NSƯT Minh Vượng: Trái tim thanh mảnh

Cẩm Thúy (thực hiện) 28/10/2017 09:05

Đã có biết bao bài viết về chị và đôi khi truyền thông, theo một cách lười biếng và định kiến, mặc định cho rằng Minh Vượng hiện đang thế này, thế kia. Tới mức khi chị tình cờ xuất hiện ở đâu đó xa Hà Nội, khán giả nhận ra chạy tới bắt tay, hỏi thăm như “đúng rồi”. Toàn những thông tin mà người trong cuộc cười ngất vì nó hoặc là chuyện đã xa xôi đâu đó, hoặc là thông tin “xa lạ”.

Bởi thế mà chỉ có những người thân quen, hiểu chị mới biết công việc của chị bận rộn thế nào. Và hơn hết, con người có trái tim nồng ấm, luôn luôn cảm thấy chả đủ thời gian để yêu thương, luôn luôn xót thương con người, xót thương cuộc đời thì “thời gian đâu để mà buồn”, mà cũng có gì để buồn. Mọi việc chị làm đều xuất phát từ trái tim – một trái tim mảnh dẻ, luôn chạm tới tận cùng cảm xúc.


NSƯT Minh Vượng.

PV: Trong “định kiến” của nhiều khán giả, chị dường như sinh ra để diễn hài. Ít người hình dung chị nhiều năm nay đang làm công việc của một người thầy?

NSƯT Minh Vượng: Lịch đi dạy của tôi bây giờ rất kín. 8 năm nay tôi dạy ở Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, ở trường Cao đẳng truyền hình, ở một trung tâm hỗ trợ tài năng trẻ và mỗi tuần 1 buổi dạy cho trẻ em mẫu giáo ở trường Việt – Bun. Ngoài ra tôi vẫn tự viết kịch bản, tự dựng và đi biểu diễn phục vụ thiếu nhi. Tôi cũng đang tham gia một bộ phim sitcom dự kiến dài 300 tập, đã bắt đầu quay những tập đầu tiên.
Ở trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, tôi dạy 2 bộ môn khó của sân khấu là kỹ thuật biểu diễn và tiếng nói. Đây là ngôi trường tôi đã học ở đó ngày xưa và 8 năm nay tôi trở về, làm người thầy đào tạo diễn viên để trả ơn trường đã cho mình một cái nghề, trả ơn tổ nghiệp đã cho tôi thành danh.

Một người thầy đầy tận tụy và yêu thương?

- Mỗi buổi lên lớp tôi luôn luôn thấy thiếu thời gian, tôi luôn cảm thấy phải đuổi theo thời gian, tôi luôn luôn cảm thấy quỹ thời gian của tôi không còn nhiều. Kiến thức tôi học được từ các thầy và kinh nghiệm của tôi phải được truyền dạy cho học sinh, đó là món quà vô giá, bởi vì điều đơn giản đối với tôi cho đi tức là nhận lại. Thường là buổi học của tôi có khi kéo dài 4 tiếng, không bao giờ có giờ ra chơi. Lớp có 16 em thì tôi diễn 16 vai. Thống nhất ngay từ đầu là cô không nghỉ ra chơi, em nào có việc ra ngoài thì lẳng lặng ra. Thực sự là lớp diễn viên bây giờ không có năng khiếu như ngày xưa, nhưng được cái các em yêu mến và đam mê nghề. Theo chủ quan của tôi chỉ khoảng 30% sinh viên có tài năng.

Tôi đã dạy sinh viên theo kiểu của thợ mộc Việt Nam, em này chỉ làm được vai nhỏ, vai lớn phải giao cho em khác. Tôi yêu thương sinh viên như con. Tôi nói với các em rằng: Cô không có gia đình, không có con, cô coi các con như con của cô. Nhờ vậy mà khi nào các em thấy thái độ không hài lòng của tôi thì tự các em biết điều chỉnh.

