Nếu không chấn thương, Hà Thanh chắc chắn sẽ không dừng lại. Quyết định chia tay Đội tuyển Quốc gia thực sự khó khăn, nhưng với VĐV người Hải Phòng, 19 năm theo nghiệp thể thao, là thời gian quá đủ để cô có những trải nghiệm quý báu, ghi những dấu ấn cho thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Giờ đây, khi đang chọn cho mình một con đường mới, Hà Thanh vẫn tiếp tục gắn bó với nghiệp thể thao, nhưng trên cương vị của một HLV.
'Nữ hoàng thể dục dụng cụ' Phan Thị Hà Thanh.
19 năm đánh đổi
Phan Thị Hà Thanh là một trong những VĐV đầu tiên của thế hệ vàng TDDC Việt Nam, đã đánh đổi cả tuổi thơ sang Trung Quốc 8 năm để tập luyện với mục đích chuẩn bị cho SEA Games 22 tại Việt Nam.
Sinh ra trong một ra đình không có ai làm thể thao, mẹ là bác sỹ, bố là cán bộ khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc, cô bé có dáng người mảnh khảnh, nhút nhát lại thấy thích thú với TDDC ngay từ hồi vài tuổi. Theo nghiệp TDDC ban đầu chỉ là cảm giác thấy “thích đu lượn” và rèn luyện sức khỏe, nhưng Hà Thanh đâu nghĩ rằng đây lại là một trong những môn khắc nghiệt nhất, phải đánh đổi nhiều nhất.
Tuổi thơ của Hà Thanh được gói gọn trong hai chữ: “xa nhà”. Cô bé vừa thiếu vắng tình cảm của bố mẹ, vừa phải “hành xác” trong mỗi buổi tập hàng ngày.
TDDC quá khắc nghiệt, cả trong tập luyện và thời gian thi đấu đỉnh cao. Phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng dường như các VĐV TDDC được rèn cho tính tự lập, chịu đựng từ bé, nên ai cũng âm thầm vượt qua mọi khó khăn.
Hà Thanh bồi hồi kể lại: “Những bài tập uốn dẻo, thăng bằng, nhảy, đu...chẳng khác nào “hành xác” với những đứa trẻ như chúng tôi. Lúc đầu tập, hầu như ai cũng phải bật khóc”. HLV Đỗ Thùy Giang, người theo lứa Hà Thanh sang Trung Quốc tập huấn, kể lại: “Bọn trẻ vừa tập vừa rơi nước mắt vì đau. Thương lắm, xót lắm, nhưng tôi luôn động viên chúng cố gắng, rồi một ngày sẽ được đền đáp xứng đáng”.
Sự tôi luyện nhanh chóng giúp Hà Thanh có bản lĩnh và sự quyết tâm. Những lần xa nhà, tập huấn Trung Quốc, Thanh tự rèn luyện cho mình một ý chí sắt đá đến kinh ngạc. Trong đội tuyển, Phan Hà Thanh được các đồng đội kính nể bởi ý chí tập luyện vươn lên cũng như bản lĩnh trong những thời điểm khó khăn nhất.
“Thường thì khi các VĐV khác trong đội bị thầy mắng, hay bỏ không tập hoặc thấy mệt mỏi, chán tập. Riêng Hà Thanh, chưa bao giờ tôi thấy em thể hiện điều đó. Thầy mắng nhưng em vẫn lặng lẽ tập. Chính vì thế, Thanh ít bị phá vỡ động tác kỹ thuật, rất chín chắn”, HLV Đỗ Thùy Giang nhận xét.
Không được vui đùa như những đứa trẻ cùng trang lứa, những cái Tết xa nhà, những chuỗi ngày tập luyện dài đằng đẵng, những cơn đau thắt người, cứ quen dần với Hà Thanh. Cuối cùng, trời cũng không phụ lòng người, từ một cô bé vừa mới ngày nào còn khóc nhè vì nhớ nhà, không chịu được đau, giờ đã thành danh với bao chiến tích.
Nhưng, đằng sau những kỳ tích vang dội ấy, Phan Hà Thanh đã phải đánh đổi rất nhiều, những đánh đổi mà chỉ có em, gia đình và thầy cô mới hiểu được...
