Nước Anh chính thức bước vào năm thứ 3 ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 47 năm gắn bó. Cuộc “chia tay” này khiến người Anh được gì, mất gì? Kể từ khi nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit, vào hồi tháng 6/2016, phải mất tới 43 tháng mới ngã ngũ. Ngày 31/1/2020, Brexit hoàn tất và kể từ đó nước Anh đương đầu với nhiều khó khăn.
Ngày 5/2, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, lạm phát lương thực ở Anh đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới 16,7% trong 4 tuần đầu tiên của năm 2023. Ngay cả những thực phẩm thiết yếu như sữa, bơ, pho mát, trứng cũng tăng giá đáng kể.
Đây là mức tăng giá hàng tạp hóa ở mức cao nhất kể từ khi Kantar bắt đầu theo dõi các số liệu vào năm 2008. Theo đó, các hộ gia đình ở Anh phải tăng thêm gần 1.000 USD cho các hóa đơn mua sắm thông thường trong tháng 1/2023.
Fraser McKevitt - Trưởng bộ phận bán lẻ và người tiêu dùng của Kantar, nói: "Cuối năm 2022, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ lạm phát giá hàng tạp hóa giảm nhẹ, nhưng dấu hiệu nhẹ nhõm đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Nếu không có gì thay đổi, năm 2023 này mỗi hộ gia đình người Anh sẽ phải tiêu tốn thêm khoảng 6.781 USD so với năm 2022.
Trong khi đó, một phân tích mới đây của Bloomberg Economics cho biết, nền kinh tế Anh hiện thấp hơn khoảng 4% so với mức nếu nước này ở lại EU và đã mất khoảng 100 tỷ Bảng Anh (124 tỷ USD) mỗi năm sau khi nước này chính thức rời khỏi EU vào năm 2020.
"Có phải Vương quốc Anh đã thực hiện một hành động tự hủy hoại kinh tế khi Brexit? Thực tế cho thấy những tác động xấu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế thứ 5 thế giới nhanh hơn so với hầu hết các dự đoán" - nhà kinh tế học Ana Andrade nhận xét và cho rằng so với các nước G7 đầu tư kinh doanh của Vương quốc Anh hiện ở mức khoảng 9% GDP so với mức trung bình của 6 nước còn lại là 13%.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và những khó khăn kinh tế đang đẩy lùi những hy vọng và hứa hẹn về triển vọng kinh tế tốt đẹp nhờ Brexit. Thị trấn Thurrock đã là một trong những nơi bỏ phiếu ủng hộ Brexit nhiều nhất tại Anh, nhưng rồi thời gian trôi qua, người dân vẫn không có được những gì mà họ trông đợi. Ông Ray Yates - công dân thị trấn Thurrock nói: "Tôi tính sẽ mất 10 năm nữa tình hình mới phục hồi".
Còn các doanh nghiệp Anh cho hay, kinh tế đi xuống xuất phát từ khó khăn trong làm ăn với thị trường gần nhất là EU. Như ở hạt Kent, doanh nghiệp từng xuất khẩu rau quả sang 6 nước EU thì hơn 2 năm qua doanh số sụt giảm “thê thảm”, một phần do Covid-19, phần khác do các mối nhập khẩu giảm dần do phải đối mặt với mức thuế cao hơn và thủ tục hành chính cũng phức tạp hơn. “Chúng ta đã mất nhiều khách hàng EU. Trong khi đó nhập khẩu nông sản từ Tây Ban Nha hay Italy giờ cũng gặp rủi ro do hàng hóa hỏng trước khi giải quyết xong thủ tục hải quan” - bà Nimisha Raja - nhà sáng lập Công ty Nim's Fruit & Veg Crisps, nói.
Theo một nghiên cứu, Brexit đã làm giảm 20% lượng trao đổi thương mại giữa Anh và EU. Và dù đại dịch Covid-19 và chiến sự ở Ukraine có gây ra những tác động tiêu cực thì cũng chỉ trong ngắn hạn, trong khi tác động của Brexit sẽ kéo dài. Phó Giáo sư Thomas Sampson (Đại học Kinh tế London) nhận xét: "Rời EU chắc chắn đã kéo kinh tế Anh phát triển chậm lại, các rào cản thương mại mới đã khiến các công ty Anh khó làm ăn với EU hơn. Về tổng thể, hậu quả là nền kinh tế Anh đang tăng trưởng chậm hơn, nước Anh trở nên nghèo hơn vì Brexit".
Cũng chính vì thế mà nước Anh đang loay hoay tìm cách gắn kết trở lại với EU. Tờ The Guardian trích lời một nguồn tin rằng, các quan chức cấp cao trong Chính phủ Anh đang thảo luận về một mối quan hệ gần gũi với EU dựa trên mô hình của Thụy Sĩ. Nước này không phải là thành viên EU nhưng được quyền tiếp cận thị trường chung EU. Chính Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng ủng hộ một cơ chế hợp tác kiểu mới với EU khi nói rằng "Canada, Hàn Quốc và Nam Phi đều có giao dịch thương mại tự do với EU mà không cần từ bỏ quyền tự chủ của họ. Là một trong những khách hàng lớn nhất của châu Âu, tôi thấy không có lý do hợp lý nào khiến chúng ta không thể đạt được một thỏa thuận tương tự".
Trước đây các lãnh đạo nước Anh nhấn mạnh đến khía cạnh chủ quyền khi phải tuân thủ nhiều luật lệ do EU ban hành hay làn sóng di dân khi nói đến Brexit, nay người ta lại không đề cập đến các vấn đề này mà chỉ nhìn lại Brexit dưới lăng kính kinh tế. Mà theo đó, rõ ràng Brexit không chỉ chặn dòng người nhập cư vào Anh, nó cũng chặn luôn hàng hóa dịch vụ của Anh xuất sang thị trường chung EU, gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế Anh.
Tờ Independent trích lời Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho rằng có nhiều điều cần phải làm ngay trong quan hệ vớ EU để hướng tới tương lai. Theo một cuộc trưng cầu dân ý gần đây thì 1/5 những người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit hiện hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Khoảng 2/3 người Anh nói chung cho rằng quá trình Brexit “được xử lý không tốt”. Tuy nhiên, Brexit đã xảy ra và nước Anh giờ chỉ còn tập trung tìm cách để tình hình thời kỳ hậu Brexit khá lên mà thôi.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), lạm phát đã tăng cao nhất trong vòng 41 năm và năm 2023 dự báo nền kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái. Các chi phí sinh hoạt tăng mạnh là do giá điện và khí đốt tăng cao, bất chấp các nỗ lực bảo đảm giá năng lượng của chính phủ. Trong năm qua, giá gas tăng gần 130%, trong khi giá điện tăng khoảng 66%. Dự báo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Anh, suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2024.