Nhưng mà đào tạo diễn viên không giống với các nghề khác. Có thể có những em ngay từ đầu mình thấy chưa hài lòng về khả năng, trong quá trình học, tài năng lại lóe lên. Thành ra nghề này người không chọn nghề được mà nghề chọn người, có muốn cũng chả được.

Khi bắt đầu đào tạo một lớp diễn viên, chị thường nói gì với các em?

- Làm thầy tôi luôn luôn nói với các con, việc đầu tiên là tôi dạy các con nên người rồi sau đó mới dạy các con nên nghề. Bởi vì nếu không nên người, không có đạo đức, không có nhân cách thì không thể đứng trên sân khấu để nói những lời hay ho được. Phải có nhân cách yêu thương gia đình, biết sẻ chia, biết giúp đỡ, phải có trái tim biết yêu thương đồng loại thì hãy nói đến nghệ thuật. Có những buổi học tôi mời cả ông bà bố mẹ sinh viên dự học cùng. Họ rất thích và họ đều nói cảm ơn tôi trước hết là đã dạy con cháu họ nên người.

Những buổi học đầu tiên cho một khóa diễn viên mới của tôi bao giờ cũng là dạy đạo đức. Nhiều em sẽ ngạc nhiên vào trường sân khấu không dạy nghề đầu tiên mà lại dạy đạo đức. Đạo đức quan trọng lắm, người diễn viên lên sân khấu vào vai cứ nói oang oang về hiếu thảo mà ngoài đời làm ngược lại thì ai tin. Khán giả ở xa có thể không biết, nhưng ít nhất là những người hàng xóm họ sẽ cười vào mũi, vì họ biết ở ngoài đời thật ra mình đã sống như nào.

Ôi, làm thầy như chị thật hiếm, mà để làm được cũng phải thật tâm huyết. Chị đang trả ơn đời, trả ơn Tổ nghiệp một cách không thể nào tốt hơn được nữa?

- Tôi vẫn tâm niệm mình còn sức thì còn cố gắng cống hiến tất cả những tâm huyết, những gì đã biết về sân khấu điện ảnh truyền lại cho thế hệ sau. Tôi vẫn nói với bạn bè các anh chị cứ tâm huyết với trò đi, trò còn là mình còn. Mình chết có mang được gì đi đâu. May mắn cho Minh Vượng là được học rất nhiều thầy nổi tiếng ngày xưa và những đàn anh nổi tiếng trong nghề. Bây giờ tôi truyền lại cho các em.

Năm 1978 ra trường, tôi may mắn được làm thư ký sân khấu cho thầy Nguyễn Đình Nghi, nên học được rất nhiều. Tôi cũng học được từ những đàn anh lớn trong nghề như anh Doãn Hoàng Giang, anh Lê Hùng. Ví dụ tôi học được cách của anh Hùng là nương theo tố chất của người nghệ sĩ, cái hay cái dở của họ, để sáng tạo vai diễn.

Đời sống của giới nghệ sĩ ngày nay cũng phức tạp vô cùng, chị dạy gì cho sinh viên về những điều các em phải đối mặt khi ra đời?

- Tôi nói với các em, bạn là no đói hoạn nạn có nhau kề vai sát cánh, bè là cây nứa cây sậy ghép lại vượt sóng vượt ghềnh thì tự nó tan ra. Cô mong các con luôn luôn là bạn tốt của nhau, đừng bao giờ gió chiều nào che chiều ấy, kéo bè kéo cánh hại người tốt. Các con nên nhớ việc to biến thành việc bé, việc bé biến thành không có, còn nếu ai làm điều gì quá xấu khiến mình thua thiệt hãy tự chép miệng theo kiểu đạo Phật, đó là kiếp trước mình nợ người ta, để cho qua. Bản thân tôi đến giờ vẫn đề ra những phương châm ấy để sống tốt hơn.

Còn với những đứa trẻ ở trường mầm non, mỗi tuần, chị dạy gì cho các bé?