Cuối năm 2012, sau những đóng góp to lớn của Hà Thanh với ngành, với đất nước, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã quyết định đặc cách cho Hà Thanh vào biên chế Sở VH, TT&DL Hải Phòng, cùng với đó là một mảnh đất hơn 90m2 ở quận Kiến An-Hải Phòng. Đây là phần thưởng vô cùng xứng đáng với Hà Thanh, khi mà những nỗ lực, cống hiến hết mình trong suốt gần 20 năm qua với TDDC nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Ngã rẽ
Tuyên bố chia tay Đội tuyển Thể dục dụng cụ Quốc gia của “nữ hoàng” Phan Thị Hà Thanh hồi năm ngoái giống như một cú sốc đối với ngành TDTT, nhất là trong bối cảnh đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị lực lượng cho các đấu trường SEA Games 2017 và Asian Games 2018.
Với Hà Thanh, đây thực sự là một quyết định khó khăn bởi cô vẫn còn đầy tâm huyết, sự máu lửa.
25 tuổi, 19 năm gắn bó với thể dục dụng cụ, Phan Thị Hà Thanh đã có một sự nghiệp đầy thành công. Và đã đến lúc để cô bước sang một ngã rẽ mới. “Em đã thấy chấn thương của mình đã dần ảnh hưởng tới kết quả tập luyện và thi đấu. Em nghĩ đã đến lúc mình phải nghỉ ngơi để học tập và chuyển sang huấn luyện. Em đã bị chậm tới 4 năm cho việc học Đại học rồi…”, Phan Thị Hà Thanh chia sẻ.
Trên thực tế trên người Thanh đã mang đầy vết tích của đủ loại chấn thương từ vai, lưng, tay cho đến đầu gối. Chính chấn thương đầu gối tái phát đang khiến Thanh đau đớn và khổ sở tại SEA Games 28 năm 2015. Cô đã phải nén đau thi đấu giành HCV toàn năng bằng đẳng cấp cao và kinh nghiệm dày dặn của mình.
Mẹ của Hà Thanh-bà Trần Thị Quán tâm sự: “Tuổi nó khối đứa đã có bằng đại học, chuẩn bị lấy chồng, sinh con, vậy mà giờ vẫn chưa ra trường”. Như vậy là ít nhất vài năm nữa Hà Thanh mới có tấm bằng Đại học, khi đó, cô cũng đã 30 tuổi.
So với các VĐV khác, Hà Thanh thực sự đã bước lên đỉnh cao, nhưng nhìn nét mặt ưu tư của bà Quán, chúng tôi hiểu được nỗi lòng của bà. Thể thao Việt Nam vẫn chưa được chăm lo như nước ngoài.
Tức là các VĐV không được học văn hóa và tập luyện cùng lúc. Vì thế mà nhiều VĐV sau chục năm cống hiến, khi giải nghệ, không ít người chỉ có hai bàn tay trắng, không nghề, không tương lai. Số ít được vào biên chế như Hà Thanh, nhưng với điều kiện là phải có thành tích nổi bật ở sân chơi quốc tế.
Hà Thanh may mắn hơn khi cô vừa có sự nghiệp, lại vừa được ghi nhận bằng những phần thưởng thiết thực. Nhưng dẫu sao, một VĐV như Hà Thanh vẫn phải chịu thiệt thòi hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa.
Gạt qua những ưu tư về sự đánh đổi với nghiệp thể thao, “bông hồng đất Cảng” hí hửng: “Học chậm hơn các bạn vài năm, nhưng quan trọng là em vẫn được tiếp tục theo đuổi môn TDDC”.
Thanh mơ ước sau này sẽ trở thành 1 HLV, được đi tìm các tài năng trẻ, như cái thời cô Thúy (Trưởng bộ môn TDDC) phát hiện ra Thanh hồi 6 tuổi. Cái ngày ấy với Thanh vẫn còn xa và nhiều chông gai, nhưng có khó khăn nào mà Thanh chưa từng nếm trải và đã vượt qua?