, nhưng tôi luôn tâm niệm mình cần phải học cả đời. Tôi đã học từ các bậc tiền bối, các đồng nghiệp, bạn diễn, thậm chí cả với các học trò mình. Những buổi lên lớp tại các sân khấu kịch hay ở Trường Đại học Văn Lang cũng là lúc tôi ôn lại kiến thức cho chính mình.

Ở tuổi 65, ông có cảm thấy hài lòng với những gì mình đã có?

- Tôi khá hài lòng với cuộc sống của mình, bên cạnh công việc, lúc rảnh rỗi tôi thường tìm niềm vui bên bạn bè, những người học trò. Chúng tôi gặp gỡ cùng nhau cà phê, thỉnh thoảng cũng đi lai rai chút ít. Bộ môn thể thao yêu thích của tôi là bóng đá, tennis. Nói chung, tôi quan niệm mọi việc xảy ra trong cuộc đời đều là cái duyên mà có. Đời người nghệ sĩ, vinh quang và cay đắng tôi đã nếm trải đủ rồi.

Trân trọng cảm ơn NSND Việt Anh!

NSND Việt Anh tên thật Nguyễn Văn Liêm, sinh năm 1958 tại TPHCM. Ông được biến đến với những vở diễn ấn tượng như: “Lôi vũ”, “Dạ cổ hoài lang”, “Đêm họa mi”, “41 đóa hồng”... Không chỉ diễn xuất, ông đảm nhiệm cả cương vị đạo diễn, từng đứng ra dàn dựng nhiều vở kịch xuất sắc. Cái tên Việt Anh còn gắn liền cùng những bộ phim truyền hình, điện ảnh như: “Mùi ngò gai”, “Gia đình là số một”, “Gia đình phép thuật”… Trải qua hơn 40 năm sự nghiệp, NSND Việt Anh đạt được nhiều giải thưởng lớn nhỏ và để lại ấn tượng với nhiều vai diễn được đông đảo khán giả yêu thích. Năm 2001, ông được Nhà nước xét trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú với những đóng góp miệt mài cho nghệ thuật. Năm 2019, ông được vinh danh với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NSND Việt Anh: Tôi đang chờ một kịch bản hay