- Ở trường mầm non, mỗi tuần tôi có một giờ dạy cho khoảng gần 1000 đứa trẻ từ 2 tuổi rưỡi đến 5 tuổi. Bạn biết là gần 1000 đứa trẻ thì ồn ào khác gì tổ ong bò vẽ. Thế mà việc của tôi là cuốn hút để 1 giờ học nó trật tự nghe hoặc hào hứng tương tác cùng “bạn Minh Vượng”. Bằng con đường ngắn nhất đến trái tim các bé, tôi dạy cho các cháu điều phải trái, biết thế nào là giữ lời hứa, biết yêu thương, biết hòa đồng thân thiện với thiên nhiên. Trẻ con như tờ giấy trắng, bố mẹ ông bà phải là tấm gương trong, trẻ con nó soi vào và cảm nhận, chứ tấm gương nhiều tỳ vết thì dạy gì cho con.

Đây là công việc hiện nay tôi rất thích vì nó khiến mình được trẻ lại.

Chị có thể đưa một ví dụ về thông điệp chị truyền cho các con?

- Tôi đưa bàn tay ra bảo loài cây, loài hoa cũng giống loài người, các con hình dung cái bàn tay xinh thế này mà bẻ đi 1 ngón thì sẽ đau thế nào, cái cây cũng đau như thế khi các con ngắt đi một bông hoa, một cành cây… Tôi đưa ra những điều thiện để nuôi dưỡng tâm hồn các em. Đây là công việc tôi toàn tâm toàn ý, tự soạn nội dung, tình huống. Nhiều hôm xong 30 phút, người tôi vã đẫm mồ hôi. Tôi mang cái tâm, trái tim và tình yêu trẻ đến để dạy cho các con.

Những thông điệp đầy tính giáo dục này hình như cũng đã thể hiện thấm đẫm trong các tiểu phẩm biểu diễn của chị dành cho thiếu nhi từ nhiều năm nay?

- Đúng rồi, 19 năm nay năm nào tôi cũng tự viết tiểu phẩm và diễn cho trẻ con xem. Ngoài các sô diễn ở trường học, cơ quan, nhà hát, trung tâm văn hóa, tôi còn biểu diễn miễn phí ở nhiều bệnh viện có các cháu nhỏ đang mắc bệnh nặng. Lần nào cũng áp lực lắm mà vẫn đi, bởi vì có em xem tôi biểu diễn xong chỉ tuần sau là không còn nữa. Tôi diễn mà không dám nhìn xuống các em, tôi nhìn lên trời, nuốt nước mắt vào trong mà diễn, tôi cùng các em múa hát mà trong lòng đau đớn nghĩ không biết lần sau còn gặp nó nữa không.

Năm 2008, năm ấy mẹ tôi mất, hôm sau là 49 ngày mẹ tôi. Ngày hôm ấy tôi hủy 12 sô diễn cho trẻ con ở các cơ quan ở Hà Nội để vào Hà Tĩnh diễn cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, đêm diễn ấy tôi không lấy tiền, rồi đi cả đêm về luôn để sáng hôm sau kịp làm lễ 49 ngày mẹ tôi. Sau đợt ấy, tôi ốm lăn lóc gần 1 tháng.

Chị Vượng yêu quí, đến đây em không muốn thể hiện mình như một phóng viên thực hiện cuộc phỏng vấn nữa rồi, tim em rung lên khi nghe chị kể. Vừa mới đây thôi em chứng kiến chị đã lặn lội vào tận Tây Nguyên biểu diễn miễn phí cho những đứa trẻ mồ côi được các xơ của Dòng ảnh phép lạ nuôi dạy, diễn xong, chị còn tặng thêm tiền cho bọn trẻ… Trái tim chị là trái tim của một người mẹ lớn của rất nhiều đứa con!

