Được trình chiếu vào những năm 1980, “Biệt động Sài Gòn” được coi như một bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam và cũng trở thành bệ phóng đưa tên tuổi NSƯT Thanh Loan – người thủ vai ni cô Huyền Trang đến gần hơn với khán giả.
Thế nhưng ngay sau thành công đó, mỹ nhân một thời của điện ảnh Việt lại “giải nghệ” để thực hiện nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ… Tròn 30 năm rời xa nghiệp diễn, NSƯT Thanh Loan đã có những trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề.
NSƯT Thanh Loan hiện tại.
PV: Thưa bà, với người diễn viên để có một vai diễn đề đời không chỉ đòi hỏi ở tài năng mà còn là cả sự may mắn. Cơ duyên nào đưa bà đến với vai diễn Ni cô Huyền Trang trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”?
NSƯT Thanh Loan: Tôi vẫn nhớ hơn 30 năm về trước, khi đó tôi đang là phát thanh viên Truyền hình An ninh được cử vào TP Hồ Chí Minh công tác. Cùng thời điểm đó, đoàn phim Biệt động Sài Gòn cũng đã quay xong tập 1 nhưng chưa tìm được người đóng vai ni cô Huyền Trang.
Thật tình cờ lúc đó tôi được gặp họa sỹ Trịnh Thái và đạo diễn Long Vân và chỉ sau vài phút chào hỏi, các anh cùng ồ lên: “Đây chính là ni cô xinh đẹp rồi” và mời tham gia phim ngay. Thật lòng lúc đầu tôi khá lưỡng lự nhưng khi đọc kịch bản thì bị thuyết phục hoàn toàn.
Còn với nhân vật ni cô Huyền Trang, tôi cũng phải thú thật đây là vai diễn của rất khó với chính bản thân tôi bởi để diễn thành công nhân vật cần nhiều trải nghiệm và tính cách đa chiều.
Trong 4 năm làm phim, kịch bản bộ phim được sửa đi, sửa lại nhiều lần, diễn viên khi nhận lời đóng phim phải tự tay viết lý lịch nhân vật, tự tôi phải phác thảo rằng, ni cô Huyền Trang là người ở đâu, tính cách như thế nào, nguồn gốc như nào, vì sao đi hoạt động cách mạng… để có sự “ăn ý” với các bạn diễn cũng mình. Tôi thấy mình được “đo ni đóng giầy” với nhân vật ni cô Huyền Trang.
Vậy sau hơn 30 năm cô nhớ nhất điều gì với vai diễn để đời của mình?
NSƯT Thanh Loan: Điều mà tôi nhớ mãi với vai diễn ni cô Huyền Trang chính là việc phải hi sinh mái tóc dài óng mượt mà bố tôi rất thích để phục trang đội nón không bị giả. Trong cảnh Huyền Trang đi khất thực, dưới nắng trời gay gắt trên đường Nguyễn Huệ. Để cảnh quay chân thực, quay phim phải giấu máy không để lộ tại hiện trường.
Vai diễn ni cô Huyền Trang.
Vì thế, bà con tưởng ni cô thật, đẹp quá, nên nhiều người lặng lẽ đến bên bỏ quà vào tráp. Sau đó là cảnh giả mưa, với 4 chiếc xe cứu hỏa phun nước. Theo đúng kịch bản, ni cô bị ngất và quả thực lúc đó, tôi bị ngất thật, đúng khung hình đạo diễn ưng ý luôn. Thời đó thuốc cũng khan hiếm, may mắn lắm thì có viên xuyên tâm liên.
Thế nhưng, ngất xong lại đóng tiếp… Hồi đó, để đóng được thành công vai diễn tôi đã phải vào chùa Dược Sư ở một tuần và được các ni sư thật dạy tụng kinh gõ mõ, được ni cô dạy đi khất thực, đi từng bước một, khoan thai như nào, ánh mắt ra sao.
Chưa kể, hồi đó đóng phim khó khăn nhưng các diễn viên rất yêu thương nhau, khán giả miền Nam hồi ấy cũng tạo điều kiện để đoàn làm phim hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
Đang ở đỉnh cao của thành công, nhưng sau khi bộ phim được hoàn thành năm 1986, bà lại chọn cách rời xa điện ảnh để trở về nhà thực hiện trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ. Đâu là lý do để có quyết định này?
NSƯT Thanh Loan: Bộ phim Biệt động Sài gòn kéo dài 4 năm trời, trong 4 năm ấy, tôi đi đi, về về giữa quãng đường Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Chưa kể thời gian đó, chồng tôi lại ở Đức làm Tiến sĩ khoa học nên hai con chủ yếu ở với bà nội.
Mẹ chồng tôi rất tâm lý, bà luôn tạo điều kiện cho tôi tham gia phim và chăm cháu mà không một lời phàn nàn. Quả thật, để có được thành công với vai diễn ni cô Huyền Trang tôi phải cảm ơn mẹ chồng tôi rất nhiều vì chính bà luôn bảo vệ tôi khi chồng phàn nàn chuyện đi đóng phim và chăm các con.
Tôi nhớ nhất vào mỗi dịp hè, các thành viên trong đoàn phim cùng đưa gia đình, con cái vào trường quay chơi. Lúc đó, trường quay ở số 6 Đồn Đất chẳng khác gì một vườn trẻ. Và cứ nhìn thấy các cháu được vui chơi cũng bố mẹ phần nào làm tôi day dứt.
Đây cũng chính là nguyên nhân để sau khi hoàn thành phim “Biệt động Sài Gòn” tôi quyết định rời bỏ nghiệp diễn. Có lẽ lúc đó với nhiều người việc tôi từ bỏ nghiệp diễn quá bất ngờ khi tôi đang trên đỉnh vinh quang hoàn toàn có thể tiến xa hơn.
Nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ một điều người phụ nữ có thành công đến bao nhiêu, vinh quang đến bao nhiêu vẫn cần phải giữ lấy ngọn lửa gia đình. Do đó tôi đã trở về với gia đình thay vì tham vọng, mải mê sự nghiệp và sau 30 năm tôi vẫn khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng.
Trân trọng cảm ơn bà!