- Tôi nghĩ rằng với tình yêu trẻ em bản thân tôi đã làm hết mình. Tôi tự sáng tác, tự biểu diễn, tôi rất vui vì trẻ con mẫu giáo từ 2 tuổi rưỡi đến 5 tuổi nhìn thấy tôi là chào bác Minh Vượng, hoặc thậm chí là “bạn Minh Vượng”. Có bạn gái 3 tuổi ở lớp mẫu giáo đã có lần hỏi tôi: Này Minh Vượng này, có bạn hay cho tôi một gói xôi vào buổi sáng thế có phải là yêu không? Tôi đã trả lời: À, tại bạn gầy quá nên bạn kia mới tặng xôi để bạn ăn cho khỏe, học cho tốt. Nhiều bạn gái nhất định ngày nào cũng phải chọn chỗ ngồi cạnh bạn trai, nếu hôm nào đến lớp mà thấy bạn trai nghỉ học thì cũng khóc mếu đòi về. Nên tôi vẫn muốn nói ông bà bố mẹ phải là tấm gương cho trẻ con nó soi vào, làm gì, nói gì cũng nên cân nhắc, nhìn con mà sống.

Sang năm, 2018, là tròn 40 năm tôi ra trường về công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội. 40 năm làm nghề thì 19 năm diễn cho trẻ con, không cần gì cả, chỉ cần thấy các con cười. Thông qua tác phẩm tôi dạy cho các bé nói thật, biết chấp hành luật lệ giao thông, biết nói lời cảm ơn, biết nói lời xin lỗi. 19 năm nay các trường học rất thích Vượng về diễn vì không phải chương trình nào mình cũng lấy tiền, có nơi lấy rất ít hoặc không lấy, điều mình được là thông qua tác phẩm của mình, truyền thẩm mỹ giáo dục đến người xem.

Vâng, thật tiếc khi những phương pháp giáo dục như này không được đưa vào nhà trường một cách rộng rãi hơn?

- Năm 1994, khi biểu diễn ở Nga, tôi để ý thấy một đứa trẻ trong lúc ngồi chờ mẹ nó ăn kẹo cao su, nó gấp giấy kẹo cho vào túi, một lúc sau nó lại lấy cái giấy kẹo trong túi ra, nhè bã kẹo vào đó, gói lại bỏ vào thùng rác. Tôi cũng gặp một đứa trẻ khác biết lùi lại mở cửa xe cho bé gái vào trước… Giáo dục ở VN chúng ta hay bỏ qua những điều nhỏ nhặt nhưng thực ra lại giúp hình thành nhân cách như vậy. Những điều rất nhỏ làm nên một nhân cách lớn.

Tôi hy vọng những bài học tôi dạy cho các bé thấm đẫm yêu thương giúp đứa trẻ biết xót từng con kiến, biết bảo vệ từng bông hoa thì khi chúng lớn lên sẽ bớt đi những chuyện đau đớn như xã hội đang chứng kiến bây giờ, khi con người đối xử với nhau ác quá.

Mà kinh khủng nhất là khi có đám đánh nhau, thay vì nhảy vào can, người ta dửng dưng đứng quay phim chụp ảnh đưa lên mạng cho mọi người xem. Thay vì vác điện thoại quay phim chụp ảnh, tại sao mọi người không nhảy vào can đám đánh nhau? Rất nhiều người đứng quay phim chụp ảnh, sợ quá. Một sự dửng dưng đau đớn!

Thầy giáo tôi, nhà mỹ học Dương Viết Á, từ hồi chúng tôi còn bé đã dạy mong các con sau này lớn lên trưởng thành không kết bạn với những người đàn ông đàn bà mà vui không cười, buồn không biết khóc. Lúc ấy chẳng hiểu gì, đến khi lớn lên mới vỡ ra lời thầy là chơi với những người vô cảm thì không nên, bởi vì làm người thì phải có một trái tim biết chia sẻ với đồng loại.


Buổi biểu diễn miễn phí của nghệ sĩ Minh Vượng ở nhà Vinh Sơn 4 –
nơi các xơ của Dòng ảnh phép lạ tỉnh Kon Tum nuôi dạy trẻ em mồ côi. (Ảnh: Nguyễn Quân).

Và một trái tim biết xót thương con người…

- Hồi mới về Nhà hát Kịch Hà Nội, diễn viên Minh Hòa (bây giờ đã là NSND) có lần đi xe đạp vấp phải hòn gạch, ngã lộn xuống hôn mê 3 ngày. Câu chuyện ấy ám ảnh tôi tới mức sau này đi đường nhìn thấy hòn gạch kiểu gì tôi cũng tấp xe vào bên lề, nhặt hòn gạch bỏ đi, bởi vì rất có thể một người đàn bà chửa, một người mẹ đèo con, một cặp vợ chồng chuẩn bị cưới, một đôi vợ chồng già… sẽ đâm vào hòn gạch. Điều gì sẽ chờ họ? Hoặc rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy tôi đang đi trên đường nếu nhìn thấy 1 cái dây điện lòng thòng xuống đường kiểu gì tôi cũng dừng lại, để chân chống giữa, nhờ một thanh niên đứng lên cái yên xe máy của tôi để kéo dây điện lên. Chẳng ai bắt buộc tôi làm việc ấy, là do tự ý thức của tôi. Và tôi nghĩ rằng nếu ai cũng có ý thức, mỗi người làm một việc tốt thì việc tốt sẽ được nhân lên rất nhiều. Người Việt Nam mình có đặc điểm rất lạ, khi chưa xảy ra việc gì thì dửng dưng, đèn nhà ai nhà ấy rạng, đến lúc xảy ra thảm họa như bão lụt chẳng hạn thì lại cuống lên, đổ xô đi làm từ thiện.

Người có trái tim như chị chắc chắn xa lạ với chiêu trò của showbiz ngày nay?

- Showbiz như con dao 2 lưỡi, tốt thì người ta được bốc thơm lên, nhưng rồi có lúc nó lại dìm mình xuống đáy bùn. Đã là nghệ sĩ chân chính hãy nghĩ đến cá nhân mình ít thôi. Sự tổn thương và lòng tự trọng ai cũng có nhưng nhiều khi quá yêu mình thì sẽ cho rằng mình là đúng, mình phải được hưởng như vậy. Có những người còn tạo ra scandal để đánh bóng mình. Tự hỏi như thế có nên không? Tôi mà là người thân của những nghệ sĩ ấy tôi sẽ rất buồn, không vui gì đâu, cầm đồng tiền mà không phải bằng thực lực tài năng của mình, mà do đánh bóng thì tôi rất không muốn. Tôi mong các bạn trẻ hãy sống đúng bằng tài năng của mình, tự rèn giũa mình, tạo ra đẳng cấp nghề nghiệp cho mình, đừng chạy theo hư ảo danh vọng, đừng để cái tôi quá lớn lấn át cả nhân cách mình.

Cuối cùng thì chiều độc giả một chút, chị nói đôi lời về cách chị cân bằng đời sống của chị hiện nay?

- Gia đình tôi có 6 anh chị em, 4 chị em gái ở giữa, rất đông con cháu. Nếu bữa nào đủ phải ăn hết 8 mâm cơm. Bạn bè vẫn đùa gia đình tôi huýt sáo thì trong vòng 30 phút có vài chục người. Anh em tôi quấn quýt, yêu thương nhau, đứa bé không bao giờ cãi anh chị, con cái không bao giờ cãi bố mẹ. Anh chị, các em và các cháu tôi yêu thương tôi, nên tôi chả có lúc nào để buồn. Tôi yêu cuộc sống này. Có những lúc cũng bất chợt xao lòng, chạnh lòng, mình là con người mà, nhưng còn lại thì tôi không đủ thời gian để buồn.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NSƯT Minh Vượng: Trái tim thanh mảnh